Trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực bảo tồn tài nguyên rừng và đa dạng sinh học gắn với sinh kế bền vững cho cộng đồng dân tộc thiểu số ở Khu bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên Huế” do Quỹ Vốn Nhỏ Môi Trường Toàn Cầu tại Việt Nam tài trợ, chuyên gia của Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung xây dựng, Ban điều hành dự án phát động cuộc thi “Sáng tác thơ ca: Yêu Thiên Nhiên – Thiên Nhiên Đền Đáp” tại xã Hương Nguyên, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Xã Hương Nguyên nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sao La Thừa Thiên Huế là khu rừng nguyên sinh còn sót lại ở khu vực Trung Trường Sơn với nguồn gen đa dạng phong phú có hơn 1.200 loài động thực vật quý hiếm. Đặc biệt, ở đây có sự góp mặt của 3 loài thú lớn của thế giới như Sao La, Mang lớn, Mang Trường Sơn có giá trị bảo tồn toàn cầu. Tuy nhiên, hiện nay nhiều loài động thực vật quý của khu bảo tồn đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa với số lượng Sao La suy giảm nhanh chóng. Trong khi đó, sinh kế của bà con sống lân cận khu bảo tồn phụ thuộc nhiều vào rừng, đời sống gặp nhiều khó khăn đã đặt áp lực lên khu bảo tồn ngày càng lớn.
Người dân Hương Nguyên, đặc biệt là đồng bào Cơ Tu có nét đẹp văn hóa truyền thống về bảo vệ rừng với quan niệm “Kiêng cử, giữ rừng”, tìm nơi đầu ngọn núi, đầu con suối để sinh sống với những luật lệ nghiêm khắc. Rừng đối với bà con nơi đây không đơn thuần là sự đa dạng sinh học, cây cỏ thực vật, môi trường sống mà hơn thế, rừng là “ân nhân vĩ đại”, vừa linh thiêng vừa gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Trong đó, tình yêu dành cho thiên nhiên, cho núi rừng được thể hiện qua những câu chuyện cổ, những bài ca dao, những câu thành ngữ hay điệu hát dân ca trữ tình… với hình ảnh cây cối, chim muông, hay những câu chuyện đời thường về cha, mẹ, tổ tiên, với người yêu dưới gốc cây cổ thụ, con suối mát trong.
Thế nhưng, hiện nay, cùng với dòng chảy của văn học đương đại nói chung, với người dân Hương nguyên nói riêng… sự thu hẹp về diện tích rừng, sự lấn át của những cuộc vật vả mưu sinh đã khiến những bài ca, bài thơ đẹp về rừng, thiên nhiên trở thành nhân vật vắng bóng. Người trẻ chưa thấm nhuần được hết cội nguồn công sức gìn giữ của bao thế hệ cha ông để lại sự sống, môi trường.
Trải qua bao thăng trầm, người Việt có quan niệm đầy tính minh triết: ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Thiên nhiên, rừng núi đã ban tặng quá nhiều món quà cho con người và đã đến lúc con người cần xem xét lại cách mình “trả ơn”, ứng xử với thiên nhiên.”. Chúng tôi hi vọng, cuộc thi sáng tác thơ ca “Yêu thiên nhiên – Thiên nhiên đền đáp” sẽ là một cuộc trở về trong tinh thần của mỗi người về cội nguồn của cái đẹp, sự bình yên và giàu có. Để từ đó, nhằm lưu truyền, gìn giữ và phát huy truyền thống đẹp đẽ vốn có của đồng bào Cơ tu, để khơi dậy tình yêu quê hương, thiên nhiên, rừng núi trong sâu thẳm mỗi tâm hồn, gửi gắm tâm tư tình cảm, để lắng lại cảm nhận và mang đến cách nhìn mới mẻ của người trẻ và cách ứng xử với vị “Ân nhân vĩ đại”.
