Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

870449

Thời gian Ngày 25 tháng 12 năm 2015
Người thực hiện TS. Trương Quang Hoàng
Dự án Dự án Thành lập và phát triển Doanh nghiệp xã hội trực thuộc Trung tâm phát triển nông thôn miền Trung Việt Nam.
Tổ chức Tổ chức Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung Việt Nam (CRD)
Quốc gia thực hiện Việt Nam
 
Thực hiện 2 năm, từ 2014 tới 2015

 

  1. BỐI CẢNH DỰ ÁN

Trung tâm PTNT miền Trung (CRD) đã có gần 20 năm hoạt động trong lĩnh vực phát triển, đối tượng hưởng lợi chính của CRD là người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương ở khu vực miền Trung. Trong gần 20 năm qua CRD đã có những đóng góp rất to lớn cho người nghèo nói riêng và phát triển xã hội nói chung.  Mặc dù các hoạt động của CRD thời gian qua đã tạo ra những giá trị xã hội to lớn nhưng chủ yếu là theo phương thức “cho – nhận” và theo kiểu làm từ thiện. Phương thức này sẽ không còn phù hợp trong thời gian tới, khi mà hầu hết các tổ chức viện trợ nhân đạo sẽ rút khỏi Việt Nam vì Việt Nam đã trở thành nước trung bình.

Hơn nữa, nhu cầu của người nghèo đã có nhiều thay đổi, họ cần phải tự phát triển một cách bền vững hơn để phù hợp với nền kinh tế thị trường, khi mà Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng nhiều cộng đồng nghèo ở vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số lại có khả năng sản xuất các loại cây, con đặc sản có giá trị tốt cho tiêu dùng của xã hội nhưng họ đang gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Nhiều cộng đồng vùng đồng bằng có khả năng sản xuất hàng hóa sản phẩm nông nghiệp nhưng không thể tìm được thị trường. Ngoài ra, kỹ thuật sản xuất chưa tốt nên năng xuất không cao và không đáp ứng được nhu cầu, nhất là về chất lượng và an toàn thực phẩm cho tiêu dùng. Hậu quả là sản xuất không phát triển, lợi nhuận thấp và đời sống của người dân vẫn còn khó khăn. Vậy nên, việc đưa người nghèo vào DN để kinh doanh cùng DN và DN làm lợi cho người nghèo cũng là nhu cầu của các cộng đồng nông thôn hiện nay.

Với những lý do đó, tổ chức ICCO tài trợ CRD để thực hiện dự án Dự án Thành lập và phát triển Doanh nghiệp xã hội trực thuộc Trung tâm phát triển nông thôn miền Trung Việt Nam.để CRD dịch chuyển dần trở thành doanh nghiệp xã hội tiềm năng tại miền Trung. Dự án được thực hiện trong 02 năm với các mục tiêu cụ thể là (i) hình thành và nâng cao năng lực cho bộ phận sản xuất kinh doanh trực thuộc CRD, (ii) xây dựng được chiến lược và kế hoạch hành động phát triển DNXH và (iii)  thử nghiệm cách tiếp cận mới để sản xuất và kinh doanh 1-2 sản phẩm đặc trưng tại miền Trung Việt Nam cung cấp ra thị trường.

Báo cáo này trình bày các kết quả đạt được của dự án do CRD thực hiện trong hai năm 2014-2015, phân tích các tác động và nêu ra các bài học kinh nghiệm trong việc chuyển đổi từ hoạt động phát triển sang mô hình DNXH.

  1. KẾT QUẢ DỰ ÁN

Các kết quả đạt được sau 02 năm thực hiện dự án được như sau:

