BÁO CÁO TỔNG KẾT DỰ ÁN THÚC ĐẨY QUYỀN QUẢN LÝ VÀ HƯỞNG LỢI CỦA CỘNG ĐỒNG SAU GIAO ĐẤT GIAO RỪNG Ở TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Thời gian dự án: 01/2014 – 12/2015
Thời gian báo cáo: 01/2014 – 12/2015
Huế, tháng 12 năm 2015
- GIỚI THIỆU
Giao đất giao rừng (GĐGR) là một chủ trương lớn của Nhà nước nhằm mục tiêu xã hội hóa nghề rừng. Sau nhiều năm thực hiện, phần lớn người dân sống gần rừng đã được tiếp cận tài nguyên rừng một cách hợp pháp thông qua các hoạt động giao rừng tự nhiên cho cộng đồng, hộ gia đình. Mặc dù, cộng đồng được trực tiếp quản lý, sử dụng tài nguyên rừng nhưng do chất lượng rừng tự nhiên thấp, rừng nghèo kiệt và xa khu dân cư; cộng đồng còn thiếu quyền và công cụ quản lý rừng nên việc quản lý và hưởng lợi từ rừng còn rất hạn chế.
Trong bối cảnh đó, tổ chức ICCO đã hỗ trợ CRD thực hiện dự án “Thúc đẩy quyền quản lý và hưởng lợi của các cộng đồng sau GĐGR ở tỉnh Thừa Thiên Huế” với 02 mục tiêu chính là i) Tăng cường quyền quản lý và xác lập quyền hưởng lợi cho những cộng đồng được GĐGR và ii) Nâng cao nhận thức của các cộng đồng quản lý rừng để tiếp cận với chính sách chi trả DVMTR (PFES) và REDD+.
Báo cáo này trình bày các kết quả đạt được của dự án “Thúc đẩy quyền quản lý và hưởng lợi của các cộng đồng sau giao đất giao rừng ở tỉnh Thừa Thiên Huế” trong những năm vừa qua, phân tích các tác động và nêu ra các bài học kinh nghiệm nhằm giúp các bên liên quan hỗ trợ các cộng đồng bảo vệ và phát triển rừng bền vững hơn.
- CÁC HOẠT ĐỘNG ĐÃ TRIỂN KHAI VÀ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
2.1. Tăng cường quyền quản lý và xác lập quyền hưởng lợi cho những cộng đồng được GĐGR
- Xây dựng và điều chỉnh quy ước BV&PTR của các cộng đồng
Trong năm 2014, dự án đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông, UBND các xã thúc đẩy các cộng đồng tổ chức 18 cuộc họp điều chỉnh Quy ước BV&PTR. Các quy ước này được xây dựng và điều chỉnh cho phù hợp với các quy định hiện hành. Kết quả, các cộng đồng đã xây dựng được 06 Dự thảo Quy ước BV&PTR.
Bên cạnh đó, dự án cũng đã tổ chức 03 cuộc họp cấp xã với sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan để góp ý cho các Dự thảo Quy ước BV&PTR do các cộng đồng xây dựng.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, dự án cũng đã tư liệu hóa quá trình xây dựng và điều chỉnh Quy ước thành một bản hướng dẫn hoàn chỉnh. Tiến trình này được xây dựng dựa trên hướng dẫn của thông tư 70/2007/TT-BNNPTNT nhưng được cải tiến một số nội dung cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Từ những kết quả này, dự án đã tổ chức 01 cuộc họp cấp huyện với sự tham gia của toàn bộ các cơ quan ban ngành cấp huyện, các xã trong huyện để góp ý Quy ước và Tiến trình xây dựng và điều chỉnh Quy ước. Sau đó, với sự hỗ trợ chuyên môn của Hạt Kiểm lâm, dự án đã trình 06 Quy ước và 01 Tiến trình để UBND huyện phê duyệt. Kết quả là đã có 06 Quy ước và 01 Tiến trình được UBND huyện phê duyệt. Các văn bản này là cơ sở pháp lý giúp các cộng đồng và các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tốt hơn.
