“Áp dụng quy trình lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KTXH) có sự tham gia cấp xã/thôn sẽ giúp huyện có bản kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm toàn diện; đảm bảo hiệu quả trong sử dụng nguồn kinh phí đầu tư; đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân”, ông Phan Công Thành, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Nam Đông chia sẻ về quy trình lập kế hoạch phát triển KT-XH có sự tham gia cấp xã/thôn đã được thể chế hóa.
Bất cập trong quy trình lập kế hoạch cũ
Thượng Lộ là xã miền núi, nơi có 95 % dân số là đồng bào thiểu số. Những năm gần đây nhờ hưởng lợi từ các chính sách ưu tiên đời sống người dân dần thoát nghèo. Tuy nhiên, trước đó, theo ông Hồ Văn Đức, trưởng thôn La Hố chia sẻ: người dân còn xem nhẹ công tác lập kế hoạch phát triển KT-XH, không được tham gia lập kế hoạch dẫn đến ít quan tâm.
Ông Hồ Văn Đức, trưởng thôn La Hố
Một góc xã miền núi Thượng Lộ
Qua nghiên cứu, các tư vấn nhận thấy: lập kế hoạch là công cụ quan trọng để tăng cường sự tham gia của người dân trong xây dựng Nông Thôn Mới. Song hầu hết với các địa phương của tỉnh Thừa Thiên Huế, việc lập kế hoạch phát triển KT-XH thường từ trên xuống, theo trình tự cán bộ chuyên trách xã đi họp thôn để thu thập thông tin lập kế hoạch vào cuối năm, sau đó mời các trưởng thôn tham gia cuộc họp để thông qua kế hoạch. Vì vậy, kế hoạch lập ra chưa phản ánh đúng nhu cầu thực sự và huy động đóng góp của người dân, thiếu sự lồng ghép Chương trình XDNTM, chưa chú trọng đến định hướng thị trường.
Kế hoạch khả thi hơn
Năm 2014, dự án Nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng Nông Thôn Mới tỉnh Thừa Thiên Huế do Arish Aid tài trợ và Trung Tâm Phát triển Nông Thôn miền Trung (CRD) thực hiện đã tiến hành đổi mới các bước trong công tác lập kế hoạch phát triển KT-XH cấp xã, thôn theo hướng tăng cường sự tham gia của người dân.
Người dân thôn La Hố tham gia lập kế hoạch phát triển sản xuất và thực hiện mô hình trồng chuối
Dự án cùng với Sở KH&ĐT cũng như Ban quản lý dự án VIE/033 thực hiện một số hoạt động để đổi mới quy trình. Đó là các hoạt động: Hội thảo điều chỉnh quy trình Kế hoạch hóa để lồng ghép chương trình XDNTM; Hội thảo giới thiệu quy trình lập kế hoạch có sự tham gia và đánh giá áp dụng quy trình, hoàn thiện; Thể chế hóa quy trình lập kế hoạch cấp xã, thôn; Thí điểm quy trình đã được thể chế và hội thảo tập huấn giới thiệu quy trình lập kế hoạch xã thôn được thể chế hóa.
Thượng Lộ là một trong 04 xã đầu tiên của tỉnh được chọn để triển khai thí điểm quy trình lập kế hoạch phát triể KT-XH có sự tham gia cấp thôn/xã năm 2017. Qua đánh giá, quy trình mới giúp chính quyền cấp xã, các cán bộ ở thôn huy động sự tham gia của người dân lập kế hoạch có chất lượng, tiết kiệm thời gian bằng phương pháp thu thập, tính toán có chỉ tiêu chặt chẽ, kỹ lưỡng.
Anh Vương Văn Viên, cán bộ văn phòng xã cho biết: Quy trình mới bổ sung bước 2 là lập kế hoạch phát triển KT-XH thôn, ban ngành đoàn thể. Ngoài ra, quy trình mới còn tính đến yếu tố lồng ghép vấn đề nóng như biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và bảo vệ môi trường cũng như lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào trong bước lập, thực hiện và giám sát kế hoạch… xã cơ bản khắc phục hạn chế trong lập kế hoạch bởi nâng cao sự tham gia, đồng bộ với định hướng phát triển của tuyến trên, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng.
Nói thêm về thành công trong áp dụng theo quy trình mới, anh Viên phấn khởi: Ví dụ năm 2017, các thôn/ tổ có nhu cầu được đầu tư xây dựng 3 tuyến đường và đề xuất cho xã. Nếu được đầu tư, việc giải phóng mặt bằng sẽ được người dân hưởng ứng tích cực nhờ xuất phát từ nhu cầu cấp thiết của chính họ.
Cần sự quan tâm của các cấp chính quyền
Sau một năm áp dụng, Quy trình mới cũng vấp phải không ít khó khăn. Anh Viên tâm tình, bày tỏ: “Bản kế hoạch sau khi được HĐND xã thông qua sẽ được chuyển cho huyện tổng hợp và xem xét bố trí kinh phí; nhưng, do nguồn tài chính hạn chế, huyện không bố trí đủ kinh phí để thực hiện hết các hoạt động trong đề xuất.” Điều này khiến người dân sau khi lập kế hoạch cảm thấy hụt hững vì nhu cầu của mình không được đáp ứng đầy đủ và thường chất vấn cán bộ xã trong các cuộc họp thôn. Sự giám sát của người dân là đáng mừng nhưng đồng thời cũng khiến xã chịu nhiều áp lực.
Quy trình lập kế hoạch phát triển KT-XH cấp thôn/xã như “kim chỉ nam” dẫn đường cho sức mạnh tổng hợp của chính quyền và người dân, làm giảm sự chồng chéo, lãng phí ngân sách. Qua đó, xây dựng NTM bền vững do người dân làm chủ khi có mục tiêu và phương hướng hành động rõ ràng. Muốn làm được như vậy, quy trình lập kế hoạch mới cần nhận được sự quan tâm kịp thời của các cấp chính quyền. Huyện, tỉnh cần cung cấp đầy đủ các thông tin về nguồn lực cũng như chủ trương, định hướng phát triển cho xã, thôn trước khi điạ phương tổ chức lập kế hoạch.