2.1 Kết quả về hình thành và nâng cao năng lực cho bộ phận sản xuất kinh doanh trực thuộc CRD.

  1. Tập huấn định hướng để chuyển đổi CRD trở thành DNXH. Trên thế giới Doanh nghiệp xã hội đã xuất hiện từ những năm 1990, tuy vậy tại Việt Nam thì DNXH vẫn là một khái niệm rất mới. Thành lập và phát triển doanh nghiệp xã hội cần phải hiểu được bản chất, đặc điểm và tính pháp lý của nó. Dưới sự hỗ trợ của chuyên gia đến từ Trung Tâm Hỗ Trợ Sáng Kiến Phục Vụ Vì Cộng Đồng (CSIP), 22 cán bộ của CRD đã tham gia, hơn 90% người tham gia đã có những kiến thức tương đối đầy đủ về DNXH.
  2. Tập huấn về các kỹ năng kinh doanh. Các cán bộ của CRD phần lớn là những người được đào tạo về kỹ thuật hay phát triển. Sự chuyển đổi sang kinh doanh đòi hỏi những cán bộ CRD cần phải được trang bị những kỹ năng và kiến thức cần thiết liên quan đến kinh doanh. Hai lớp tập huấn về kỹ năng kinh doanh: Kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh và Kỹ năng quản trị doanh nghiệp đã được tổ chức cho 30 lượt người, là các cán bộ của CRD. Gần 95% ý kiến từ lớp tập huấn cho thấy lớp tập huấn là rất phù hợp, đáp ứng được mong đợi của học viên. Thông qua lớp tập huấn, đã có 02 kế hoạch kinh doanh được lập. Bên cạnh lớp tập huấn, bộ phận DNXH của CRD cũng đã phối hợp với 01 tình nguyện viên người Úc tổ chức 05 buổi chia sẽ với các nội dung như: Quản trị thương hiệu, phân tích chuỗi giá trị, Marketing, phân tích dòng tiền mặt, phân tích IRR và NPV.
  3. Hình thành một bộ phận DNXH thuộc CRD. CRD đã xây dựng bộ phận DNXH trực thuộc CRD. Năm cán bộ từ đội ngũ fulltime đủ năng lực và kinh nghiệm đã được tuyển chọn nhằm đáp ứng tốt các mục tiêu phát triển hoạt động thị trường cho CRD từ 2015-2020. Bộ phận DNXH chịu sự quản lý trực tiếp của giám đốc CRD, có 1 trưởng bộ phận, 02 cán bộ kinh doanh, 01 cán bộ sản xuất và 01 cán bộ tài chính. Mặc dù thành lập chưa lâu nhưng bộ phận này cũng đã xây dựng được hồ sơ năng lực, nguyên tắc, quy chế quản lý và vận hành.

Milestones của kết quả về hình thành và nâng cao năng lực cho bộ phận sản xuất kinh doanh trực thuộc CRD.

2014

  • 1 lớp tập huấn về DNXH, hơn 90% người tham dự có hiểu biết đầy đủ về DNXH.
  • Hình thành được 01 bộ phận DNXH trực thuộc CRD

2015

  • 95% nhân viên trong bộ phận DNXH có được các kỹ năng và kiến thức để vận hành hoạt động kinh doanh.
  • 02 lớp tập huấn, 15 học viên/lớp.

2.2 Kết quả về xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động phát triển DNXH

Tại Việt Nam CSIP được xem là đơn vị đi tiên phong trong lĩnh vực hình thành và phát triển DNXH. Vì lí do đó, CRD đã phối hợp với CSIP để tiến hành việc xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động phát triển DNXH cho CRD.

  1. Phân tích và đánh giá tổ chức. CRD có bề dày về phát triển, nhưng hoạt động kinh doanh là một lĩnh vực còn khá xa lạ với CRD. Để có thể phát triển DNXH được ổn định và bền vững thì chiến lược phát triển cần phải thực tế và phù hợp. CSIP đã đánh giá SWOTcủa CRD để làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược kinh doanh. Kết quả đánh giá cho thấy CRD có những điểm mạnh về năng lực kỹ thuật, về uy tín, về các môi quan hệ và năng lực quy hoạch vùng nguyên liệu. Tuy vậy, năng lực phát triển thị trường, năng lực quản lý và kiểm soát chất lượng, năng lực về tài chính hay nguồn vốn sẽ là những điểm yếu của CRD. Một số cơ hội có thể nhận ra là nhu cầu của các công ty hay các nhà xuất khẩu về kiểm soát chất lượng sản phẩm, nhu cầu về chuyển giao kỹ thuật, nhu cầu về liên kết sản xuất. Bên cạnh cơ hội thì cũng có những thách thức như tính cam kết của người dân, cạnh tranh của các đối thủ lớn, biến động thị trường.
  2. Khảo sát thị trường. CSIP đã kết hợp với CRD tiến hành khảo sát thị trường tại một số tỉnh miền Trung như tỉnh Quảng Trị, Quảng Binh và Quảng Nam. Kết quả khảo sát ban đầu cho thấy một số sản phẩm nông sản (ớt, tiêu) và dược liệu (cỏ mực, nghệ, hương bài, nhân trần) tại khu vực miền trung có tiềm năng để phát triển.
  3. Xây dựng chiến lược và kế hoạch kinh doanh. Các thông tin thu thập được đã được CSIP dùng làm cơ sở để xây dựng chiến lược và kế hoạch kinh doanh. Bản chiến lược chỉ ra CRD sẽ tập trung vào nhóm sản phẩm nông sản và dược liệu. CRD sẽ có 02 giai đoạn phát triển. Giai đoạn 1 là 3 năm (2015 đến 2017) tập trung vào mô hình kinh doanh đơn thuần, CRD sẽ quy hoạch vùng nguyên liệu và cung cấp cho công ty. Giai đoạn 2 (2018 đến 2020), giai đoạn này CRD sẽ tiến hành sản xuất sản phẩm riêng, tự phân phối và cung ứng cho khách hàng cuối cùng.

