Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao, câu thành ngữ này thật phù hợp để nói về quỹ phát triển sinh kế thôn bản được 22 nhóm hộ trong mạng lưới quản lý bảo vệ rừng và đang dạng sinh học trích từ quỹ dịch vụ môi trường rừng bình quân chỉ chưa đến 800.000 đồng/1 năm/1 người. Dự án Tăng cường năng lực bảo tồn tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, gắn với phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số sống gần khu bảo tồn thiên nhiên Sao La với sự thực hiện của huyện Đoàn TNCS HCM A Lưới sẽ thông tin về chủ đề này.
“Tích nhỏ thành lớn”, quỹ chi trả dịch vụ môi trường rừng lần đầu tiên được cộng đồng quản lý bảo vệ rừng và đa dạng sinh học xã Hương Nguyên gây quỹ được 22 triệu đồng để phát triển sinh kế thôn bản.
Theo đó, 22 nhóm đã tự nguyện trích nộp một phần tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng năm để cộng đồng có thêm vốn đầu tư phát triển sản xuất, từ đó giảm nhẹ áp lực lên rừng.
Dự kiến, trong cuối tháng 4.2019, các hộ dân sẽ được vay vốn với lãi suất thấp chỉ 0,5%/tháng từ nguồn quỹ đặc biệt này để trồng lúa Ra dư trên đất keo tràm mới khai thác, trồng thiên niên kiện và chăn nuôi bò bán thâm canh. Hoạt động được sự tư vấn của các chuyên gia Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung (CRD), ĐH Nông Lâm Huế với mong muốn cộng hưởng nguồn lực của quỹ phát triển sinh kế do chương trình vốn nhỏ quỹ môi trường toàn cầu tại Việt Nam, chương trình Phát triển Liên hợp quốc tài trợ để người dân sống gần rừng cải thiện thu nhập, tạo động lực tuần tra giữ rừng.
Bên cạnh đó, việc tự nguyện đóng góp tiền từ quỹ chi trả dịch vụ môi trường rừng còn thể hiện sự tham gia của người dân, tự chủ động liên kết với nhau, làm thay đổi suy nghĩ của cộng đồng đối với việc chỉ trông chờ vào nguồn hỗ trợ từ bên ngoài.
Dự kiến, nguồn vốn sẽ được xoay vòng tại các thôn trong xã Hương Nguyên dành cho những hộ khó khăn, khao khát vươn lên….