2. Cung cấp đồng phục bảo vệ rừng cho các cộng đồng
Để tăng hiệu qua tuần tra bảo vệ rừng, dự án đã trang bị 60 bộ áo quần và 120 đôi giày cho 6 cộng đồng của 3 xã. Kết hợp với thẻ BVPTR được cấp năm 2012, cộng đồng đã có được một bộ trang phục đầy đủ để thực hiện hoạt động bảo vệ rừng tốt hơn. Sau khi được cấp đồng phục và Quy ước đã được UBND huyện phê duyệt, cộng đồng đã có đủ điều kiện để thực hiện các biện pháp ngăn chặn và giải quyết các trường hợp vi phạm. Trong nửa cuối năm 2014, các cộng đồng đã ngăn chặn được 10 trường hợp khai thác gỗ và xâm phạm trái phép vào rừng cộng đồng; bắt giữ được 0,25 m3 gỗ và đòi bồi thường 2 triệu đồng để trích nộp vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của cộng đồng.
3. Xây dựng cơ chế hưởng lợi và chia sẻ lợi ích của các cộng đồng
Trong năm 2015, dự án tiếp tục hỗ trợ cho các cộng đồng tổ chức 18 cuộc họp thôn để xây dựng Cơ chế hưởng lợi và chia sẻ lợi ích từ rừng cho 06 cộng đồng. Mục tiêu của hoạt động này là hỗ trợ cộng đồng xây dựng một quy trình khai thác lâm sản và xác lập cơ chế phân chia lợi ích rõ ràng, minh bạch và công bằng giữa các thành viên trong cộng đồng, tránh những mâu thuẫn có thể nảy sinh giữa các thành viên trong cộng đồng trong vấn đề hưởng lợi từ rừng được giao.
Cùng với đó, dự án cũng hỗ trợ tổ chức 3 cuộc họp cấp xã với sự tham gia đầy đủ các thành viên cộng đồng, đại diện chính quyền địa phương, cơ quan chức năng liên quan hạt như kiểm lâm, lâm nghiệp xã, tư pháp xã và kiểm lâm địa bàn để góp ý cho bản dự thảo Cơ chế hưởng lợi mà các cộng đồng đã xây dựng. Kết quả, đến cuối năm 2015, đã có 06 cơ chế hưởng lợi được phê duyệt bởi UBND xã và đang được áp dụng song song với quy ước QLBVR đã được phê duyệt trong năm 2014.
4. Nâng cao năng lực cho các cộng đồng bảo vệ rừng
Cùng với các hoạt động trên, dự án cũng chú trọng nâng cao năng lực cho các cộng đồng để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trong 2 năm, dự án đã tổ chức 06 lớp tập huấn phù hợp với nhu cầu của người dân về việc bảo vệ và phát triển rừng, cụ thể là:
- Tổ chức 02 khóa hướng dẫn trồng Mây ở tại rừng cho 4 cộng đồng xã Thượng Lộ và Thượng Nhật; 01 khóa hướng dẫn trồng Ba kích dưới tán rừng cho 2 cộng đồng xã Hương Lộc. Nhờ việc kết hợp lý thuyết với hướng dẫn kỹ thuật ở ngoài thực địa nên các cộng đồng đã nắm vững và áp dụng kiến thức vào trong thực tế.
- Tổ chức 03 khóa tập huấn về kỹ năng xử lý vi phạm lâm luật: Thông qua lớp tập huấn, các thành viên trong cộng đồng đã hiểu rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong việc quản lý và bảo vệ rừng đã được giao; lớp tập huấn cũng trang bị cho cộng đồng những kỹ năng cơ bản khi tuần tra cũng như quy trình xử lý các hoạt động vi phạm xâm hại đến rừng của cộng đồng. Hiện tại, Cộng đồng đã có đủ điều kiện, năng lực và kỹ năng cần thiết để thực hiện các biện pháp ngăn chặn và giải quyết các trường hợp vi phạm.
