Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Diễn đàn trẻ em năm 2018 của TP.Tam Kỳ đã lắng nghe nhiều ý kiến của trẻ em xung quanh nội dung về thế giới công nghệ số. Nhiều nhóm trẻ em đưa ra các thông điệp qua hình thức kịch ngắn rất sinh động, đã đặt ra nhiều câu hỏi thẳng thắn với lãnh đạo ngành chức năng của thành phố.

images1458616_19

Thông điệp của trẻ

Trẻ em tham gia diễn đàn được chia thành nhiều nhóm. Các em ngồi với nhau, chọn vấn đề, thảo luận, chọn hình thức chuyển tải. Với nhóm trẻ em “Hội đồng trẻ em thành phố”, các em đã thảo luận về vấn đề “Công nghệ số, tác động của mạng xã hội đến trẻ em; ưu, nhược điểm, cách phòng tránh bị bắt nạt trên mạng xã hội”. Với chủ đề này, các em đã chuyển tải qua vở kịch ngắn với nội dung: trong một lớp học, An là lớp trưởng, luôn học giỏi và ngoan hiền. Nhưng một hôm, có những thông tin xấu về An xuất hiện trên facebook, nói An vì là cháu của giáo viên nên mới được ưu tiên điểm tốt. An rất buồn vì sự việc. Cô giáo biết tin từ học sinh, điều tra vụ việc. Thì ra hai học sinh trong lớp vì đố kỵ nên nói xấu An. Cô giáo yêu cầu hai học sinh nam xin lỗi An trước toàn thể lớp học. Từ vụ việc, giáo viên đã yêu cầu học sinh nên biết cách sử dụng mạng xã hội thế nào cho hiệu quả, không để thông tin công khai trên mạng xã hội làm ảnh hưởng xấu đến bản thân và người khác. Các em đã mang đến thông điệp “hãy là người sử dụng công nghệ số thông minh”.

Với chủ đề “Hình thức, nguyên nhân, hậu quả và giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại về mặt thể chất trẻ em”, các em học sinh đến từ Câu lạc bộ kỹ năng sống Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng đã nêu lên một vấn đề xã hội đang quan tâm. Đó là trong lớp có một học sinh nghèo tên A. bị các bạn phân biệt đối xử. Một hôm  A. vội vã chạy về lớp, vô tình đụng phải N., ngay lập tức một số học sinh khác chụp hình, tung lên facebook, lấy đó làm cớ để một “chị đại” trong trường bắt nạt A. Sau đó, A. bị đánh hội đồng, tổn thương thân thể. May mà vụ việc được cô giáo phát hiện và can thiệp kịp thời, giải quyết mâu thuẫn và không để vụ việc kéo dài, gây tổn hại đến thể chất và tinh thần của A. Qua vở kịch, các em học sinh mang đến thông điệp “bạo lực học đường là nỗi lo sợ của học sinh mỗi ngày đến trường”.

Còn những trẻ em đến từ nhóm phường Hòa Hương, Phước Hòa, An Sơn đã mang đến diễn đàn tiểu phẩm “Chuyện đời thường” kể về câu chuyện xảy ra trong một gia đình có đứa con đã mất mẹ, sống với bố và mẹ kế. Người anh là con đời trước, người em là con của đời sau. Người anh suốt ngày bị mẹ kế bắt làm việc nhà, còn người em thì được nuông chiều, sống sung sướng. Sống trong gia đình, người anh luôn cam chịu, chỉ biết nhìn bàn thờ mẹ mà khóc một mình. Trước vong linh của mẹ, người anh chỉ ước có được tình thương của ba mẹ… Trẻ em đã mang đến thông điệp về vấn nạn bạo lực gia đình đã gây ra những tổn thương tâm lý làm ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển của trẻ em.