Cột mốc của kết quả về xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động phát triển DNXH

2014

  • 01 báo cáo phân tích SWOT về CRD
  • 03 báo cáo phân tích thị trường của một số sản phẩm tiềm năng
  • Một cuộc họp được tổ chức để lựa chọn sản phẩm kinh doanh
  • 01 báo cáo chiến lược kinh doanh và kế hoạch kinh doanh cho 02 giai đoạn.

2.3 Kết quả thử nghiệm cách tiếp cận mới để sản xuất và kinh doanh 1-2 sản phẩm đặc trưng tại miền Trung Việt Nam cung cấp ra thị trường.

  1. Khảo sát để lựa chọn vùng nguyên liệu. 03 sản phẩm chủ lực thuộc nhóm dược liệu được lựa chọn để phát triển gồm cỏ mực, nhân trần và nghệ. Phát triển các sản phẩm này cần đi đôi với việc khảo sát tính chất đất, năng lực quản lý và tổ chức của địa phương, kinh nghiệm sản xuất của người dân, quy mô vùng nguyên liệu và các cơ sở hạ tầng đi kèm. Qua khảo sát cho thấy Đức Phú và Hương Chữ là 02 xã phù hợp cho phát triển cỏ mực, xã Hương Thọ phù hợp cho cây Nhân Trần. Cây Nghệ phù hợp với huyện Nam Đông, xã Hương Lộc và Thượng Nhật là 02 xã được lựa chọn để phát triển cây nghệ.
  2. Tập huấn về tổ chức, quản lý nhóm. Phát triển tổ nhóm nhằm tăng cường khả năng liên kết, củng cố mối quan hệ cộng đồng và đồng thời giúp các thành viên hỗ trợ lẫn nhau tốt hơn. Các tổ nhóm được hình thành cho mục đích hợp tác trong kinh doanh có sự khác biệt cơ bản so với các tổ nhóm thông thường. Bộ phận DNXH đã phối hợp với địa phương hình thành 02 tổ hợp tác với số lượng 20 thành viên/tổ. Cùng với việc thành lập, cán bộ của bộ phận DNXH cũng đã tổ chức hai lớp tập huấn về các kỹ năng quản lý và điều hành tổ hợp tác. Sau tập huấn 80% thành viên cho là những kiến thức đạt được rất hữu ích cho việc vận hành, quản lý tổ hợp tác trong thời gian đến. Các tổ hợp tác cũng đã tiến hành xây dựng cơ cấu quản lý và quy chế hoạt động cho tổ mình.
  3. Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Trồng cây để bán cho các công ty cần phải theo một hệ thống tiêu chuẩn nhất định. Tiêu chuẩn GACP (Good Agriculture Collection Practice) sẽ phải được áp dụng cho cây cỏ mực, nhân trần và tiêu chuẩn VGAP (Vietnam Good Agriculture Practice) sẽ phải được áp dụng cho cây nghệ. Nhận thức được vấn đề này, cán bộ phụ trách kỹ thuật của bộ phận DNXH đã tổ chức 02 lớp tập huấn cho 40 người.
  4. Xây dựng vùng nguyên liệu ban đầu. Có 7 sào cỏ mực đã được trồng, 3 sào tại xã Đức Phú và 04 sào tại xã Hương Chữ. Cây Nhân Trần đã được trồng với diện tích 02 sào tại xã Hương Thọ. Cũng đã có 7 sào nghệ được trồng, 02 sào tại Hương Phú và 05 sào tại xã Thượng Nhật. Đầu ra cho các sản phẩm này được các công ty Danapha-Đà Nẵng, công ty Nam Dược-Hà Nội và cơ sở sản xuất tinh bột nghệ Nam Đông đảm bảo thu mua.
  5. Kết nối với đối tác. Kết nối đối tác là vấn đề mà bộ phận DNXH rất quan tâm. Việc kết nối đối tác có khá nhiều mục đích, các mục đích đó là quảng bá DNXH của CRD, tạo lập các mối quan hệ hợp tác kinh doanh, hiểu rõ những nhu cầu và thị hiếu khách hàng, tìm hiểu những sản phẩm tiềm năng và quan trọng hơn hết là đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm sau khi trồng. Trong thời gian qua, bộ phận DNXH đã kết nối với khá nhiều công ty. Công ty Danapha cam kết bao tiêu 4-5 tấn cỏ mực, công ty Nam Dược thu mua 4 tấn nhân trần, cơ sở sản xuất nghệ Nam Đông thu mua 3,6 tấn nghệ. Bên cạnh các công ty bao tiêu sản phẩm, DNXH cũng đã tạo lập được mối quan hệ với các công ty với công ty TNHH XS-TM&Dịch vụ Quyền Quý (Sài Gòn), công ty Tân Nguyên-Huế, công ty TNHH ớt Việt Nam-Hải Dương, công ty TM&DV Hoàng Diệu, công ty Hatico-Hà Nội, công ty TM&DV Nông sản Việt Tuấn-Sài Gòn, công ty Nông sản Sài Gòn Trọng Tín. Các công ty này sẽ là đối tác quan trọng cho bộ phận DNXH rong những năm đến.

