Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Chào mừng kỷ niệm 55 năm thành lập Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế

(1967-2022)

Giới thiệu:

Trung tâm PTNT miền Trung của Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế được thành lập theo quyết định số 73 QĐ-TC ngày 7/11/1995 của Giám đốc Đại học Huế. Trung tâm có nhiệm vụ là nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ và vận động chính sách để nâng cao năng lực cho người dân, tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng và cán bộ địa phương về nông nghiệp và nông thôn nhằm cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường sinh thái, đẩy mạnh dân chủ và công bằng xã hội. Hoạt động của Trung tâm tập trung vào 03 lĩnh vực chính: (1) Phát triển nông nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị; (2) Quản lý rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH); (3) Quản trị tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học. Trong mỗi lĩnh vực hoạt động, Trung tâm đã thực hiện lồng ghép các vấn đề quan tâm gồm: Quản trị tốt; bảo vệ trẻ em; bình đẳng giới và văn hóa truyền thống.

Từ khi thành lập đến nay, thành tựu của Trung tâm trong các 03 lĩnh vực trên đã góp tích cực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và phát triển kinh tế – xã hội nói chung. Bài viết này trình bày tóm tắt các thành tựu nổi bật của Trung tâm trong hơn 25 năm qua.

Huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn:

Trung tâm đã huy động được gần 15 triệu USD từ 70 tổ chức trong và ngoài nước, trong đó có 63 tổ chức Quốc tế và 7 cơ quan, đơn vị  trong nước. Với nguồn tài chính được huy động, Trung tâm đã xây dựng và thực hiện 194 dự án khác nhau tại 13 tỉnh và 01 thành phố Trung Ương: Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Kon Tum, Phú Yên và thành phố Đà Nẵng.

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị:

Từ năm 2010, Trung tâm đã tập trung nhiều hơn vào phát triển các mô hình sản xuấttheo chuỗi giá trị sản phẩm Thay vì tập trung vào việc nâng cao năng suất và sản lượng sản xuất, Trung tâm đã thực hiện các chương trình để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và thúc đẩy kết nối thị trường. Theo đó, tiến hành đánh giá tiềm năng của địa phương nhằm xác định những sản phẩm có thế mạnh, đồng thời đánh giá nhu cầu của thị trường; thành lập các nhóm nông dân liên kết để sản xuất hàng hóa; xây dựng nhãn hiệu sản phẩm; làm cầu nối và kết nối với các doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản.

Ảnh 1. Hội nghị giới thiệu, quảng bá sản phẩm thịt heo đen gác bếp Nam Giang tại TP. Tam Kỳ, Quảng Nam

Đến nay, Trung tâm đã hỗ trợ xây dựng được 45 mô hình trong đó có 31 mô hình trồng trọt, 12 mô hình chăn nuôi và 02 mô hình nuôi trồng thuỷ sản. Sản phẩm từ các mô hình này đã được hỗ trợ để gia tăng giá trị thông qua cải tiến về chất lượng, hình mức và mẫu mã sản phẩm. Đồng thời, Trung tâm đã hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý và xây dựng bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm cũng như nâng cao năng lực về tiếp cận thị trường cho chủ thể của các mô hình trên. Thông qua đó, các sản phẩm đã được kết nối thị trường thông qua các tác nhân trong chuỗi cung ứng và tạo dựng được lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Để làm cơ sở cho việc nhân rộng các mô hình nêu trên, Trung tâm đã tổ chức 618 hội nghị đầu bờ cho 18.611 lượt nông dân tham dự để tự đánh giá về kết quả sản xuất và chia sẻ kinh nghiệm trong việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới cho những nông dân khác theo phương thức “nông dân tự chuyển giao cho nông dân”. Thông qua đó, nhiều mô hình và quy mô sản xuất đã được nhân rộng trong cộng đồng làm cơ sở cho việc tăng khối lượng sản phẩm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.

Một số mô hình điển hình như mô hình trồng chuối Già lùn tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trung tâm đã kết nối và đưa sản phẩm chuối Già lùn A Lưới vào tiêu thụ ở 20 siêu thị Big C tại khu vực miền Trung và miền Nam. Nhờ các can thiệp nói trên, sản phẩm chuối Già lùn A Lưới đã được chứng nhận 4 sao theo tiêu chuẩn của chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Thừa Thiên Huế; Mô hình chăn nuôi heo đen bản địa cho 600 hộ dân tộc thiểu số tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, Trung tâm đã xây dựng năng lực cho các hộ chăn nuôi, áp dụng những cải tiến kỹ thuật về chăn nuôi heo hướng tự nhiên và an toàn sinh học, đa dạng sản phẩm chế biến từ thịt heo đen và chuẩn hoá chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm từ thịt heo đen như thịt heo tươi hút chân không, thịt heo đen gác bếp, thịt heo đen xông khói đã kết nối được với các đại lý thực phẩm tại thành phố Tam Kỳ và thành phố Đà nẵng.

