Bản tin số 5/2017 của dự án Nâng cao năng lực phát triển sinh kế cho người dân sống phụ thuộc vào rừng đặc dụng vùng đệm Vườn Quốc Gia Bạch Mã đã trở lại ! Bản tin do Trung tâm Môi Trường và Phát triển Cộng Đồng thực hiện, Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD) tư vấn với sự tài trợ của Quỹ vốn nhỏ Môi Trường Toàn Cầu.
4/6 mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng
Có 4 trong số 6 mô hình trồng trọt và chăn nuôi đã thực hiện tại xã Hương Lộc và xã Thượng Nhật sẽ tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới.
Thông tin từ Ban quản lý dự án cho biết: 4 mô hình được lựa chọn để nhân rộng là mô hình trồng hoa, mô hình trồng mía đường, mô hình chăn nuôi gà có quản lý dịch bệnh và mô hình nuôi bò bán thâm canh (nhốt chuồng).
Theo đó, mô hình chăn nuôi heo bán công nghiệp và mô hình trồng gấc sẽ tạm thời không tiếp tục nhân rộng vì giá cả thị trường thời gian gần đây liên tục biến động, bấp bênh.
Ông Ngô Văn Chung, cán bộ tư vấn của CRD đánh giá về 04 mô hình được lựa chọn nhân rộng dựa trên các yếu tố là mô hình có tính phù hợp với điều kiện của địa phương, điều kiện sản xuất của hộ gia đình và hiệu quả kinh tế của mô hình qua gần 1 năm thực hiện.
Trong đó, hiệu quả kinh tế là yếu tố quan trọng quyết định đến lựa chọn mà các chuyên gia tư vấn cho người dân. Qua 2 đợt vay, mô hình chăn nuôi gà có 3 hộ tham gia với quy mô 200 con bán được 28 triệu đồng. Mô hình trồng mía 05 sào có 4 hộ tham gia: bán được 35 triệu đồng, mô hình trồng hoa đạt 15 triệu đồng…. Mô hình chăn nuôi bò cũng đạt lợi nhuận từ 12 – 15 triệu đồng. Lãi thu về từ các mô hình này cao gấp 4 – 5 lần trồng lúa và sắn.
Hỗ trợ phát triển các mô hình sinh kế/sản xuất thông qua cho vay thay vì cấp vốn đã làm tăng tính sở hữu và trách nhiệm của người dân đối với hoạt động sản xuất. Người dân đã thận trọng trong việc lựa chọn mô hình phù hợp để phát triển bền vững. Qua thời gian, vốn phát triển sinh kế dần trở thành “bà đỡ” giúp người dân từng bước tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập, giảm phụ thuộc vào rừng và vươn lên ổn định cuộc sống.