“Bài toán” khó trong quản lý rừng cộng đồng
Mặc dù chính sách giao rừng cho cộng đồng từ trước đến nay đã phát huy được hiệu quả bảo vệ rừng nhưng còn tồn tại nhiều bất cập. Các vấn đề như: rừng được giao chủ yếu là rừng nghèo, cộng đồng chỉ bảo vệ rừng mà chưa có hưởng lợi cụ thể, đời sống người dân còn nghèo, sống phụ thuộc vào rừng nên tạo áp lực cho rừng là rất lớn…
Dự án “Thúc đẩy quyền quản lý và hưởng lợi của cộng đồng sau giao đất giao rừng ở tỉnh Thừa Thiên Huế” ra đời nhằm góp phần tạo ra sự công bằng cho các cộng đồng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Gắn các chủ rừng vào nhiệm vụ đi đôi với quyền lợi.
Cộng đồng vào rừng khai thác mây
Theo ông Phan Trọng Trí, Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung Việt Nam cho biết: “Trên địa bàn huyện Nam Đông-T.T.Huế, hầu hết các cộng đồng khi được bàn giao rừng để quản lý và bảo vệ đã nhận thức được vai trò trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, trước đây, tình trạng mô hình rừng cộng đồng còn ít chú tâm về việc tuần tra, bảo vệ có một phần lý do là họ chưa thấy được nguồn lợi trên rừng mình làm chủ”.
Áp lực cuộc sống của cộng đồng miền núi vốn đè nặng lên rừng. Trong khi các mô hình mà họ được giao phải bỏ công sức để bảo vệ mà không mang lại cho họ hưởng lợi gì nhiều. Họ hoặc sẽ tiếp tục khai thác trái phép các loại lâm sản từ rừng hoặc sẽ phải bỏ mặc… để lo cơm áo thường ngày trong gia đình. Người dân không thể bảo vệ rừng tốt khi mà hưởng lợi của họ từ rừng không được đảm bảo, cuộc sống người dân từ rừng vẫn gặp khó khăn. Để giảm được khoảng cách và tăng niềm tin của người dân vào việc bảo vệ rừng, không gì hơn phải cho họ thấy rõ nguồn lợi thực tế mà rừng mang lại.
“Lời giải” thực tế
Trong chương trình dự án “Thúc đẩy quyền quản lý và hưởng lợi của cộng đồng sau giao đất giao rừng ở tỉnh T.T.Huế”. Từ tháng 5-6/2015, dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung Việt Nam, cộng đồng thôn Dỗi và thôn La Hố của xã Thượng Lộ đã tổ chức khai thác toàn bộ vùng mây tự nhiên trong phạm vi rừng cộng đồng của mình và được thành viên hai thôn tích cực tham gia. Khai thác mây là hoạt động hưởng lợi từ rừng mà trong những năm sau khi giao đất giao rừng chưa mô hình nào có được.
Anh Trần Văn Biên – Trưởng Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Dỗi, xã Thượng Lộ trao đổi với giọng hồ hởi: “Từ khi giao rừng cho cộng đồng bảo vệ, người dân ở ngoài cộng đồng rất ít vào đây để khai thác. Hơn nữa, trong quá trình thực hiện dự án, cộng đồng cũng đã chăm sóc lại các diện tích mây đã bị khai phá nên bữa ni mây phát triển rất nhiều. Người dân ở cộng đồng đi khai thác nhiều lắm anh à, cả phụ nữ cũng đi. Ai cũng phấn khởi vì có thể kiếm thêm tiền. Đợt này gom được gần 5 tấn, đợt sau Biên sẽ huy động khai thác tiếp”.
Theo ông Lê Bá Sơn Hà – Cán bộ dự án “Đợt này là đợt khai thác đầu tiên của cộng đồng sau 5 năm quản lý bảo vệ. Trong quá trình khai thác, chúng tôi cũng cố gắng thúc đẩy cộng động khai thác bền vững bằng cách, chỉ khai thác những cây Mây có chiều dài trên 5m nên giá cả cũng cao hơn so với thị trường”.
Mây được thương lái thu mua tại điểm tập kết với giá hoặc 3.600 đồng/kg. Trong lần cân đầu tiên, cả hai cộng đồng đã thu gom được gần 5 tấn mây đem lại thu nhập hơn 15 triệu đồng. Số tiền này là thành quả xứng đáng mà họ được nhận khi đã đầu tư công sức trong việc quản lý bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng cộng đồng của mình.
Cân bán mây khai thác được từ rừng được giao
Thương lái thu mua mây cộng đồng khai thác được từ rừng mình quản lý
Sau đợt khai thác, thành viên hai thôn sẽ tiếp tục khai thác những vùng mây còn lại trong rừng cộng đồng của mình. Dự án sẽ hỗ trợ ban quản lý rừng cộng đồng hai thôn vạch ra các phương án cụ thể nhằm đầu tư chăm sóc cho vùng mây mới khai thác cũng như vùng mây mà dự án đã đầu tư hỗ trợ trồng mới cho người dân. Bên cạnh đó, những loài Lâm sản ngoài gỗ khác cũng sẽ được chú tâm tới để chăm sóc, đầu tư, chờ đợi sự hưởng lợi. Hy vọng với mô hình quản lý bảo vệ rừng cộng đồng ở xã Thượng Lộ sẽ làm thay đổi nhận thức về việc quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Nam Đông nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.
Sơn Hà – Bảo Hòa