Milestones của kết quả thử nghiệm cách tiếp cận mới để sản xuất và kinh doanh 1-2 sản phẩm đặc trưng tại miền Trung Việt Nam cung cấp ra thị trường

2014

  • Kết nối được với một số công ty như công ty Danapha, công ty Tân Nguyên, công ty công ty TNHH ớt Việt Nam-Hải Dương, công ty TM&DV Hoàng Diệu, công ty Hatico-Hà Nội.

2015

  • Lựa chọn được 05 xã để phát triển 03 sản phẩm chủ lực.
  • Thành lập được 02 tổ hợp tác, các tổ hợp tác xây dựng được nguyên tắc, quy chế hoạt động để hợp tác với bộ phận DNXH.
  • 02 lớp tập huấn về kỹ năng quản lý và vận hành THT với 40 người tham gia.
  • 02 lớp tập huấn về VietGap và GACP với 40 người tham gia
  • Cỏ mực, nhân trần và nghệ được trồng với diện tích lần lượt là 7 sào, 2 sào và 05 sào.
  • Kết nối với công ty Nam Dược, công ty Vinasun và cơ sở sản xuất tinh bột nghệ Nam Đông.

III. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ

Trong 02 năm qua, CRD tập trung chủ yếu vào các hoạt động phát triển, các hoạt động về thị trường cũng chỉ thực hiên với mức độ đơn lẻ. Sự chuyển đổi sang phát triển DNXH là một đính hướng đúng đắn. Sau 02 năm thực hiện, dự án đã mang lại một số thành công nhất định, thể hiện ở các khía cạnh sau.

  1. Năng lực kinh doanh và quản trị được cải thiện.

Các cán bộ CRD là những người có kinh nghiệm trong phát triển và cũng đã được đào tạo bài bản. Chuyển sang lĩnh vực mới, với nền tảng sẵn có một số cán bộ CRD đã có thể tiếp thu được những kiến thức về kế hoạch kinh doanh, phân tích thị trường, marketing, quản trị thương hiệu, quản trị chuỗi. Nhờ năng lực được nâng lên, các cán bộ chủ chốt của bộ phận DNXH đã được mời để thực hiện các hoạt động tư vấn liên quan đến lĩnh vực kinh doanh và quản lý doanh nghiệp cho các chương trình dự án trong nước do chính phủ Canada tài trợ hay nguồn vốn từ DFID. Bộ phận DNXH đã xây dựng được 02 kế hoạch kinh doanh và 01 đề xuất dự án liên quan đến DNXH gửi cho 03 nhà tài trợ.

