Trao đổi, tìm kiếm giải pháp từ phía cơ quan quản lý nhà nước về Lâm nghiệp để khắc phục các rào cản nhằm “Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong giám sát độc lập việc thực hiện chương trình giảm phát thải Bắc Trung Bộ” là mục tiêu cuộc họp đối thoại cùng tên diễn ra ngày 19.12 tại Tp Huế.
Cuộc họp đối thoại ngày 19.12
Buổi đối thoại có 20 đại diện đến từ Cộng đồng/nhóm hộ quản lý bảo vệ rừng xã Hương Nguyên (Huyện A Lưới); Đại diện các tổ chức xã hội ở Thừa Thiên Huế cùng các cơ quan quản lý nhà nước về Lâm nghiệp.
Ông Phan Văn Hùng giới thiệu về chương trình giảm phát thải
Thông qua buổi đối thoại, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về thể chế để ban hành quyết định, những khó khăn về kỹ năng, kinh phí, phương tiện cho cộng đồng tham gia giám sát độc lập cũng như giải pháp để thu hẹp những rào cản khi cộng đồng tham gia giám sát đạt hiệu quả cao hơn.
Các đại biểu đưa ra nhiều câu hỏi và ý kiến hay trong buổi họp đối thoại
Đáng chú ý, ông Võ Văn Dự, chủ tịch Hội chủ rừng phát triển bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá: “Việc bảo vệ rừng tự nhiên là câu chuyện sống còn. Xây dựng được quy chế này sẽ nhận được sự ủng hộ từ các cấp chính quyền.”.
Phát biểu sau buổi đối thoại, ông Nguyễn Hữu Lễ cho rằng: “Bảo vệ rừng là dân, phá cũng là dân nhưng từ cộng đồng giám sát, cùng chung tay góp sức với cả hệ thống chính trị vào cuộcthì việc bảo vệ này không còn nan giải nữa. Đơn cử là mô hình nhỏ ở Hương Nguyên. Từ Hương Nguyên có thể làm mẫu cho nhiều xã khác đến học tập. Làm thế nào rừng, đất đai bảo vệ và nuôi sống được người dân, làm thế nào để đi bằng “hai chân”, lâm nghiệp gắn với nông nghiệp, gắn với nuôi con gì, trồng cây gì… chính phát triển nông nghiệp nâng cao thu nhập cho cộng đồng có cuộc sống ổn định sẽ phát triển bền vững hơn cả”.
Buổi họp đối thoại được thực hiện bởi Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD) thông qua dự án “Trao quyền cho các tổ chức xã hội và cộng đồng địa phương tham gia có hiệu quả vào việc thực hiện Chương trình giảm phát thải của Việt Nam (ER-P)”. Dự án được Tổ chức mạng lưới nông nghiệp bền vững và nguồn tài nguyên thiên nhiên châu Á (ANSAB-Nepal) tài trợ được điều phối bởi Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững (SRD).