Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Cuối tháng 10 năm 2024, tại Ủy ban Nhân dân huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung Việt Nam (CRD), đại học Nông Lâm, đại học Huế, đã tổ chức hội thảo trình bày kế hoạch hành động cho dự án “Thúc đẩy bảo tồn cây thuốc nam bản địa gắn với cải thiện sinh kế của phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng miền núi” giai đoạn từ tháng 10/2024 đến tháng 3/2025, với các hoạt động hướng đến quản lý tài nguyên bền vững, phát triển dược liệu và tăng cường sinh kế cho cộng đồng dân tộc thiểu số. Hội thảo đã có sự tham gia đầy đủ của đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện A Lưới, các phòng ban liên quan, và đại diện các nhóm cộng đồng tại  các xã Quảng Nhâm, Hồng Kim và Hồng Vân.

Toàn cảnh hội thảo

Sau khi phát biểu khai mạc, ông Trần Hữu Tâm, điều phối dự án đã trình bày chi tiết kế hoạch hoạt động của dự án “Thúc đẩy bảo tồn cây thuốc nam bản địa gắn với cải thiện sinh kế của phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng miền núi” trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2024. Theo đó, CRD triển khai ba nhóm hoạt động chính trong giai đoạn tới bao gồm nhóm hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng, quản lý tài nguyên dược liệu bền vững, và phát triển sản xuất nhằm gia tăng thu nhập từ cây dược liệu.

Ông Trần Hữu Tâm, điều phối viên dự án trình bày kế hoạch hoạt động giai đoạn từ tháng 10/2024 – 3/2025

Đối với nhóm hoạt động liên quan đến nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ, về quản lý tài nguyên bền vững, CRD sẽ thực hiện các hoạt động truyền thông và giáo dục nhằm nâng cao kiến thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu, các hoạt động canh tác giảm phát thải và bình đẳng giới. Bản tin truyền thông sẽ được xây dựng trong khoảng thời gian từ tháng 10/2024 đến tháng 3/2025 và phát trên hệ thống loa phát thanh của các xã dự án với tần suất 2 lần/tuần, mang đến thông tin chuyên sâu về các vấn đề biến đổi khí hậu, lợi ích của việc giảm phát thải, và vai trò bình đẳng giới trong quản lý tài nguyên. Ngoài ra, CRD sẽ tổ chức một sự kiện truyền thông lớn về đa dạng sinh học tại xã Hồng Vân vào đầu năm 2025. Để duy trì sự tương tác, 150 buổi sinh hoạt cộng đồng về các chủ đề liên quan đến bảo vệ rừng và bảo tồn tài nguyên sẽ được tổ chức từ tháng 3/2024 đến tháng 6/2026, cung cấp diễn đàn trao đổi và nâng cao nhận thức cho thành viên của cộng đồng.

Với nhóm hoạt động liên quan đến quản lý hiệu quả và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu, CRD sẽ xây dựng một sổ tay hướng dẫn nhằm nhận diện và sử dụng các loại cây thuốc quý hiếm tại huyện A Lưới. Bên cạnh đó, CRD cũng sẽ tổ chức hai đợt tuần tra bảo vệ rừng và giám sát tài nguyên cây thuốc  nhằm ngăn chặn các hoạt động khai thác trái phép và bảo vệ tài nguyên quý giá này. Hoạt động trồng cây dược liệu dưới tán rừng với số lượng 25.000 cây sẽ diễn ra vào các đợt từ tháng 11/2024 đến tháng 3/2025. Ngoài ra, CRD sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ dân trồng cây dược liệu ngay tại vườn nhà, nhằm đảm bảo cây trồng phát triển bền vững và đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Phát triển sản xuất và tạo thu nhập từ nguồn tài nguyên dược liệu là nhóm hoạt động trọng tâm của CRD trong giai đoạn từ tháng 10/2024 – 3/2025. Để gia tăng giá trị kinh tế từ cây dược liệu, CRD sẽ tiến hành khảo sát thị trường, nghiên cứu quy trình chế biến và thử nghiệm các sản phẩm trà từ cây dược liệu vào tháng 11 và tháng 12 năm nay. Dự án cũng hướng đến việc thành lập một cơ sở sản xuất sản phẩm từ cây dược liệu, ngoài ra, các thành viên cộng đồng sẽ được đào tạo kỹ thuật về sản xuất và chế biến sản phẩm từ cây dược liệu vào tháng 12, đồng thời chuẩn bị hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm theo chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP cho sản phẩm trà từ cây dược liệu để tăng cường kênh tiêu thụ. Dự án cũng sẽ thiết lập các kênh bán hàng trực tiếp và trực tuyến cho các sản phẩm từ cây dược liệu, nhằm tăng khả năng tiếp cận thị trường và tạo nguồn thu nhập bền vững cho người dân địa phương.

