Mục tiêu của chương trình truyền thông nhằm: (1) Cung cấp thông tin, kiến thức cơ bản về chương trình hành động FLEGT, các qui định về gỗ hợp pháp và Hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ (TLAS) và (2) Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về hạn chế tình trạng khai thác gỗ trái phép và sử dụng các sản phẩm gỗ hợp pháp.
Ảnh chụp tại chương trình truyền thông
Phát biểu mở đầu chương trình truyền thông, Ông Trương Sĩ Hoài Nhân – Giám đốc dự án đã giới thiệu về những hoạt động truyền thông được thực hiện trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án FLEGT – Khu vực miền Trung, đặc biệt các chương trình thay đổi hành vi về FLEGT sẽ được triển khai tại 04 tỉnh triển khai dự án nhằm giúp các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng và cơ sở chế biến gỗ hiểu rõ hơn về vai trò và tầm quan trọng của hoạt động giáo dục truyền thông về VPA-FLEGT cũng như những lợi ích, khó khăn khi tham gia vào tiến trình đàm phán VPA-FLEGT; tác động của dự án trong việc cải thiện sinh kế cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng và giảm tình trạng khai thác gỗ trái phép, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý rừng tại các địa phương.
Thông qua chương trình truyền thông thay đổi hành vi về FLEGT, Tư vấn của dự án gồm: ThS. Mai Quang Huy – Phó Trưởng phòng Bảo tồn Thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế và cán bộ hỗ trợ Đặng Thị Lan Anh – Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung (CRD) đã lần lượt giới thiệu các hoạt động truyền thông tổng hợp và phương pháp thực hiện thông qua nhiều hình thức truyền thông sống động và mang tính giáo dục nâng cao nhận thức về VPA-FLEGT cho cộng đồng địa phương.
Nội dung truyền thông được các tư vấn sử dụng và hướng dẫn có liên quan đến các thông tin, kiến thức cơ bản về Chương trình hành động FLEGT, tiến trình đàm phán hiệp định đối tác tự nguyện (VPA), các qui định về gỗ hợp pháp và nâng cao nhận thức của họ trong việc sử dụng các sản phẩm gỗ hợp pháp và tránh tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp, và công tác tuyên truyền quản lý và bảo vệ rừng. Sau mỗi hoạt động tư vấn và cán bộ hỗ trợ sẽ đặt ra những câu hỏi liên quan đến hoạt động và đã thu hút được sự tham gia và trả lời câu hỏi từ phía tham dự viên.
Các nội dung cụ thể được thực hiện như: (i) Triển lãm ảnh nghệ thuật: rừng và sinh kế của người dân địa phương, Poster về công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên; (ii) Chiếu phim về chương trình hành động FLEGT; (iii) Hoạt động trò chơi chuỗi cung ứng gỗ để giúp các tham dự viên hiểu rõ: Thế nào là Gỗ hợp pháp; Chuỗi cung ứng gỗ? Hệ thống kiểm soát chuỗi cung? Vì sao phải kiểm soát chuỗi cung? (iv) Thi vẽ tranh về hậu quả của việc khai thác gỗ trái phép và hướng đến phương thức kinh doanh, sử dụng gỗ và các sản phẩm gỗ có nguồn gốc hợp pháp và (v) Thi đố vui về công tác quản lý bảo vệ rừng của các nhóm cộng đồng.
Kết thúc chương trình truyền thông, các tham dự viên đều đưa ra một đánh giá chung “Chương trình truyền thông thay đổi hành vi về FLEGT là hoạt động rất hữu ích trong việc nâng cao nhận thức về sử dụng gỗ hợp pháp, ngăn chặn việc khai thác, buôn bán gỗ bất hợp pháp và thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, cải thiện sinh kế, tăng thu nhập cho cộng đồng. Ngoài ra, FLEGT là một chương trình hoàn toàn mới đối với các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn huyện A Lưới, đặc biệt là những người dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi. Vì vậy, cần có sự hỗ trợ và hướng dẫn của chính quyền địa phương, cơ quan kiểm lâm,… nhằm thực hiện tốt các hoạt động sản xuất lâm nghiệp của cộng đồng tại địa phương”.
Dự án FLEGT