Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Ngoài 70 tuổi, lão nông Đỗ Xuân (Xã Phong Mỹ, Phong Điền, Thừa Thiên Huế) vẫn miệt mài tìm tòi, sáng tạo, thành lập cơ sở sản xuất phân hữu cơ vi sinh Phong Mỹ. Tại đây, rác thải sinh hoạt đã trở thành loại phân bón vừa thân thiện môi trường vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

_DSC0212
Sản phẩm phân hữu cơ vi sinh của cơ sở

 Bén duyên với rác

Năm 2011, Ông Đỗ Xuân đại diện cho Hội nông dân xã Phong Mỹ tham dự hội thảo phục hồi và tái sử dụng các vùng đất bị suy thoái do chất độc hóa học sau chiến tranh. Tại đây, ông cũng được hướng dẫn kỹ thuật sử dụng men vi sinh để biến rác thành phân trong vòng 3 tháng. Hội thảo kết thúc nhưng ông luôn trăn trở về cách sản xuất phân vi sinh tại địa phương.

Ông Xuân nghĩ đến những loại rác hữu cơ rất “thân thuộc” mà người dân bỏ đi như: rác thải sinh hoạt, phân bò, rơm rạ, bịch nấm thải hay cây bèo tây gây tắc nghẽn nguồn nước tại địa phương. Những loại phụ phẩm tưởng như bỏ đi, thậm chí gây ô nhiễm ấy, được Ông gom góp mua về chất đầy góc vườn.

Qua sự mày mò, học hỏi và thử nghiệm, rác, từ chỗ có hại, qua bàn tay cần mẫn của Ông, đã trở nguồn phân bón vô cùng đáng giá đối với sản xuất nông nghiệp. Ông đã thử nghiệm bón cho cây cao su và sau một thời gian được chăm bón bằng phân hữu cơ tự sản xuất, cây cao su của gia đình đã trở nên tươi tốt, cho năng suất cao và chất lượng mủ tốt hơn trước đây. Nhiều hộ trong thôn đã tìm đến học hỏi và hợp tác để sản xuất phân vi sinh cùng ông.

Khi rác tìm được giá trị của mình

Thành quả thu được ban đầu trở thành nỗi thất vọng vì công sức bỏ rất nhiều mà hiệu quả mang lại rất thấp. Năng suất sản xuất thấp và tiêu thụ khó khăn là những cản trở chính. Những hộ hợp tác cùng ông đã lùi bước nhưng ông Xuân không hề lung lay.

Dự án“Nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng Nông thôn mới tại tỉnh Thừa Thiên Huế” với sự tài trợ của Đại sứ quán Ailen, do Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung thực hiện như là cứu cánh của Ông. Thông qua hoạt đông hỗ trợ người dân phát triển các sáng kiến cộng đồng của dự án, đại diện tổ sản xuất cao su trong xã là ông Xuân mạnh dạn đề xuất thành lập cơ sở sản xuất phân vi sinh với mục đích tận dụng nguồn rác thải tại địa phương để cải thiện năng suất và chất lượng cho các loại cây trồng  tại xã Phong Mỹ.

Nhận thấy đề xuất của tổ sản xuất là hữu ích, thông qua dự án, cán bộ Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung đã hỗ trợ  mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến kỹ thuật sản xuất và quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng.  Qua 5 năm từ khi “thai nghén” ý tưởng, Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung đã đồng hành để hình thành và phát triển nên cơ sở sản xuất phân Phong Mỹ với số vốn khởi nghiệp 100 triệu đồng, góp phần giải quyết 20 tấn rác thải tại địa phương thông qua xuất 12 tấn phân vi sinh/năm. Cơ sở này cũng tạo ra nguồn phân bón thân thiện với môi trường để trồng cao su với diện tích 120 ha của xã và cơ hội việc làm  cho một số lao động địa phương khi nhàn rỗi.

Trong năm 2016, đã có nhiều hộ trong xã tìm đến mua phân của cơ sở. Số tiền bán phân đầu tiên được cơ sở sản xuất phân sử dụng xây sân phơi và tiếp tục thu mua nguyên liệu. Nhìn thành quả của những giọt mồ hôi đã rỏ xuống, ông Xuân thật tình chia sẻ: “Ngoài cao su, hiện gần 3000 bịch gừng và nghệ trong bao được chăm bón bởi phân vi sinh đang lên mỗi ngày một xanh mướt. Tôi mong sao phân hữu cơ vi sinh Phong Mỹ ngày càng có thương hiệu uy tín, được nhiều người biết đến và sử dụng. Rác có thể biến thành tiền nhờ bón cho cây trồng tươi tốt và an toàn  nếu mọi người bỏ qua thì thật uổng phí”.

_DSC0200
Cơ sở dùng phân hữu cơ vi sinh bón cho gừng và nghệ trong bao

BH

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x