Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Hồi ấy bây giờ…….

Tên gọi của dự án khá xa lạ

Cách truyền đạt chậm rãi, mất nhiều thời gian trên một đề tài không mấy mới mẻ

Trong các lớp tập huấn người khuyết tật và người thân, có nhiều câu hỏi đưa ra có ý kiểm tra năng lực phòng chống thiên tai của chính quyền

Hoạt động phòng chống lụt bão lại do một tổ chức phi chính phủ hướng dẫn

Chẳng có chút thiện cảm…..

Nhưng đến lớp tập huấn với Ban Quản lý thiên tai, rồi khi vào vẽ sơ đồ, họp lập kế hoạch và tới phần diễn tập thì tôi lại hoàn toàn tán thành. Vì theo kinh nghiệm của tôi cách làm này rất hay và rất sâu. Trước đây, tôi là một quân nhân từ chiến trường về, còn có nhiều năm làm công tác tham mưu. Tôi đã không khó nhận ra phương pháp lập kế hoạch của dự án là rõ ràng trong phân công nhiệm vụ. Chi tiết thì chặt chẽ, chẳng kém gì một kế hoạch quân sự mà tôi đã học tập và từng thực hành ngày xưa.

DSC_0377-300x200

Từ đó cảm giác khó chịu trước đây ở tôi đối với dự án dần tan rã. Từ hoài nghi tôi trở nên tin cậy. Từ lạnh nhạt tôi trở nên nhiệt tình. Tôi mang phần kiến thức của mình mà một thời tưởng như không còn đất dùng nữa để tự nguyện đóng góp với dự án. Tôi tích cực vận động anh em trong Ban Quản lý tập trung học để hoàn thành chương trình mà chưa lúc nào sai lịch. Hôm đánh giá kết quả diễn tập toàn thôn tôi nói nửa đùa, nửa thật: “Dự án không mang đến tiền trăm bạc vạn nào nhưng cái dự án làm được còn quý hơn thế”. Khi bắt đầu dự án, tôi cũng giống như nhiều trưởng thôn hôm nay, không tin mấy vào dự án. Khi kết thúc mới thấy dự án đã làm thay đổi rất nhiều về nhận thức, phương pháp quản lý rủi ro của tôi. Điều này đã đỡ được gánh nặng trên hai vai trưởng thôn, kể cả Ban Quản lý lụt bão của xã trên lĩnh vực phòng chống thiên tai hằng năm. Đó là:

–        Việc quản lý của Ban Quản lý về rủi ro do lũ lụt trên toàn thôn chặt chẽ, rành mạch. Thông qua công cụ sơ đồ và các phụ lục trong bản kế hoạch thì dễ dàng điều chỉnh kế hoạch năm.

–        Phối hợp giữa các thành viên nhịp nhàng. Mạng lưới quản lý rủi ro rộng khắp, khép kín toàn địa bàn.

–        Điều hành chống lũ của chỉ huy từ trưởng ban đến khu tổ được chia sẻ nhẹ nhàng nhưng hiệu quả.

–        Thông tin liên lạc phục vụ cho điều hành, phối hợp, báo cáo được chú trọng nhanh và tốt hơn.

–        Người và phương tiện sơ cứu, ứng cứu, cứu hộ, cứu nạn bước đầu đáp ứng được nhu cầu của thôn.

–        Phương châm 4 tại chỗ chưa lúc nào hiện hữu rõ rệt như bây giờ.

Tôi chia sẻ điều này với mọi người rất thật lòng. Đôi khi vì sợ mất nhiều thời gian, người ta có thể có những toan tính hẹp hòi hoặc vì cảnh giác quá mà đánh mất sự thân thiện. Cũng có khi người ta vẫn muốn đi trên con đường mòn quen thuộc ít chông gai hơn.

Tôi lấy làm tiếc vì bản thân tôi có lúc đã như vậy.

Nguyễn Vĩnh, Trưởng Ban Quản lý thiên tai thôn Lập Thuận, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x