Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.
Quá trình để xã Thượng Nhật đạt chuẩn Nông thôn mới đòi hỏi phải có sự thay đổi về kiến thức và nhận thức của cả cán bộ chính quyền và người dân. Anh Hồ Văn Trân (37 tuổi), chủ tịch Hội nông dân xã Thượng Nhật, xác nhận “Tôi lớn hơn nhờ thường xuyên làm việc với dân, họ như người thân của tôi, tôi như người thân của họ”.

Anh Hồ Văn Trân, một người con của dân tộc Cơ tu, một cán bộ xông xáo và trách nhiệm chia sẻ “Mình tham gia giám sát, quản lý các dự án khác nhau từ 10 năm nay.  Nhiều dự án giảm nghèo đi qua xã Thượng Nhật nhưng khi dự án kết thúc, các hoạt động sản xuất lặng lẽ “rơi rụng”. Lý giải nguyên nhân điều này, anh cho rằng:  “Cán bộ còn làm việc như một người ngoài, năng lực làm việc còn hạn chế”.Dẫn chúng tôi đi thăm các hộ hưởng lợi trong xã mà có cảm giác anh Hồ Văn Trân đang đưa chúng tôi về thăm nhà mình. Anh chia sẻ,  gia đình của chị Hồ Thị Lun ở thôn 3 vừa qua đã rất vất vả đẩy lùi bệnh vàng lá cho cây gừng trong bao khi đến thăm vườn gừng chị Lun. Băng qua con suối nhỏ, ra khu đất trồng nghệ của chị Nguyễn Thị Hồng, anh chỉ cho chúng tôi thấy mồ hôi của bà con rỏ xuống như thế nào để vườn nghệ phát triển tốt như hôm nay.

DSC_0179
Anh Hồ Văn Trân tới thăm mô hình trồng gừng một hộ dân thôn 3 xã Thượng Nhật

Chị Trần Thị Bắp, một người hưởng lợi từ dự án chia sẻ: “Anh Trân cứ vài ngày lại đáo qua vườn xem tình hình. Gừng đã bén rễ chưa? Bệnh đốm lá thế nào rồi? Đã bón phân cho cây chưa? là những câu hỏi thường trực của anh.  Đặc biệt, anh xắn tay vào hướng dẫn cụ thể tại vườn nhà. Anh ấy đã truyền động lực và niềm tin cho chị trong quá trình trồng gừng”.Dẫn chứng từ bản thân mình, anh chia sẻ thêm “Trước đây mình cũng tham gia hỗ trợ các hoạt động sản xuất nhưng chỉ đến rồi về, chẳng biết làm gì. Tham gia dự án “Nâng cao hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Thừa Thiên Huế” do Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung thực hiện từ năm 2015, mình không chỉ học được những phương pháp và cách tiếp cận mới mẻ  thông qua lý thuyết mà còn được thực hành trong thực tế với sự hướng dẫn tận tình của cán bộ dự án. Kiến thức mình thu được lớn nhất là cách tổ chức sản xuất thông qua thành lập Tổ hợp tác và cơ sở sản xuất kinh doanh bên cạnh kỹ năng mềm, như lập kế hoạch, truyền thông và kỹ thuật sản xuất. Với kiến thức và kỹ năng có được mình đã chủ động trong công việc, không chỉ công việc dự án mà cả hoạt động chuyên môn của mình. Dường như  lửa nhiệt tình trong mình cũng  cháy theo”.

DSC_0191
Chân dung người cán bộ xông xáo, trách nhiệm

Ông Trần Đình Khởi, chủ tịch UBND xã Thượng Nhật cho biết “Người dân Thượng Nhật giờ đã thay đổi trong nhận thức. Họ đã chủ động hơn để cải thiện cuộc sống thay vì trông chờ và ỷ lại như trước đây. Đây là bước chuyển mình mạnh mẽ chưa từng có. Nguyên nhân  bắt đầu từ sự nâng cao kiến thức và sự hỗ trợ nhiệt tình của cán bộ xã khi tham gia vào dự án Nông thôn mới”.Bài học anh Trân rút ra là: Thường xuyên về trao đổi, động viên không chỉ khiến mình có thêm thông tin, tạo uy tín trong lời nói mà thêm tình cảm gắn bó. Người dân xem tôi như một người em, người anh, người con trong nhà. Lâu dần, thấy cái cây họ trồng như cái cây mình trồng vậy, mình rất lo lắng.

Qua thăm hỏi, làm việc với cán bộ và người dân xã Thượng Nhật, chúng tôi đã nhận thấy một diện mạo mới của xã nghèo vùng núi huyện Nam Đông. Mặc dù chưa đạt chuẩn nông thôn mới nhưng cả người dân và chính quyền xã đều tin rằng: Khi kiến thức và nhận thức của cán bộ và người dân được nâng cao thì sự thành công trong xây dựng nông thôn mới chỉ còn là vấn đề thời gian.

 

  

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x