Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Việt Nam có gần 2/3 dân số lấy nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) làm hoạt động kinh tế chính, xuất khẩu nông sản đóng góp trên 10% vào tổng kim ngạch xuất khẩu và nông nghiệp đóng góp khoảng 14,6% vào tổng GDP (2007) của cả nền kinh tế. Tuy nhiên, cho tới nay, các hoạt động liên quan tới nông nghiệp vẫn được điều chỉnh bởi nhiều văn bản, chính sách khác nhau và chưa có văn bản, chính sách ở cấp độ Luật.

Bối cảnh mới và nhu cầu chính sách mới trong nông nghiệp

Nông nghiệp Việt Nam đang trải qua một quá trình chuyển đổi từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, kinh doanh theo định hướng thị trường, hội nhập vào nền kinh tế và nông nghiệp thế giới. Quá trình chuyển đổi này được chính thức bắt đầu bằng những chính sách có tính chất đổi mới, đột phá trong nông nghiệp, nông thôn từ cuối những năm 80[1], tuy nhiên nguồn gốc của những chính sách này có ít nhất là từ những năm 60[2]. Trong những năm tiếp theo, những điều chỉnh chính sách trong các lĩnh vực cơ bản như đất đai, thương mại, tổ chức sản xuất, v.v… tiếp tục tạo động lực cho những bước phát triển mới trong nông nghiệp nông thôn Việt Nam.
Tuy nhiên, khi thực hiện các chính sách đổi mới trong nông nghiệp, nông thôn mà thực chất là trao lại quyền tự chủ cho các hộ gia đình cả về sở hữu các nguồn lực (quan trọng nhất là đất đai) và thực hiện các hoạt động kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn thì chúng ta cũng phải đối mặt với một trở ngại căn bản mà trong thời kì kinh tế kế hoạch hóa tập trung đã từng mong muốn “nhanh chóng” giải quyết – vấn đề sản xuất nhỏ, lạc hậu và phân tán.
Cho tới nay, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào hộ gia đình với quy mô sản xuất nhỏ (trung bình 0,22ha/người). Đất nông nghiệp manh mún và chia làm nhiều mảnh nhỏ làm chi phí sản xuất cao, hiệu quả thấp, sản lượng thấp, khó áp dụng khoa học công nghệ. Mặt khác, quá trình thực hiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế đã khuyến khích sự phát triển của sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Trong cả nước đã xuất hiện nhiều vùng sản xuất có tính chất chuyên canh theo ngành hàng như lúa gạo, gia cầm ở ĐBSCL, cà phê ở Tây Nguyên, cao su và điều ở Đông Nam Bộ, chè ở trung du miền núi phía Bắc, hoa quả ở ĐBSCL, v.v…
Trên nền tảng các mối quan hệ kinh tế thị trường ngày càng phát triển này, những chuẩn mực, quy tắc điều tiết những mối quan hệ kinh tế-xã hội trong nông nghiệp, nông thôn cũng đang thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên, khung pháp lý của chúng ta hiện nay dường như chưa “luật hóa” được hết những chuẩn mực, quy tắc mới. Do vậy, nhiều mâu thuẫn và xung đột về lợi ích liên quan tới việc sử dụng tài nguyên giữa các hộ nông dân, giữa các hộ nông dân với các cơ sở chế biến, kinh doanh, giữa các cơ sở chế biến, kinh doanh với nhau, v.v.. đã, đang và sẽ tiếp tục xuất hiện và vẫn thiếu cơ sở pháp lý để điều chỉnh.
Hiện nay, chức năng quản lý nhà nước của Bộ NN&PTNT có 03 ngành: nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi), lâm nghiệp và thủy sản. Trong khi các lĩnh vực lâm nghiệp và thủy sản cũng đều đã có các chính sách ở cấp độ luật (Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật thủy sản) thì duy nhất chỉ có lĩnh vực nông nghiệp là chưa có luật điều chỉnh.
Kinh nghiệm của các nước cho thấy, các quốc gia với trình độ phát triển khác nhau đều có Luật riêng để điều chỉnh các hoạt động sản xuất nông nghiệp như Trung Quốc (Luật nông nghiệp 1993 và 2003), EU (Chính sách nông nghiệp chung – CAP), Hoa Kỳ (Chương 7-Nông nghiệp trong bộ luật Hoa Kỳ), Nhật Bản (Luật cơ bản nông nghiệp 1961 và 1999), v.v…
Có nên ban hành Luật nông nghiệp trong điều kiện hệ thống pháp luật hiện hành?
Theo ông Ngô Đức Mạnh[3], phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, thì một trong những đặc điểm chính trong hoạt động lập pháp của nước ta hiện nay là xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật riêng lẻ để điều chỉnh về những vấn đề cụ thể. Theo hướng này, thay vì xây dựng và ban hành các bộ luật, đạo luật để điều chỉnh bao quát về một lĩnh vực nào đó thì tiến hành soạn thảo, ban hành những văn bản chi tiết, sao cho luật sau khi ban hành là có thể thi hành ngay được mà không phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành (nghị định, thông tư). Vì thế, việc ban hành Luật nông nghiệp chung, điều chỉnh về toàn bộ các vấn đề nông nghiệp (omnibus law) là cách làm chỉ đạt kết quả, có tính khả thi cao khi có sự rà soát, phân tích một cách đầy đủ để bãi bỏ những quy định trùng lặp, chồng chéo. Việc ban hành một luật nông nghiệp khung (chung) là một công việc đòi hỏi phải có sự đầu tư nghiên cứu thấu đáo để có thể hệ thống hóa và pháp điển hóa toàn bộ các quy định hiện hành có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp.
Đó ý kiến thấu đáo có tính chất tổng thể từ phía những nhà lập pháp.
Nhưng đứng trên phương diện thực tiễn đời sống kinh tế-xã hội, nhu cầu ban hành Luật Nông nghiệp là rất rõ ràng. Việc ban hành Luật Nông nghiệp chắc chắn không phải để bổ sung thêm một văn bản luật mới nhằm tăng tính đồng bộ cho hệ thống pháp luật của ngành nông nghiệp, cũng không phải là sự học hỏi kinh nghiệm thuần túy của nước bên ngoài. Trái lại, Luật Nông nghiệp phải giải quyết vấn đề căn bản là tạo ra thêm những cơ chế phù hợp nhằm kích thích hơn nữa “động lực” mà các chính sách đột phá đầu thời kì Đổi Mới đã tạo ra trong gần 2 thập kỷ qua. Muốn vậy, bên cạnh sự tiếp nối chính sách, không có cách nào khác là các cơ quan nghiên cứu tham mưu và hoạch định chính sách cần phải nâng cao hơn nữa khả năng đánh giá, tổng hợp thực tiễn và dự báo xu hướng phát triển của ngành trong giai đoạn mới. Như vậy, chính năng lực của các cơ quan tham mưu và hoạch định chính sách mới là yếu tố quyết định cho sự thành công của Luật Nông nghiệp.

[1] (i) Chỉ thị 100-CT ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm tới nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp. (ii) Nghị quyết 10 – NQ/TW ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.
[2] “Khoán hộ” tại các địa phương như Vĩnh Phúc giữa những năm 60 và Hải Phòng đầu những năm 1980.
[3] Ý kiến trong hội thảo về cơ sở khoa học của Luật Nông nghiệp Việt Nam do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) phối hợp với Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học (Văn phòng Quốc hội) và Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp quốc (FAO) tổ chức ngày 22/2/2008.

BPTT (Theo IPSARD)

 

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x