Song song với việc xây dựng các mô hình, Trung tâm cũng đã tiến hành khoảng 1.363 lớp tập huấn cho khoảng hơn 38.090 lượt nông dân tham gia. Chủ đề của các khoá tập huấn bao gồm kỹ thuật sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp, phân tích chuỗi giá trị, nghiên cứu tiếp cận thị trường, marketing nông sản và lập kế hoạch sản xuất kinh doanh. Với phương pháp tập huấn thích hợp, chủ yếu theo cách “Cầm tay chỉ việc” và kết hợp với tư vấn giúp đỡ sau tập huấn nên hoạt động này đã đạt kết quả tốt. Năng lực sản xuất của người dân đã được nâng lên và hơn 80% thành viên tham gia tập huấn đã áp dụng các kiến thức có được vào cải thiện hệ thống sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thông qua đó, năng suất cây trồng vật nuôi được tăng lên, dịch bệnh được hạn chế, các sản phẩm được tiêu thụ tốt hơn và góp phần nâng cao thu nhập của các hộ.

Những kết quả này đã nâng cao được giá trị của các sản phẩm nông, lâm nghiệp, qua đó tạo việc làm, đa dạng hóa hoạt động sinh kế, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi, vùng sâu vùng xa.

Tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và quản lý rủi ro thiên tai (RRTT):

Ảnh 2. Mô hình trồng lúa ứng phó và giảm nhẹ Biến đổi khí hậu tại huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi

Trung tâm đã thực hiện nhiều loại hình hoạt động khác nhau bao gồm: hoạt động nghiên cứu, đánh giá về hiện trạng và tác động của BĐKH; xây dựng năng lực và nhận thức cho người dân, cộng đồng về BĐKH và quản lý rủi ro thiên tai; xây dựng các cơ sở hạ tầng như hệ thống cảnh báo lũ lụt, chuồng trại tránh lũ, bê tông hóa kênh mương; hỗ trợ lập kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội lồng ghép BĐKH; phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp giảm thiểu và thích ứng với BĐKH mà ở đó người dân được chuyển giao các kỹ thuật như sản xuất nông nghiệp giảm phát thải, quản lý dịch hại tổng hợp, các biện pháp canh tác trong điều kiện hạn hán và ngập úng.

Trung tâm đã tiến hành 12 mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH trong đó, 09 mô hình trồng trọt và 03 mô hình chăn nuôi. Các mô hình trồng trọt thích ứng với biến khối khí hậu điển hình như như trồng lúa thích ứng với BĐKH cho đồng bào H’re tại Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi; Trồng nén trên đất cát nội đồng theo hướng VIETGAP, thích ứng với BĐKH tại Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị; Trồng ớt thích ứng với BĐKH và chế biến tương ớt tại huyện Triệu Phong và Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị; trồng sen trên đất lúa kém hiệu quả tại huyện Tây Hoà, tỉnh Phú Yên. Các mô hình chăn nuôi thích ứng với BĐKH đã được thực hiện bao gồm chăn nuôi lợn hướng nạc và thích ứng với BĐKH tại 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, mô hình nuôi gà thả vườn giống địa phương thích ứng với BĐKH tại Quảng Trị và Quảng Nam; Mô hình chuồng chăn nuôi: lợn và trâu, bò ứng phó với BĐKH tại Quảng Ngãi.

Trong công tác đào tạo để nâng cao năng lực, nhận thức cho người dân và cán bộ địa phương trong việc thực hiện lồng ghép quản lý rủi ro thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, Trung tâm đã tổ chức được khoảng 173 lớp tập huấn cho khoảng 5.220 học viên để nâng cao nhận thức, năng lực cho người dân và cán bộ địa phương nhằm thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ RRTT trong phát triển sản xuất và đời sống. Đặc biệt, với sự tài trợ của UNDP, Trung tâm đã tổ chức một chương trình tập huấn lớn cho khoảng 2.490 lượt người (50% là cán bộ địa phương các cấp) ở 83 xã của 4 tỉnh (Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam). Sau tập huấn, tất cả các xã này đã được tư vấn, hỗ trợ để xây dựng kế hoạch ứng phó với BĐKH và RRTT. Các kế hoạch này đã được Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT tích hợp vào Bộ dữ liệu Quốc gia.