Bên cạnh năng lực kinh của bộ phận DNXH được nâng lên thì năng lực kinh doanh và quản lý của tổ hợp tác được cái thiện. Về năng lực kinh doanh,  gần 60% thành viên trong tổ hợp tác  đã có được những kiến thức về phân tích thị trường. Các tổ hợp tác đều đã xây dựng được quy chế hoạt động, cơ cấu tổ chức và các nguyên tắc tổ chức, điều này cho thấy năng lực về quản trị tổ chức của họ cũng được nâng lên một bậc.

  1. Quảng bá và tạo lập được hình ảnh của bộ phận DNXH với các đối tác.

Trong 02 năm hoạt đông, bộ phận DNXH đã tự mình xây dựng hồ sơ năng lực và tiến hành xúc tiến các hoạt động kết nối với doanh nghiệp và công ty. DNXH đã kết nối và làm việc với gần 12 công ty phân bố rộng khắp từ bắc vào nam. Trong các đối tác mà bộ phận DNXH đến làm việc, một số đối tác đã đặt quan hệ làm ăn lâu dài với CRD.

Không chỉ các công ty biết đến bộ phận DNXH CRD mà các tổ chức NGO khác cũng đã có được thông tin về sự ra đời và hoạt động của bộ phận này. Cũng đã có 02 tổ chức NGO muốn hợp tác với CRD để phát triển DNXH.

Từ một đơn vị chuyên về phát triển, đến nay nhiều công ty, tổ chức cũng như một số địa phương đã biết đến CRD với một mô hình phát triển mới là mô hình DNXH.

  1. Tạo lập được phương thức tiếp cận mới cho CRD.

Đổi mới phương pháp tiếp cận theo hướng hợp tác để cùng chia sẽ lợi nhuận, người dân được xem là một đối tác của bộ phận DNXH. Phương thức tiếp cận được thực hiện hình thức khảo sát và tìm kiếm các công ty bao tiêu sản phẩm, phân tích lợi nhuận tiềm năng của các sản phẩm sau đó tổ chức hợp tác với địa phương thông qua hình thức tổ/nhóm. Các sản phẩm được sản xuất ra sẽ do bộ phận DNXH làm trung gian thu mua để phân phối đối tác theo như thỏa thuận. Phương thức tiếp cận mới sẽ là mô hình phù hợp để nhân rộng cho các dự án khác.

  1. Mang lại cơ hội nâng cao thu nhập cho người dân và tạo lập nguồn vốn cho CRD.

Các loại cây dược liệu thường được biết đến với một yêu cầu khá khắt khe, nghiêm ngặt về các tiêu chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, nếu vượt qua được rào cản này thì lợi nhuận từ các loại cây này cao hơn so với các loại cây khác.  Hiện tại, thu nhập từ các loại cây cỏ mực, nhân trần và nghệ của người dân là chưa có nhưng cũng sẽ là cơ hội mang lại lợi nhuận cho họ khi sản phẩm này thành công và đầu ra ổn định. Nhận thấy được lợi ích từ một số cây dược liệu, chính quyền phương một số xã đã đưa ra định hướng phát triển các loại cây này trong quy hoạch phát triển kinh tế của xã.

Bộ phận DNXH đang  hợp tác với người dân và công ty để phát triển sản phẩm, lợi nhuận từ việc bán sản phẩm cũng sẽ được phân chia theo nguyên tắc kinh tế, bộ phận DNXH cũng sẽ có một phần, điều này tạo lập được nguồn thu cho CRD.

  1. Nhận thức được nâng lên.

Trước đây, người dân quen với canh tác truyền thống là dung phân hóa học và thuốc BVTV nhiều thì sau khi tham gia thực hiện các mô hình cỏ mực, nhân trần, nghệ, …thì người dân được trang bị các kiến thức liên quan để sử dụng phân bón hiệu quả, hạn chế tối đa hoặc chỉ dùng các thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học. Nguồn chất thải vật nuôi và phế phụ phẩm nông nghiệp cũng được tận dụng tối đa để làm phân ủ vi sinh để giảm chi phí đầu vào góp phần giảm ô nhiễm môi trường.