————–
Cuộc thi sáng tác thơ ca “Yêu thiên nhiên – Thiên nhiên đền đáp” sẽ diễn ra từ tháng ngày 4/5/2018 – 30/6/2018, với các nội dung chi tiết sau:
1. Mục tiêu
Khơi dậy tình yêu quê hương xã Hương Nguyên, thể hiện tâm tư – tình cảm với rừng – môi trường – sự sống; cách ứng xử bằng ngôn từ với thiên nhiên. Đồng thời, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho thế hệ trẻ, tạo sân chơi văn hóa – nghệ thuật cho người dân.
2. Nội dung :
(1) Viết về tình yêu quê hương A Lưới nói chung, xã Hương Nguyên nói riêng
(2) Viết về quan niệm sống của đồng bào Cơ Tu gắn với rừng núi, quê hương
(3) Gửi gắm tâm tư, tình cảm hay tự sự về kỷ niệm, hoài niệm về rừng núi, thiên nhiên
2. Thể loại:
• Thơ
– Không giới hạn về thể thơ (Tự do, lục bát, song thất lục bát, bảy chữ…vv)
– Không chấp nhận phóng tác, sao chép
• Ca
Biên soạn lại lời cho các bài hát dựa trên giai điệu truyền thống
(Không giới hạn về giai điệu viết cải lời
Lưu ý: Không chấp nhận các tác phẩm sao chép.
3. Các vấn đề khác:
Cuộc thi sáng tác thơ ca sẽ được tổ chức theo 3 giai đoạn
– Phát động cuộc thi, thời gian nhận bản thảo: Từ ngày 4/6/2018 – 30/6/2018
– Nhận bài, chấm giải: 1/7/2018 – 20/7/2018
– Trao giải: 25/7/2018
Yêu cầu đối với tác phẩm hiển danh các tác giả – tác phẩm (Không sử dụng bút danh).
• Tác phẩm dự thi qua vòng sơ khảo sẽ được bàn giao cho phòng văn hóa – thông tin xã làm công tác tuyên truyền.
• Chọn 5 tác phẩm đạt giải thưởng. Trao thưởng cho tác giả có số phiếu bình chọn của ban giám khảo cao nhất.
4. Điều kiện dự thi:
• Tác phẩm viết bằng tiếng Việt.
5. Đối tượng:
– Người dân, con em sống xa quê
– Giáo viên cấp tiểu học, trung học cơ sở tại xã Hương Nguyên
– Cán bộ xã Hương Nguyên
– Các tổ chức đoàn thể xã Hương Nguyên (Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên…)
– Người yêu mến Hương Nguyên
• Tác phẩm dự thi phải là sáng tác mới, chưa từng công bố trên các phương tiện truyền thông báo chí, xuất bản. Chấp nhận tác phẩm đã công bố trên trang Nhật ký trực tuyến (facebook,zalo…).
• Bản thảo dự thi viết tay hoặc in trên một mặt giấy A4, hoặc lưu bằng tập tin (file). Người gửi bản thảo cần ghi rõ tên thật, năm sinh, nghề nghiệp, địa chỉvà số điện thoại liên lạc.
• Ban tổ chức không trả lại bản thảo dự thi.
Nơi nhận bản thảo:
– Đoàn Thanh niên xã Hương Nguyên
– Hội Phụ nữ xã Hương Nguyên
-. Hoặc gửi qua Email: hoapt@crdvietnam.org
5. Tổng kết và trao thưởng:
TỔNG KẾT: Lễ tổng kết cuộc thi dự kiến diễn ra vào ngày 25/07/2018, với 5 tác phẩm được nhận thưởng kèm theo.
Tiêu chí chấm giải:
– Tác phẩm đúng nội dung theo yêu cầu: 3 điểm
– Lời hay: 3
– Cảm xúc: 3 điểm
– Sáng tạo: 1 điểm
Mọi thắc mắc liên quan đến cuộc thi, vui lòng gửi về xã Đoàn Hương Nguyên hoặc Phan Thị Hòa, Trung Tâm Phát triển Nông thôn miền Trung email: hoapt@crdvietnam.org Điện thoại: 093.179.9986 để biết thêm chi tiết.
——————
BAN TỔ CHỨC CUỘC THI SÁNG TÁC THƠ CA
YÊU THIÊN NHIÊN – THIÊN NHIÊN ĐỀN ĐÁP