- 5. Củng cố và phát triển các mô hình phát triển rừng
Bên cạnh đó, dự án đã hỗ trợ các cộng đồng thực hiện các hoạt động chăm sóc rừng tự nhiên cũng như chăm sóc các loài cây trồng ở giai đoạn 1 như Mây dưới tán rừng, Sao đen, Lồ ô, Tre lấy măng, Dó bầu, cây bản địa, 7 ha Keo. Qua quá trình chăm sóc, các loài cây này đang sinh trưởng, phát triển tốt. Các loài cây như Lồ ô, Tre lấy măng đã sinh trưởng măng mới và sẽ cho khai thác trong vòng 1 – 2 năm tới. Riêng đối với các cây gỗ, do chúng có chu kỳ kinh doanh dài cộng với việc trồng trong điều kiện phải cạnh tranh ánh sáng, chất dinh dưỡng nhiều ở rừng tự nhiên nên sinh trưởng chậm, sau 2 – 3 năm trồng nhưng chỉ sinh trưởng từ 0,4 – 1,5m.
Ngoài ra, việc phát triển rừng tự nhiên cũng được chú trọng. Trong 2 năm, dự án đã hỗ trợ cộng đồng chăm sóc, phát dây leo bụi rậm cho 128 lượt ha rừng tự nhiên (trong đó có khoảng trên 15 ha rừng Kiền có giá trị); trồng mới thêm 1.000 cây Kiền; 2.000 cây bản địa có giá trị (Huỷnh, Lim, Đào…); 2.700 cây Sến. Đến nay, các loại cây này có tỷ lệ sống từ 90 – 100% và được cộng đồng chăm sóc cẩn thận để hạn chế việc xâm lấn của cỏ dại và dây leo. Một số cây như Sến, Kiền cũng sinh trưởng mạnh trong điều kiện tự nhiên.
Cùng với đó, dự án cũng hỗ trợ các cộng đồng trồng được 1.000 cây Ba Kích, 40.000 cây Keo lai và gần 50.000 cây Mây dưới tán rừng (10.000 cây do Quỹ BV&PTR tỉnh TT Huế hỗ trợ) với tỷ lệ sống từ 85- 95%. Đến nay, cây Ba kích đã sinh trưởng ổn định, chiều dài thân có cây hơn 2m; một số cây Mây cũng đã sinh trưởng tốt.
Hoạt động quản lý bảo vệ, chăm sóc và làm giàu rừng của các cộng đồng đến nay đã bắt đầu mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần mang lại thu nhập, cải thiện sinh kế đáng kể cho hộ gia đình sống ven rừng. Nhờ rừng được bảo vệ và chăm sóc tốt, nguồn thu từ các lâm sản ngoài gỗ có giá trị như mật ong, nấm lim xanh, hạt ươi, lá nón, măng rừng, đặc biệt là mây tự nhiên ngày càng tăng. Điển hình là trong năm 2015, 02 cộng đồng thôn Dỗi và thôn La Hố của xã Thượng Lộ đã tiến hành khai thác mây trong khu vực rừng do cộng đồng quản lý và chăm sóc. Kết quả, trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, cộng đồng thôn Dỗi và thôn La Hố đã khai thác tổng cộng hơn 13 tấn mây, ước tính mang lại cho 02 cộng đồng được 46.000.000 VNĐ. Đây là sự khích lệ rất lớn cho cộng đồng xã Thượng Lộ và là động lực cho các cộng đồng khác trong việc quản lý bảo vệ rừng và chăm sóc rừng. Trong thời gian 1 – 2 năm tới, một số mô hình như Lồ ô, Tre lấy măng, Keo cũng sẽ được các cộng đồng khai thác.
