Được sự hỗ trợ về kỹ thuật của Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài Nguyên (CORENARM) và Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, dự án FLEGT đã triển khai hoạt động xây dựng mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng tại Thôn Tân Hối, xã Hồng Bắc, huyện A Lưới. Đây là một trong những mô hình thí điểm về việc thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng.
Trong năm thứ nhất dự án đã hỗ trợ xây dựng kế hoạch tuần tra bảo vệ rừng, quy ước quản lý rừng, quy chế sử dụng nguồn quỹ sinh kế và đặc biệt đã hỗ trợ kinh phí cho cộng đồng phát triển các mô hình sinh kế. Theo mục tiêu và kế hoạch năm thứ 2, dự án sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cho cộng đồng thôn Tân Hối và các cộng đồng tham gia vào mạng lưới cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng trên địa bàn huyện A Lưới về các kỹ năng tuần tra, quản lý bảo vệ rừng; kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để phát triển sinh kế; hướng dẫn xây dựng sơ đồ tài nguyên rừng và các hoạt động quản lý giám sát, hỗ trợ mô hình nhằm giúp cho việc thực hiện hoạt động của mô hình hiệu quả và bền vững hơn.
Một trong những khóa tập huấn có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cho cộng đồng thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng là Lớp tập huấn “Quản lý bảo vệ rừng” được tổ chức 02 ngày 22&23/09/2015 tại Thôn Tân Hối, xã Hồng Bắc. Tham gia tập huấn có 22 thành viên nhóm cộng đồng thôn Tân Hối, xã Hồng Bắc và 08 nhóm cộng đồng tham gia vào mạng lưới cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng trên địa bàn huyện A Lưới.
Khóa tập huấn đã cung cấp cho cộng đồng những hiểu biết cơ bản nhất về công tác tuần tra bảo vệ rừng, những quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm khi sử dụng, khai thác rừng bất hợp pháp; những loài động thực vật quý hiếm cấm săn bắt và hướng dẫn sử dụng các dụng cụ hỗ trợ tuần tra bảo vệ rừng như la bàn, bản đồ, rựa, bạt, võng,…. Đặc biệt cộng đồng được hướng dẫn về cách thức sử dụng và cập nhật thông tin qua sổ theo dõi tuần tra bảo vệ rừng và cách lập biên bản tuần tra rừng.
Thông qua khóa tập huấn cộng đồng đã hiểu được những quyền hạn và trách nhiệm của mình đối với rừng cộng đồng được nhà nước và chính quyền giao để quản lý bảo vệ. Ngoài những kiến thức về tuần tra được học, các cộng đồng tham gia đã chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức bản địa của mình trong công tác tuần tra bảo vệ rừng, đây là một trong những yếu tố có thể lồng ghép, kết hợp, hỗ trợ tích cực và hiệu quả trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Để hỗ trợ tích cực hơn cho công tác tuần bảo vệ rừng, khóa tập huấn đã tổ chức thực hành hướng dẫn cho cộng đồng cách thức sử dụng và bảo quản một số vật dụng phục vụ cho công tác tuần tra bảo vệ rừng như la bàn, bản đồ, võng, bạt, rựa, balo, đèn pin và cách thức xây dựng lán trại ở lại qua đêm trong rừng.
Những bài tập thực hành, những trò chơi kết hợp của khóa tập huấn đã giúp cho các nhóm cộng đồng đoàn kết hơn, rèn luyện được các kỹ năng liên quan như thảo luận nhóm, trình bày và trao đổi góp ý với các bên.
Hy vọng rằng sau khóa tập huấn các cộng đồng sẽ vận dụng các kiến thức được học, những kỹ năng liên quan cùng với những kinh nghiệm và kiến thức bản địa sẵn có để hỗ trợ tích cực và thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng cộng đồng.