Sáng ngày 22 tháng 2 năm 2023, Trung tâm PTNT miền Trung (CRD) đã tổ chức hội thảo tổng kết dự án “Thúc đẩy sự tham gia hiệu quả của cộng đồng dân tộc thiểu số trong thực hiện, giám sát và đánh giá Chương trình Giảm phát thải (ER-P)” tại Thành phố Huế nhằm trình bày các kết quả đạt được của dự án, ngoài ra hội thảo cũng tổ chức thảo luận về sự tham gia của cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) và các giải pháp tăng cường sự tham gia của cộng đồng. Hội thảo đã thu hút gần 40 đại biểu tham dự là đại biểu từ các ban ngành liên quan, đại diện nhóm hưởng lợi và các tổ chức phi chính phủ khác.
Toàn cảnh hội thảo
Sau gần một năm triển khai dự án kể từ tháng 4/2022, đến nay dự án đã hoàn thành các mục tiêu bao gồm:(1) Đồng bào DTTS ở tỉnh Thừa Thiên Huế có đủ kiến thức và kỹ năng để tham gia hiệu quả vào việc xây dựng và thực hiện các chiến lược và hành động REDD+; (2) Đồng bào DTTS ở tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ được hưởng lợi từ các chương trình giảm thiểu phát thải, cơ chế, kế hoạch chia sẻ lợi ích và có thể đối phó với đại dịch COVID-19; (3) Đồng bào DTTS có ảnh hưởng đến các biện pháp thực hiện Chương trình giảm phát thải (ER-P) trong khu vực. Các bài học kinh nghiệm về sự tham gia của đồng bào DTTS trong thực hiện, giám sát, đánh giá ER-P được tư liệu hóa và chia sẻ rộng rãi.
Trong báo cáo tổng kết dự án, TS Hồ Lê Phi Khanh, Phó giám đốc Trung tâm nhấn mạnh rằng, mặc dù thời gian tiến hành dư án rất ngắn, tuy nhiên dự án đã đạt được mục tiêu xây dựng năng lực, nâng cao nhận thức và thực hành cho người DTTS. Đây là bước tiền đề quan trọng để thưc hiện Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.
Sau khi nghe báo cáo tổng kết dự án, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế đã đánh giá cao các hoạt động của CRD góp phần hoàn thành mục tiêu dự án. Ông Tuấn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ rừng và đồng bào DTTS sống phụ thuộc vào rừng.
Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế
Cũng trong hội thảo này, TS. Trương Quang Hoàng – Giám đốc CRD đã trình bày thêm những Chính sách đảm bảo an toàn và những yêu cầu vệ sự tham gia của cộng đồng dân tộc thiểu số. Trong bài trình bày của mình, ông Hoàng đã nhấn mạnh rằng Chương trình giảm phát thải hướng đến mang lợi ích cho cộng đồng DTTS, tuy nhiên chương trình có thể tiềm ẩn các tác động tiêu cực hay rủi ro đối với người DTTS như người DTTS có thể bị cưỡng đoạt đất đai và đuổi ra khỏi những “khu vực bảo vệ carbon, không được công nhận quyền của người dân tộc và các cộng đồng, hay Quy hoạch, quản lý rừng không xem xét các phong tục, tập quán của người dân tộc…
TS. Trương Quang Hoàng – Giám đốc CRD trình bày tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo Tổng kết dự án Tebtebba, đại diện Trung tâm Vì sự Phát triển bền vững miền núi, bà Lương Thị Trường – Giám đốc Trung tâm cho biết “Người dân tộc thiểu số ở miền núi còn rất ít kiến thức và năng lực còn yếu trong Chương trình Giảm phát thải (ER-P), mục tiêu của dự án là can thiệp và nâng cao nhận thức hiệu quả và CRD đã hoàn thành tốt điều đó”. Bà cũng bày tỏ mong muốn rằng trong thời gian tới đây, kiến thức về Chương trình Giảm phát thải (ER-P) sẽ được nhân rộng, truyền đạt nhiều hơn đến người đồng bào DTTS và sẽ có thêm các dự án về Chương trình này tại Thừa Thiên Huế.
Bà Lương Thị Trường, Giám đốc Trung tâm vì sự Phát triển bền vững miền núi phát biểu tại hội thảo Tổng kết dự án
Dự án “Thúc đẩy sự tham gia hiệu quả của cộng đồng dân tộc thiểu số trong thực hiện, giám sát và đánh giá chương trình giảm phát thải (ER-P)” được tài trợ bởi Tổ chức Tebtebba, thực hiện từ tháng 4/2022 với tổng kinh phí 54.020,78 USD. Một số kết quả của dự án được trình bày như sau:
Thực hiện: Nhật Sơn
Trung tâm PTNT miền Trung