Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

A Lưới, Thừa Thiên Huế – Cuối tháng 10 năm 2024: Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung Việt Nam (CRD), đại học Nông Lâm, đại học Huế, đã tổ chức hội nghị báo cáo chi tiết tiến độ và thành tựu của dự án “Thúc đẩy bảo tồn cây thuốc nam bản địa gắn với cải thiện sinh kế của phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng miền núi” trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2024. Dự án được tài trợ bởi Quỹ Quản lý Tài nguyên Môi trường ERM Foundation thuộc Tập đoàn ERM Group, hướng đến bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên dược liệu bản địa, đồng thời tạo ra cơ hội sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương, đặc biệt là các nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số. Buổi hội nghị này là dịp để CRD trình bày các kết quả đạt được, những khó khăn trong quá trình triển khai và triển vọng phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Hội nghị đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình điều hành và giám sát dự án. Tham dự cuộc họp có Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, ông Hồ Văn Ngưm; Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung Việt Nam (CRD), ông Trương Quang Hoàng; Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện A Lưới, ông Nguyễn Đức Phú; chuyên viên Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện A Lưới, bà Nguyễn Thị Thanh; cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới, ông Nguyễn Đăng Huy Cường; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện A Lưới, bà Lê Thị Quỳnh Tường và đại diện từ các xã thuộc khu vực dự án. Các thành viên đã thảo luận và đánh giá toàn diện các hoạt động của dự án trong giai đoạn vừa qua, đồng thời chia sẻ các phương pháp quản lý, vận hành và giải quyết những khó khăn thực tiễn. Sự tham gia tích cực của các thành phần đa dạng trong cuộc họp không chỉ khẳng định tinh thần hợp tác mà còn giúp kết nối thông tin và nguồn lực, đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của dự án trong các giai đoạn tiếp theo.

Các đại biểu tham gia hội nghị

Dự án đã ghi nhận những kết quả tích cực trong nỗ lực nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là trong khai thác và bảo tồn cây dược liệu bản địa. Khoảng 1.270 người, trong đó phần lớn là phụ nữ, đã được tiếp cận với thông tin về quản lý tài nguyên, bảo vệ cây dược liệu và vai trò của họ trong các hoạt động bảo tồn. Cộng đồng đã có hiểu biết sâu hơn về tính đa dạng sinh học, kỹ năng nhận diện cây dược liệu quý và cách truyền tải thông điệp bảo tồn, qua đó củng cố được ý thức bảo vệ các loài cây dược liệu có giá trị. Đáng chú ý, 160 thành viên của cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ được nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học, cách nhận biết cây dược liệu và cách truyền tải thông điệp về bảo tồn đa dạng sinh học, 408 lượt người, trong đó hơn 85% là phụ nữ, được nâng cao kiến thức về thông tin dự án và bảo tồn đa dạng sinh học. Ngoài ra, cộng đồng cũng nhận thức được vai trò, quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia các hoạt động của dự án, không chỉ nâng cao nhận thức mà còn giúp họ tự tin hơn khi đóng vai trò tiên phong trong bảo vệ và phát triển tài nguyên thiên nhiên tại địa phương.

Để quản lý và khai thác bền vững nguồn dược liệu dưới tán rừng, dự án đã thành lập ba nhóm vườn ươm và xây dựng ba khu vườn ươm đạt chuẩn, có công suất tối đa 40.000 cây giống mỗi vụ sản xuất. Các giống cây dược liệu đặc thù như thiên niên kiện, sâm xuyên đá, rau hùm, thiên lý hương và sói rừng đã được gieo ươm tại vườn với tổng số khoảng 6.000 cây, cung cấp nguồn giống phục vụ nhu cầu bảo tồn và phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời, 15 cộng đồng đã được tập huấn nâng cao năng lực nhận diện và bảo tồn cây dược liệu, đồng thời xác định và khoanh vùng các khu vực cây dược liệu quý dưới tán rừng tự nhiên, nhờ đó giúp cộng đồng duy trì tài nguyên này một cách bền vững.

Điều phối viên dự án báo cáo hoạt động của dự án trong sáu tháng vừa qua

Các kết quả đáng chú ý khác như CRD đã tổ chức thành công cuộc họp khởi động dự án (27/4/2024) với sự tham gia đại diện UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền và đại diện từ các xã trong khu vực dự án. Trong buổi họp, CRD đã chia sẻ mục tiêu và kế hoạch triển khai dự án, nhấn mạnh vai trò của từng bên tham gia, đồng thời đề xuất các hoạt động sẽ được thực hiện tại huyện A Lưới. Các chuyên gia tham dự cũng nêu bật tiềm năng và các thách thức trong phát triển cây dược liệu của khu vực. Buổi họp là dịp để các bên có thể hợp tác chặt chẽ, chia sẻ thông tin và cùng nhau đưa ra các chiến lược triển khai cụ thể nhằm tối đa hóa hiệu quả của dự án.

Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, ông Hồ Văn Ngưm phát biểu tại hội nghị

Bên cạnh các kết quả tích cực, dự án vẫn còn gặp không ít thách thức. Các đại biểu nhấn mạnh khó khăn về đầu ra cho sản phẩm dược liệu tại địa phương, ảnh hưởng từ thời tiết đối với cây giống, và nhu cầu cải thiện các phương pháp quản lý bền vững trong sản xuất dược liệu. Các thành viên cũng thảo luận phương án cải tiến về chế biến sản phẩm thành phẩm và cân nhắc việc xây dựng thêm phương pháp hỗ trợ thu nhập cho các hộ dân tham gia vườn ươm cũng như xác định đầu ra bền vững cho sản phẩm sau hai năm triển khai và kết thúc dự án.

Điểm sáng của dự án là nằm trong định hướng phát triển cây dược liệu của huyện A Lưới theo đề án phát triển vùng dược liệu quý và chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021–2030. Bên cạnh đó, sự tham gia và chỉ đạo của chính quyền địa phương, UBND huyện và các phòng ban liên quan đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của dự án được triển khai đồng bộ. Sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng địa phương, đặc biệt là phụ nữ, góp phần gia tăng sự thành công trong các hoạt động truyền thông và xây dựng vườn ươm. CRD với bề dày kinh nghiệm và phương pháp làm việc phù hợp đã giúp dự án đạt được những thành công bước đầu, khẳng định vai trò quan trọng của tổ chức trong việc bảo tồn cây thuốc nam và cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân tộc thiểu số.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy bảo tồn cây thuốc nam bản địa gắn với cải thiện sinh kế của phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng miền núi,” do Quỹ Quản lý Tài nguyên Môi trường (ERM Foundation) thuộc Tập đoàn ERM Group tài trợ. Kết quả sáu tháng vừa qua của dự án không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng tại huyện A Lưới mà còn tạo tiền đề cho các chiến lược phát triển bền vững lâu dài, giúp CRD tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong phát triển nông thôn và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ: Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung Việt Nam (CRD)

  • Địa chỉ: 102 Phùng Hưng, Thành Phố Huế, Thừa Thiên Huế
  • Điện thoại: (0234) 3529 749
  • Email: Office@crdvietnam.org
  • Website: Crdvietnam.org