2.2. Nâng cao năng lực cho cộng đồng về chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR)
Để nâng cao năng lực cho người dân về chính sách chi trả DVMTR, dự án đã tổ chức được 3 lớp tập huấn cho 90 người là cán bộ và người dân của 3 xã. Sau khi được tập huấn, hầu hết người dân tham gia đều nắm bắt được những quy định của pháp luật về việc chi trả dịch vụ môi trường rừng. Bên cạnh đó, việc cập nhật tiến độ thực hiện chi trả DVMTR ở tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã tạo ra động lực nhất định cho các cộng đồng bảo vệ rừng.
Để nâng cao năng lực cho người dân về chính sách chi trả DVMTR, trong năm 2015 dự án đã tổ chức 01 chuyến tham quan học tập chia sẻ kinh nghiệm về chi trả dịch vụ môi trường rừng tại xã Macooi – huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho 25 thành viên đại diện của 06 cộng đồng, BQL dự án cấp xã, cấp huyện và Quỹ BV&PTR tỉnh Thừa Thiên Huế cùng tham gia. Chuyến tham quan đã giúp các cộng đồng và BQL dự án các xã, huyện Nam Đông học hỏi được những kinh nghiệm, những bài học quý trong hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng, giúp cho các thành viên cộng đồng và các ban ngành chức năng thấy rõ hiệu quả của công tác quản lý, bảo vệ rừng sau khi nhận chi trả DVMTR.
Ngoài ra, để tuyên truyền sâu rộng hơn nữa nội dung chi trả DVMTR trong cộng đồng, dự án đã hỗ trợ thiết kế và in ấn 240 tờ rơi về chi trả DVMTR và tổ chức 06 buổi truyền thông về nội dung chi trả DVMTR cho 06 cộng đồng nhận quản lý và bảo vệ rừng. Các hoạt động trên đã giúp cho các thành viên trong cộng đồng hiểu rõ hơn về chính sách chi trả DVMTR, các chính sách hỗ trợ khác của nhà nước cho hoạt động quản lý và bảo vệ rừng của người dân, qua đó tạo động lực và tâm lý phấn khởi cho người dân, giúp họ tích cực và chủ động hơn trong công tác quản lý, bảo vệ và làm giàu rừng được giao.
Đến năm 2015, toàn bộ cộng đồng đã được chi trả DVMTR với mức giá 158.800đ/ha/năm. Từ đó, người dân có tâm lý phấn khởi, tích cực động viên nhau bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó, để giúp cho các cộng đồng quản lý và bảo vệ rừng tiếp cận với những chương trình mới, dự án cũng đã tổ chức 03 lớp tập huấn về chương trình Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng và đa dạng sinh học (REDD+), cho 85 thành viên của cộng đồng và BQL dự án cấp xã. Lớp tập huấn đã cung cấp thêm thông tin, giúp cộng đồng tiếp cận được với các nội dung cơ bản về REDD+, qua đó tạo thêm niềm tin cho cộng đồng về ý nghĩa của việc quản lý và bảo vệ rừng.
2.3. Tăng cường hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, kết nối mạng lưới cộng đồng được giao đất giao rừng ở trong nước và trong khu vực
Trong năm 2014, dự án đã phối hợp với thôn 3, xã Hương Lộc tổ chức chia sẻ kinh nghiệm cho đại diện là các cơ quan ban ngành, các cộng đồng được GĐGR ở 4 nước của khu vực Đông Nam Á là Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Thông qua cuộc chia sẻ này, cán bộ dự án và người dân cũng học tập được nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng của các cộng đồng ở các nước đó như i) xây dựng bộ máy quản lý; ii) cách điều hành các tổ quản lý bảo vệ rừng; iii) chế độ khen thưởng cho những cộng đồng thực hiện tốt và iv) vai trò của các cơ quan nhà nước trong hỗ trợ công tác quản lý rừng.
