Thừa Thiên Huế, ngày 1-2/6/2024 – Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung Việt Nam (CRD), đại học Nông Lâm, Đại học Huế, đã tổ chức chuyến tham quan học tập các mô hình vườn ươm cây dược liệu tại hai địa phương: xã Quảng Thái (huyện Quảng Điền) và xã Thượng Lộ (huyện Nam Đông). Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy bảo tồn cây thuốc nam bản địa gắn với cải thiện sinh kế của phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng miền núi”, do Quỹ Quản lý Tài nguyên Môi trường (ERM Foundation) thuộc Tập đoàn ERM Group tài trợ.
Mục tiêu của chuyến tham quan là cung cấp cho các thành viên cộng đồng những kiến thức thực tế về thiết lập và vận hành mô hình vườn ươm cây dược liệu. Thông qua việc quan sát và học tập từ các mô hình có hiệu quả, các thành viên được trang bị thêm các kỹ năng và kiến thức về kỹ thuật gieo ươm, cách thức quản lý và chia sẻ lợi ích trong nhóm cộng đồng, cũng như các phương pháp xử lý và chăm sóc cây giống dược liệu đạt tiêu chuẩn. Hoạt động này cũng tạo nền tảng cho các cộng đồng vùng núi áp dụng vào các vườn ươm đang được xây dựng tại địa phương, nhằm thúc đẩy sinh kế bền vững và cải thiện thu nhập cho phụ nữ dân tộc thiểu số.
Địa điểm đầu tiên là vườn ươm Hương Cát, mô hình tiên phong tại xã Quảng Thái, được thiết lập nhằm bảo tồn và phát triển giống cây sâm cau – một loại dược liệu quý với giá trị kinh tế cao. Các học viên trong đoàn đã tham gia tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của vườn ươm, bao gồm thiết kế và quy trình vận hành, từ khâu chọn giống, trộn đất, đến gieo ươm cây từ lá.
Đoàn tham quan tại vườn ươm dược liệu Hương Cát, xã Quảng Thái
Điểm đến tiếp theo là vườn ươm cộng đồng Kazan, thuộc nhóm hộ quản lý rừng 6 thôn Dỗi, xã Thượng Lộ. Đây là mô hình “vườn ươm cộng đồng” điển hình, không chỉ gắn với mục tiêu sinh kế mà còn đóng vai trò trong bảo tồn tài nguyên rừng và phát triển kinh tế địa phương. Các thành viên cộng đồng đã học hỏi về cách thức huy động sự tham gia của cộng đồng, cùng chia sẻ lợi ích và thực hành quản lý nguồn tài nguyên chung. Đoàn đã được hướng dẫn cụ thể về quy trình xây dựng một vườn ươm cộng đồng hiệu quả, từ việc chọn địa điểm đến bố trí các khu vực trồng cây giống và phương pháp theo dõi, đánh giá cây giống trước khi chuyển đến rừng trồng. Đặc biệt, các kỹ thuật để nhân giống một số loài dược liệu như sâm cau, bầu hồ lô, và cây hương bài từ hạt và cành hom đã được giới thiệu chi tiết, tạo điều kiện cho các thành viên hiểu sâu hơn về quy trình sản xuất cây giống tại địa phương.
Trong suốt buổi tham quan, các thành viên cộng đồng đã có cơ hội thực hành một số kỹ thuật cơ bản như đóng bầu đất, xử lý và chuẩn bị giống, cũng như tiếp thu những kinh nghiệm xử lý các tình huống khó khăn như kiểm soát sâu bệnh và đảm bảo đầu ra cho cây giống. Đặc biệt, đoàn tham quan đã thảo luận sôi nổi về các thách thức trong tiêu thụ sản phẩm và duy trì hoạt động bền vững của vườn ươm, giúp mở rộng hiểu biết và khả năng ứng phó với thực tế tại địa phương.
Các thành viên tham quan tại vườn ươm cộng đồng thôn Dỗi, xã Thượng Lộ
Đoàn cũng có dịp tìm hiểu mô hình du lịch cộng đồng của hợp tác xã du lịch Kazan. Mô hình này tận dụng lợi thế của cảnh quan tự nhiên và giá trị văn hóa địa phương, giúp nâng cao thu nhập cho cộng đồng thông qua các hoạt động du lịch sinh thái và trải nghiệm văn hóa bản địa. Đoàn học hỏi được những phương pháp tổ chức và quản lý du lịch cộng đồng thân thiện với môi trường, như cách thức phân bổ và chia sẻ lợi nhuận, đồng thời bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Từ kinh nghiệm của hợp tác xã Kazan, các thành viên đã có thêm kiến thức về cách thức kết hợp vườn ươm và du lịch sinh thái, mở ra tiềm năng phát triển cho các vùng miền núi ở A Lưới, nơi phụ nữ và người dân có thể vừa bảo tồn cây thuốc, vừa tăng cường nguồn thu nhập bền vững.
Sau khi hoàn thành chuyến đi, các thành viên cộng đồng đã tham gia buổi chia sẻ và thảo luận kinh nghiệm, đề ra những kế hoạch áp dụng cho các vườn ươm cộng đồng tại địa phương. 100% học viên tự tin với kiến thức về kỹ thuật đóng bầu, xử lý giống, và các phương pháp nhân giống từ hạt và hom. Chị Hồ Thị Lương, Phó nhóm vườn ươm thôn Kêr, chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia một chuyến tham quan như thế này, ban đầu, tôi cũng không tự tin khi đăng ký xây dựng vườn ươm cộng đồng từ dự án. Tuy nhiên, sau khi được đến trực tiếp các mô hình vườn ươm, tôi thấy tự tin hơn và sẽ chia sẻ kiến thức học được về áp dụng cho vườn ươm của nhóm mình”
Chuyến tham quan không chỉ góp phần nâng cao năng lực cộng đồng trong việc vận hành các vườn ươm, mà còn tạo động lực phát triển các mô hình sinh kế gắn với bảo tồn. Các kiến thức và kỹ năng học được từ chuyến tham quan là cơ sở để các cộng đồng miền núi thực hiện hiệu quả các hoạt động sản xuất cây giống phục vụ trồng dưới tán rừng, tạo thu nhập và góp phần bảo tồn nguồn cây thuốc nam bản địa. Chuyến đi này khép lại với hy vọng thúc đẩy những sáng kiến mới, giúp cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi phát huy tiềm năng từ mô hình vườn ươm, phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên môi trường.
Toàn thể đoàn tham quan tại vườn ươm cộng đồng thôn Dỗi, xã Thượng Lộ
Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ:
Trung tâm Phát triển Nông thôn Miền Trung Việt Nam (CRD)
- Địa chỉ: 102 Phùng Hưng, Thành Phố Huế, Thừa Thiên Huế
- Điện thoại: (0234) 3529 749
- Email: Office@crdvietnam.org
-
- Website: Crdvietnam.org
-