Sản xuất truyền thống thì người dân chủ yếu sản xuất rất manh mún, nhỏ lẻ và thiếu sự kết hợp. Tuy nhiên với việc sản xuất theo đơn đặt hàng đòi hỏi người dân phải liên kết, phải hợp tác với nhau, đồng thời cũng phải đóng góp vốn để sản xuất. Thành lập các tổ hợp tác đã giúp tăng cường sự liên kết, cộng tác giữa những người sản xuất với nhau, góp phần thúc đẩy các mối quan hệ xã hội.

Mặc dù có những thành công nhất định, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện dự án.

  • Năng suất thực tế của cây cỏ mực và nhân trần thấp. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, trong quá trình phát triển cây cỏ mực, nhân trần thì gặp khó khăn về cây giống. Cây cỏ mực, nhân trần nếu trồng theo hạt sẽ cho năng suất cao, tuy vậy thực tế là không có hạt giống nên đã chuyển sang trồng cỏ mực, nhân trần từ nguồn giống thu gom tự nhiên. Sau 06 tháng trồng, năng suất của cỏ mực, nhân trần không như năng suất mong đợi.
  • Các đơn hàng thường được yêu cầu với số lượng lớn (nhân trần là 4 tấn, cỏ mực là 4-5 tấn). Vì cỏ mực và nhân trần là 02 giống cây trồng khá mới nên người dân dân ngại chuyển đổi. Diện tích trồng các loại cây này rất ít, chỉ có 7 sào cho trồng cỏ mực và 02 sào cho trồng nhân trần. Cỏ mực và nhân trần cũng đang ở giai đoạn thử nghiệm nên chưa thể có đủ sản lượng, do vậy chưa thể tiến hành thương mại hóa cây cỏ mực hay nhân trần.
  • Các tiêu chuẩn về cây dược liệu là khá phức tạp, đặc biệt là tiêu chuẩn GACP. Việc áp dụng tiêu chuẩn này vào sản xuất gây ra các khó khăn cho cán bộ chỉ đạo kỹ thuật và cả phía người sản xuất. Do đó, trong quá trình thực hiện dự án đã xảy ra một số sự thiếu thống nhất giữa DNXH và người trồng.
  1. BÀI HỌC KINH NGHIỆM
  • Phát triển DNXH cần phải trải qua từng giai đoạn. Từ giai đoạn kinh doanh cơ bản để tạo lập kinh nghiệm để sau đó là có những bước tiến xa hơn. Để làm được điều này thì cần xây dựng mục tiêu cụ thể, muc tiêu này phải là các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
  • Việc tiến hành xây dựng một bản kế hoạch kinh doanh cần phải được tiến hành một cách chu đáo, không nên quá vội vã khi xây dựng kế hoạch kinh doanh. Một bản kế hoạch kinh doanh khả thi phải đầy đủ các thông tin, đặc biệt là các thông tin về các chỉ tiêu tài chính. Bên cạnh đó, để đảm bảo thành công thì cũng cần phải xác định và dự báo được các rủi ro, lên kế hoạch quản lý rủi ro.
  • Doanh nghiệp xã hội ngoài việc tập trung vào hoạt động kinh doanh thì cũng phải chú ý rất nhiều đến yếu tố xã hội và môi trường. Yếu tố xã hội có thể là tăng cường sự tham gia của các nhóm yếu thế trong xã hội, cũng có thể là sản xuất ra các sản phẩm để phụ vụ nhóm yếu thế này hay có thể là sử dụng lợi nhuận để đầu tư hỗ trợ cho xã hội. Doanh nghiệp xã hội khi lựa chọn sản phẩm kinh doanh cũng phải chú ý đến các sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường.
  • Bản thân DNXH sẽ khó có thể phát triển độc lập, do vậy DNXH phải hoạt động phù hợp với luật doanh nghiệp sữa đổi 2014. Mặt khác, DNXH cần phải tăng cường sự tham gia của các đối tác là nông dân, xem họ như là một “nhân viên” của DNXH. Quan hệ hài hòa giữa DNXH và người dân sẽ giúp tăng cường sự ủng hộ, tin tưởng và trung thành của họ đối với DNXH.
  • Tăng cường quan hệ, kết nối với các đối tác giúp DNXH thiết lập từng bước các mối quan hệ để tiến đến thực hiện các hoạt động kinh doanh. Làm việc với các công ty hay doanh nghiệp sẽ là cơ hội quý báu để DNXH cải thiện kỹ năng kinh doanh, tìm hiểu rõ hơn về nhu cầu thị trường.

 

 

 

 

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x