Các đại biểu đã thảo luận sâu về vai trò của dự án trong việc hỗ trợ các nhóm đối tượng đặc biệt, như phụ nữ và dân tộc thiểu số, tiếp cận nguồn tài nguyên dược liệu một cách bền vững và mang lại giá trị kinh tế lâu dài. Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, nhấn mạnh rằng dự án không chỉ đóng góp vào việc bảo tồn các loại cây thuốc nam quý hiếm mà còn tạo ra các cơ hội sinh kế mới cho phụ nữ dân tộc thiểu số, qua đó góp phần tăng cường quyền kinh tế và vai trò của họ trong cộng đồng. Bên cạnh đó, dự án còn hỗ trợ định hướng phát triển vùng dược liệu theo đề án chung của huyện A Lưới, tích hợp vào các mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, nhấn mạnh rằng dự án không chỉ đóng góp vào việc bảo tồn các loại cây thuốc nam quý hiếm mà còn tạo ra các cơ hội sinh kế mới cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Đại diện CRD, ông Trương Quang Hoàng, cho biết Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương để đảm bảo mọi hoạt động được triển khai đúng kế hoạch, đạt được mục tiêu đề ra và đặc biệt là nhận được sự tham gia tích cực từ phía cộng đồng. CRD cam kết sẽ đồng hành cùng các cơ quan, đoàn thể và người dân địa phương để vượt qua các khó khăn như tình hình thị trường tiêu thụ, vấn đề mùa vụ trong quá trình ươm trồng và thách thức trong việc quản lý rừng. Sự tham gia nhiệt tình từ các hộ dân, đặc biệt là các nhóm phụ nữ và các thành viên cộng đồng tham gia dự án, đã cho thấy ý chí và quyết tâm của họ trong việc làm chủ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và phát triển nguồn dược liệu quý.

Đại diện CRD, ông Trương Quang Hoàng, cho biết Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương để đảm bảo mọi hoạt động được triển khai đúng kế hoạch, đạt được mục tiêu đề ra.

Hội nghị khép lại với cam kết chung từ các bên về việc đẩy mạnh hợp tác và nâng cao hiệu quả các hoạt động dự án trong giai đoạn tới. Với sự tham gia và đóng góp của các bên, dự án “Thúc đẩy bảo tồn cây thuốc nam bản địa gắn với cải thiện sinh kế của phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng miền núi” sẽ tiếp tục đạt được những thành quả quan trọng, góp phần không nhỏ vào phát triển bền vững ở địa bàn huyện A Lưới và làm tiền đề cho các mô hình bảo tồn và phát triển kinh tế dựa vào tài nguyên thiên nhiên ở các vùng miền núi khác trong tương lai. Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy bảo tồn cây thuốc nam bản địa gắn với cải thiện sinh kế của phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng miền núi,” do Quỹ Quản lý Tài nguyên Môi trường (ERM Foundation) thuộc Tập đoàn ERM Group tài trợ.

Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ: Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung Việt Nam (CRD)

  • Địa chỉ: 102 Phùng Hưng, Thành Phố Huế, Thừa Thiên Huế
  • Điện thoại: (0234) 3529 749
  • Email: Office@crdvietnam.org
  • Website: Crdvietnam.org