Đối thoại thẳng thắn

Trước cơn lốc thời đại công nghệ số, em Phan Hồ Mỹ Thơ đã bày tỏ sự lo lắng và quan tâm quy định về xử lý tội phạm mạng như thế nào? Ông Huỳnh Thanh Tuấn – Đội phó phụ trách Đội hình sự (Công an TP.Tam Kỳ) đã trả lời rằng: “Hiện nay, tội phạm sử dụng công nghệ số, mạng xã hội diễn ra phổ biến. Không riêng gì tội phạm xâm hại tình dục trẻ em mà còn nhiều tội khác có phát sinh từ internet. Từ ngày 1.1.2018, Bộ luật Hình sự đã có quy định tội danh này. Tùy theo loại tội phạm có chế tài xử lý khác nhau. Để ngăn ngừa thì có nhiều giải pháp. Trong thực tế, nhà trường chưa quan tâm đúng mức đến việc sử dụng mạng xã hội của trẻ em, không phổ biến những tác hại từ mạng xã hội cho học sinh hiểu. Vì thế gia đình, nhà trường, xã hội cần quan tâm nhiều hơn đối với trẻ em trong thời đại công nghệ số”. Còn ông Bùi Tấn Nhã – Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ thì đề nghị bản thân trẻ em không sử dụng mạng xã hội làm việc xấu, bôi nhọ người khác. Cần tỉnh táo phân định xấu, tốt, đúng, sai chứ không hùa theo số đông trên mạng xã hội.

Em Trương Thị Phương Hoàng (học sinh Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng) cho rằng hiện nay quy định học sinh học đúng tuyến, nhưng lại có học sinh học trái tuyến? Trả lời câu hỏi này, ông Nhã khẳng định việc cấm học trái tuyến được thành phố thực hiện sát sao, nhưng vẫn có một số trường hợp được học trái tuyến, gồm học sinh khuyết tật, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, có trường hợp trái tuyến nào không đúng quy định của trường, phản ánh đến Ban chỉ đạo tuyển sinh của thành phố để xử lý. Sau khi ông Nhã trả lời xong, em Hoàng lại không đồng tình, nói rằng thực tế có trường hợp học trái tuyến là con em cán bộ nên được ưu ái, vậy phải ngăn chặn thực trạng này thế nào? Ông Nhã trả lời: “Ban chỉ đạo tuyển sinh thành phố đã chỉ đạo các địa phương rà soát, kiểm tra và phát hiện thì đưa về học đúng tuyến. Nếu còn có trường hợp nào, các cháu cần phản ánh cụ thể đến Hội đồng tuyển sinh thành phố để thành phố vào cuộc xử lý”.

Một học sinh khác đến từ phường Hòa Hương quan tâm đến vấn đề trẻ em chơi trò chơi trên mạng xã hội quá nhiều, và quán internet mọc lên, hoạt động về đêm. Em quan tâm đến biện pháp xử lý các quán internet hoạt động trái luật. Ông Nguyễn Hữu Đắc – Trưởng phòng VH-TT TP.Tam Kỳ trả lời: “Thực trạng hiện nay là cứ 3 người sử dụng internet thì có 1 là thanh thiếu niên. Nhiều điểm internet mở ra là xu thế phát triển. Nhưng trẻ em ham trò chơi điện tử nên đến quán, qua đêm trong quán internet, ảnh hưởng nặng nề đến việc học, sự phát triển. Đội kiểm tra liên ngành của thành phố vẫn tăng cường kiểm tra các quán internet, dù các quán có nhiều cách đối phó nhưng vẫn bị phát hiện. Hiện nay, có quy định về sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử, quy định không được hoạt động từ 22 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau, vi phạm thì phạt từ 5 – 10 triệu đồng. Người chơi quá giờ cũng bị xử phạt theo quy định. Thành phố có gần 100 quán internet, có vi phạm và bị xử lý vì nhốt người chơi sau 22 giờ đêm, khóa cửa để không bị kiểm tra. Các quán bị xử phạt nhiều, nên mức độ vi phạm có giảm đi”. Ông Đắc cũng khuyên trẻ em phải tự kiểm soát bản thân, tiếp xúc những cái tốt của internet và hạn chế những cái xấu. Nếu phát hiện thì báo Phòng VH-TT thành phố xử lý.

http://baoquangnam.vn/xa-hoi/201808/lang-nghe-thong-diep-cua-tre-em-810280/index.htm?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=30

Theo DIỄM LỆ (Báo Quảng Nam online)

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x