Cũng trong năm nay, các cộng đồng đã tham gia xây dựng và điều hành “Diễn đàn các cộng đồng quản lý, bảo vệ rừng khu vực Trung Trung Bộ”. Việc tham gia mạng lưới này đã giúp cộng đồng và cán bộ dự án nâng cao được năng lực trong việc tham gia và điều hành mạng lưới, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện dự án do CRD đang triển khai.
Trong năm 2015, dự án cũng đã tiếp đón các đoàn ở trong nước đến tham quan và học hỏi mô hình mà dự án đã hỗ trợ như cộng đồng thôn … xã Thượng Quảng, thôn…xã Phong Sơn, các cộng đồng của Mạng lưới cộng đồng khu vực Trung Trung Bộ.
III. TÁC ĐỘNG CỦA DỰ ÁN
3.1. Tác động về mặt xã hội
Hạn chế tình trạng khai thác và lấn chiếm rừng trái phép: Thông qua các hoạt động tuần tra, bảo vệ cũng như việc phối hợp xử lý các vi phạm lâm luật tại rừng cộng đồng đã tạo ra được sự răn đe nhất định cho người dân trong và ngoài cộng đồng. Do đó, tình trạng khai thác gỗ, lâm sản ngoài gỗ và lấn chiếm rừng trái phép giảm rõ rệt.
Tạo việc làm cho người dân trong cộng đồng: Việc hỗ trợ các cộng đồng chăm sóc, bảo vệ rừng cũng đã tạo việc làm cho người dân, nhất là những người lao động tự do. Trong năm 2014, dự án đã hỗ trợ 6 cộng đồng đầu tư 4.608 công lao động để trồng, chăm sóc các loài cây ở rừng tự nhiên được giao.
Nâng cao năng lực cho người dân về chính sách, kỹ thuật, quản lý tài chính: Thông qua các lớp tập huấn, người dân đã phần nào hiểu rõ được các chính sách ưu tiên cho cộng đồng trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng. Cùng với việc thực hiện các hoạt động của dự án, năng lực quản lý tài chính của cộng đồng cũng tăng lên đáng kể.
Tăng tính tự chủ của cộng đồng thông qua hoạt động xây dựng Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng: Để góp phần duy trì được năng lực tài chính của cộng đồng sau khi kết thúc, dự án cũng khuyến khích các cộng đồng tự xây dựng Quỹ riêng để duy trì các hoạt động. Đã có 4/6 cộng đồng xây dựng được Quỹ riêng cho cộng đồng mình là Thôn 3,(60 triệu đồng), thôn 2, Hương Lộc(25 triệu đồng); Thôn Dỗi (7,3 triệu đồng) và thôn La Hố, Thượng Lộ (5 triệu đồng).
Góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của người dân địa phương: Hàng năm, các cộng đồng đều thực hiện các hoạt động mở của rừng trước khi thực hiện các hoạt động tuần tra, bảo vệ. Đây là hoạt động có truyền thống lâu đời của người dân sống phụ thuộc vào rừng và cần được duy trì.
3.2. Tác động về mặt kinh tế
Tăng nguồn thu nhập cho cộng đồng từ hỗ trợ của dự án: Trong quá trình triển khai, dự án cũng có hỗ trợ một phần kinh phí để người dân thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng. Mặc dù không nhiều (50 nghìn đồng/công) nhưng đây là những khoản kinh phí động viên để cộng đồng thực hiện tốt hơn.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các cộng đồng hưởng lợi từ rừng: Tính đến thời điểm này, các cộng đồng đã có được 2 nguồn thu từ dự án, đó là nguồn thu từ khai thác Mây mà từ chính sách chi trả DVMTR. Trong thời gian tới, một số mô hình tiếp tục sẽ cho khai thác nên sẽ đóng góp tích cực vào việc phát triển sinh kế của cộng đồng hơn.
