Ngày 9/7, tại UBND xã Thượng Nhật (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) dự án Nâng cao năng lực phát triển sinh kế bền vững nhằm giảm phụ thuộc rừng đặc dụng vùng đệm Vườn Quốc Gia Bạch Mã tổ chức họp ký kết hợp đồng vay vốn tín dụng phát triển mô hình sinh kế.
Buổi họp có sự tham gia của: bà Dương Thị Tơ, giám đốc Trung tâm Môi trường và Phát triển Cộng đồng, trưởng ban điều hành dự án; Ông Trần Quốc Phụng, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Đông; lãnh đạo UBND xã Hương Lộc và Thượng Nhật; các chuyên gia của Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung cùng và Ban quản lý quỹ tín dụng 2 xã Hương Lộc và Thượng Nhật.
Tại cuộc họp, đại diện nhóm chuyên gia trình bày các mô hình sản xuất mà người dân hai xã đã lựa chọn để đầu tư bằng nguồn vốn vay tín dụng từ dự án này bao gồm: mô hình nuôi bò, mô hình nuôi lợn, mô hình nuôi gà, mô hình trồng hoa, mô hình trồng gấc và mô hình trồng mía.
Đại diện Ban quản lý quỹ tín dụng của mỗi xã đã trình bày tiến trình và kết quả chọn hộ vay vốn của dự án trong đợt đầu tiên, cụ thể là: tại xã Thượng Nhật đã chọn thôn 3 làm mô hình thí điểm với 14 hộ vay chăn nuôi lợn, 2 hộ chăn nuôi bò, 1 hộ chăn nuôi gà với mức vay 10 triệu đồng/hộ; tại xã Hương Lộc đã chọn thôn 1 và thôn 3 làm thí điểm với 9 hộ chăn nuôi lợn 2 hộ chăn nuôi gà, 4 hộ trồng mía và 2 hộ trồng Gấc.
Các đại biểu tham dự cuộc họp cũng đã thảo luận sôi nổi và đi đến một số thống nhất quan trọng đối với hoạt động vay vốn tín dụng của dự án. Đó là, dự án sẽ chuyển tiền cho Ban quản lý tín dụng của xã thành 2 đợt: mỗi đợt là 80 – 90 triệu đồng /xã. Thời hạn vay vốn lần đầu là 18 tháng, sau 18 tháng các hộ vay lần đầu tiên phải trả hết vốn vay lại cho dự án; tiền vốn và lãi thu hồi hàng tháng, hàng quý theo qui chế tín dụng nên cho các hộ khác vay nếu như họ có nhu cầu và chấp nhận thời hạn vay ngắn hơn.
Phát biểu tại cuộc họp, Ông Trần Quốc Phụng, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Đông khẳng định: Nguồn vốn tín dụng của dự án sẽ giúp cho người dân phát triển sản xuất và tạo thu nhập. Đồng thời nhấn mạnh cần phải chọn đúng đối tượng vay, Ban quản lý tín dụng xã phải thường xuyên giám sát việc sử dụng vốn của người dân và lãnh đạo xã phải chỉ đạo sát sao thì hoạt động này mới có thể thành công được.
Trong cuộc họp này, Hợp đồng vay vốn tín dụng phát triển sinh kế đã được ký kết giữa Ban điều hành dự án và Ban quản lý tín dụng của hai xã. Hợp đồng này là cơ sở để dự án chuyển tiền cho Ban quản lý tín dụng xã ngay sau đó.
Sau cuộc họp này, dự kiến nguồn vốn vay của dự án này sẽ đến tay 17 hộ dân đăng ký vay lần đầu tiên của 2 xã với mức vay từ không quá 10 triệu đồng/ 1 hộ. Thời điểm giải ngân lần đầu là trước ngày 5 tháng 8 năm 2016.