Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Hội thảo sơ kết dự án Tăng cường năng lực bảo tồn tài nguyên rừng, đa dạng sinh học gắn với phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số sống gần khu Bảo tồn thiên nhiên Sao La tỉnh Thừa Thiên Huế vừa được tổ chức hôm qua ngày 26.1 tại Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung Việt Nam (CRD), TP Huế.

Hội thảo được chủ trì bởi huyện Đoàn A Lưới thông qua sự tài trợ của Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (SGP), Quỹ môi trường toàn cầu (GEF).

Ông Trần Toàn phát biểu khai mạc hội thảo

Tham dự hội thảo có bà Nguyễn Thị Thu Huyền, điều phối viên quốc gia GEF tại Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện A Lưới.

Hội thảo sơ kết thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến mở rộng mô hình sinh kế

Ngoài ra, hội thảo có sự góp mặt của các thành viên trong nhóm chuyên gia tư vấn CRD, phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện A Lưới và ban điều hành dự án, đại diện Mạng lưới quản lý và bảo tồn rừng, đa dạng sinh học; giám đốc quỹ phát triển sinh kế xã Hương Nguyên.

Hội thảo là dịp để báo cáo các thành quả hoạt động truyền thông, đào tạo, các mô hình sinh kế, việc thành lập và phát triển mạng lưới cũng như quỹ sinh kế nhằm nâng cao nhận thức, nâng cao kiến thức và kỹ năng, tăng thu nhập cho người dân.

Qua 9 tháng vận hành, điểm nhấn dự án đã thực hiện là các chiến dịch truyền thông khôi phục văn hóa dân gian, văn hóa tâm linh lồng ghép với các thông điệp bảo vệ rừng như Cuộc thi sáng tác thơ ca “Yêu thiên nhiên, thiên nhiên đền đáp”, lễ hội mừng lúa mới còn gọi là Tết Aza… thu hút đông đảo người dân từ già đến trẻ trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, quỹ phát triển sinh kế tuy mới vận hành được 4 tháng cũng đã cho người dân vay vốn xoay vòng với tổng số gần 76 triệu, thu lãi đạt 100%.

Các mô hình sinh kế như trồng thiên niên kiện dưới tán rừng của 4 nhóm 22 hộ trong mạng lưới đã mang đến triển vọng lớn cho vùng rừng đang dần nghèo kiệt khi cây dược liệu quý này phát triển tốt, có tiềm năng trong tiêu thụ và đã được công ty Liên Minh Xanh cam kết bao tiêu sản phẩm. Mô hình chăn nuôi bò bán thâm canh hiện đã có 7 hộ tham gia sinh trưởng tốt, có chuồng trại và một số hộ tiến hành trồng cỏ. Bên cạnh đó, một trong những mô hình đã tạo nên dấu ấn cho dự án được người dân và các chuyên gia đánh giá cao là mô hình lúa đặc sản Ra dư trồng trên đất vườn, đất keo tràm với giá bán cao gấp 3 -4 lần lúa thường.

Cùng với việc lắng nghe báo cáo và kết quả, các đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận chuyên sâu vào vấn đề đang được người dân rất quan tâm đó là hoàn thiện quy trình kỹ thuật, xây dựng cẩm nang hướng dẫn, mở rộng các mô hình lúa Ra dư như thế nào cho hiệu quả, quy hoạch trồng lúa Ra Dư liền khoảnh như thế nào, có nên mở rộng mô hình thiên niên kiện ngay hay không…

Ông Nguyễn Xuân Hiền cho rằng bản thân ông rất ấn tượng với kết quả giai đoạn đầu của dự án

Ông Nguyễn Xuân Hiền phát biểu tại hội thảo lần này: “Tuy mới đi vào hoạt động 9 tháng, đây không phải là lần đầu tiên tôi nghe nói đến kết quả rất ấn tượng mà đã tận mắt chứng kiến. Dự án làm ba mô hình thì cả ba mô hình đều là hướng đi đúng và đầy hi vọng. Chúng ta cần làm như thế nào để huy động được thêm nhiều nguồn lực khác nhau nữa để duy trì và phát huy thêm thành quả của dự án nhỏ này”.

Theo ông Trần Ngọc Chinh, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới thông tin thêm: năm 2019 huyện A Lưới sẽ quyết tâm tăng đàn bò lên 11.000 con để đăng ký thương hiệu bò A Lưới tập thể. Cùng lúc đó, lúa Ra Dư sẽ được đẩy mạnh sản xuất trên đất keo tràm mới khai thác, thậm chí vừa trồng keo tràm vừa trồng lúa để đăng ký nhãn hiệu. Do đó, những mô hình dự án đang triển khai đều là những mối quan tâm lớn của huyện.

Từ những thảo luận và định hướng đó, các ông Phan Văn Hùng, chuyên gia CRD đã tóm tắt kế hoạch năm 2019 với nhiều giải pháp cho dự án bền vững sắp tới do các đại biểu “hiến kế”.

Chụp ảnh lưu niệm tại trụ sở CRD

Bảo Hòa