3.3. Tác động về mặt môi trường
Nâng cao chất lượng rừng tự nhiên: Thông qua hoạt động chăm sóc, phát dây leo bụi rậm và hoạt động trồng bổ sung các cây gỗ có giá trị, chất lượng rừng tự nhiên ngày càng được nâng cao hơn.
Nâng cao hiệu quả sử dụng đất bằng cách phát triển các loài cây LSNG: Việc phát triển các loài cây LSNG đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nhất là việc tận dụng các diện tích đất ven khe suối để trồng tre lấy măng, lồ ô hạn chế xói mòn đất. Bên cạnh đó, việc trồng các loài cây dưới tán rừng cũng tận dụng được những diện tích đất trống và không gian để các loài cây đó phát triển.
- THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN
4.1. Thuận lợi
– Dự án được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và hỗ trợ của các phòng ban chức năng của huyện;
– Đề án làm giàu rừng và phát triển LSNG giai đoạn 2014 – 2020 mà UBND huyện phê duyệt là cơ sở để dự án có những hoạt động phù hợp.
– Dự án có kế hoạch thực hiện các hoạt động cụ thể; cộng đồng tích cực thực hiện các hoạt động đã đề ra;
– Có sự đóng góp của nhiều bên liên quan như dự án Carbi, Quỹ BV&PTR tỉnh Thừa Thiên Huế.
4.2. Khó khăn
– Một số chính sách chưa hoàn thiện hoặc chưa tạo điều kiện cho cộng đồng hưởng lợi từ rừng tự nhiên được giao như quy trình khai thác gỗ gia dụng phức tạp; chưa có quy định xác định cây lâm nghiệp có nguồn gốc tự nhiên do cộng đồng tự đầu tư.
– Một số trường hợp vi phạm tại rừng nhưng chưa giải quyết triệt để, tạo tâm lý không yên tâm cho các cộng đồng đầu tư phát triển rừng (trường hợp người dân thôn 5 lấn chiếm rừng của thôn 2, Thượng Nhật).
– Người dân còn thiếu thông tin hỗ trợ về thị trường và đầu ra cho các LSNG, sau khi khai thác người dân không biết sẽ bán cho ai, giá bao nhiêu và hầu hết đã bị ép giá, ngoài ra người dân còn thiếu các loại máy móc cũng như cách sơ chế các loài cây thuốc nam sau khi thu hoạch.
– Từ trước đến nay, các cộng đồng chưa có hưởng lợi nào từ các hoạt động QLBVR do diện tích rừng đã giao chủ yếu là nghèo kiệt, dự án chỉ mới chú trọng hỗ trợ các cây dài ngày, chưa có sự hỗ trợ về các loài cây ngắn ngày cũng như vật nuôi cho người dân, và nếu có sự hỗ trợ này đi nữa thì cũng là một thách thức khó khăn nếu đem trồng các loài cây ngắn ngày trong rừng tự nhiên
– Việc phát triển thủy điện cũng gây ra những khó khăn nhất định trong công tác bảo vệ và phát triển rừng của người dân.
– Sự phối hợp của các bên liên quan chưa thực sự chặt chẽ;
– Năng lực của người dân địa phương còn hạn chế, nhất là về việc quản lý kế hoạch và tài chính;
4.3. Bài học kinh nghiệm
– Để có thể thực hiện phương pháp tiếp cận chương trình (PA) và phương pháp tiếp cận quyền (RBA) thì dự án phải huy động được sự tham gia và đóng góp của các bên liên quan. Những bên tham gia cần xác định rõ vai trò và chức năng của mình trước khi triển khai dự án để phối hợp thực hiện. Bên cạnh đó, dự án cũng cần trao quyền cho người dân trong việc quyết định các hoạt động và chi tiêu tài chính để giúp họ tự chủ trong việc thực hiện các hoạt động của dự án, từ đó nâng cao được năng lực cho người dân.
– Hợp tác với các tổ chức địa phương đã phát huy được những hiệu quả nhất định, đó là huy động được sự đóng góp về tài chính và công sức của các tổ chức, đồng thời cũng đã tận dụng được những lợi thế của họ để đáp ứng mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng của cộng đồng.
– Nâng cao năng lực bảo vệ và phát triển rừng cho người dân phải chú trọng đến kiến thức và kỹ năng. Việc kết hợp giữa lý thuyết cộng với hướng dẫn kỹ thuật cho người dân ở ngoài thực tế sẽ giúp người dân hiểu và thực hành tốt hơn những kiến thức mà họ đã được tập huấn.
– Việc lựa chọn cây trồng phải phù hợp với kế hoạch và ưu tiên phát triển những loài cây sẵn có ở địa phương. Trong quá trình thực hiện phải đảm bảo phương châm lấy ngắn nuôi dài, như vậy thì mới đáp ứng được nhu cầu hưởng lợi bền vững của cộng đồng từ những diện tích rừng được giao.
– Nâng cao năng lực cho người dân về các chính sách là rất cần thiết. Trong trường hợp này, dự án đã tập trung nâng cao sự hiểu biết của người dân về chính sách chi trả dịch vụ môi trường. Đây là chính sách liên quan trực tiếp đến quyền hưởng lợi cua người dân nên rất được người dân quan tâm và mong muốn áp dụng chính sách này trong thời gian sắp tới .
– Chia sẻ kinh nghiệm và tham gia các mạng lưới là rất quan trọng. Việc thực hiện các hoạt động này sẽ giúp các cộng đồng học tập thêm được các kinh nghiệm của các cộng đồng khác cũng như chia sẻ các kinh nghiệm của cộng đồng mình trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.
- KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
5.1. Kết luận
– Hầu hết các hoạt động của dự án đã được triển khai theo đúng tiến độ đề ra.
– Dự án đã chú trọng tăng cường sự tham gia của các bên liên quan, xây dựng cơ chế phối hợp thực hiện dự án theo hướng trao quyền cho các cộng đồng. Với cách làm như vậy, dự án đã phát huy hiệu quả của phương pháp tiếp cận chương trình (PA) và tiếp cận quyền (RBA),
– Các tổ chức tổ chức cộng đồng đã có những tiến bộ rất đáng ghi nhận kể từ khi tham gia dự án. Các tổ chức cộng đồng đã từng bước tự chủ, mạnh dạn và tự tin hơn trong việc tổ chức thực hiện các kế hoạch đề ra, tổ chức tuần tra bảo vệ rừng, xử lý vi phạm và quản lý tài chính trong quá trình thực hiện dự án. Vai trò của các tổ chức tổ chức cộng đồng dần dần được nhiều người thừa nhận hơn.
– CRD đã có nhiều thay đổi về phương pháp cũng như cơ cấu tổ chức thực hiện dự án nhằm đảm bảo các hoạt động dự án được thực hiện theo đúng lộ trình và đạt mục tiêu đề ra.
– Cộng đồng bước đầu đã nhận thấy được lợi ích từ rừng tự nhiên được giao. Bên cạnh đó, họ cũng hiểu biết được Nhà nước đang cố gắng cải thiện chính sách để cộng đồng có thể hưởng lợi bền vững hơn.
5.2. Kiến nghị
– Địa phương cần tăng cường hỗ trợ các cộng đồng được GĐGR hơn. Đặc biệt hỗ trợ CĐ tiếp cận với các chính sách, chương trình, dự án mới để giúp tăng cường sự hiểu biết cũng như các nguồn tài chính hỗ trợ cho cộng đồng.
– Cộng đồng địa phương cần tiếp tục nâng cao năng lực để thực hiện dự án cũng như quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên được giao.
– Chính quyền địa phương cần tạo điều kiện hỗ trợ, tìm kiếm thị trường ổn định cho những sản phẩm LSNG để người dân yên tâm thực hiện.
Giám đốc TT-PTNT