Các hoạt động của Trung tâm đã giúp cho người dân và các địa phương ở miền Trung, nơi đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của BĐKH từng bước ứng phó tốt với BĐKH, giảm thiểu được tác động của BĐKH đến sản xuất và đời sống, góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về BĐKH.

Nâng cao hiệu quả quản trị tài nguyên, và bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường:

Trung tâm đã vận động chính sách và hỗ trợ thực hiện giao cho cộng đồng dân tộc thiểu số hàng trăm ha rừng và đất rừng sử dụng kém hiệu quả có nguồn gốc từ các nông lâm trường. Xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng quy trình giao đất, giao rừng có sự tham gia tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum. Quy trình này đã thúc đẩy được sự tham gia tích cực của người dân trong tiến trình giao rừng và đã giao được hàng ngàn ha rừng và đất rừng cho hộ gia đình và cộng đồng, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã thực hiện các nghiên cứu về quản lý tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp. Các kết quả nghiên cứu đó đã tham gia đóng góp ý kiến trong việc điều chỉnh, sửa đổi các chính sách, văn bản pháp luật liên quan đến quản lý tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp. Các kết quả nổi bật đã đạt được là: Nghiên cứu và vận động chính sách về “Tiến trình giao đất giao rừng có sự tham gia” thực hiện ở Nam Đông, Thừa Thiên Huế đã được các địa phương, nhất là Cục Kiểm lâm đánh giá cao và được nhân rộng ở một số tỉnh trong khu vực; Nghiên cứu về “Đất đai nông lâm trường” đã cung cấp thông tin đầu vào quan trọng để đánh giá việc thực hiện Nghị định 200/2004 của Chính Phủ và là cơ sở để Bộ Chính trị sửa đổi Nghị quyết 28/2007 thành Nghị quyết 30/2015 về lĩnh vực này; Một số kết quả nghiên cứu về những bất cập trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 đã được Tổng cục Lâm nghiệp tiếp thu trong quá trình sửa đổi Luật này thành Luật Lâm nghiệp và đã được Quốc Hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 4 (15/11/2017).

Trung tâm cũng đã hỗ trợ để xây dựng và nhân rộng các mô hình “Quản lý rừng tự nhiên dựa vào cộng đồng” với các hoạt động chủ yếu là: Làm giàu rừng tự nhiên và phát triển các hoạt động sinh kế thay thế để giảm bớt tình trạng khai thác lâm sản quá mức nhằm bảo vệ môi trường; Kết nối các nhóm cộng đồng, chính quyền cấp xã với kiểm lâm cấp huyện để cùng thực hiện cơ chế phối hợp trong quản lý và bảo vệ rừng. Mô hình đã làm thay đổi cơ bản nhận thức và năng lực của người dân. Từ chỗ chỉ biết khai thác tài nguyên và sống phụ thuộc vào rừng, hiện nay người dân đã chủ động lập kế hoạch, đóng góp các nguồn lực và tự tổ chức thực hiện các hoạt động làm giàu cũng như tuần tra, bảo vệ rừng tại địa phương. Các hoạt động nàyđã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo công bằng, tăng cường công khai, dân chủ và minh bạch trong lĩnh vực quản lý tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp. Lĩnh vực này không chỉ góp phần cho việc phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường mà còn cải thiện đáng kể thu nhập cho người dân sống gần rừng.

Ảnh 3. Mô hình trồng lúa Ra Dư cho cộng đồng dân tộc thiểu số ở khu bảo tồn Sao La, tỉnh Thừa Thiên Huế

Trung tâm đã tham gia vào các mạng lưới như Mạng lưới REDD+ Quốc gia, mạng lưới VNGO-FLEGT, Nhóm nòng cốt đa bên về VPA FLEGT. Trung tâm đã có nhiều đóng góp tích cực về mặt kỹ thuật và các góp ý chính sách trong lĩnh vực lâm nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị rừng và thúc đẩy quản lý rừng bền vững. Tổng cục Lâm nghiệp cũng đã tiếp nhận và tham khảo các kết quả nghiên cứu của Trung tâm trong việc xây dựng hồ sơ Hiệp định đối tác tự nguyện VPA-FLEGT giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu. Các nghiên cứu của Trung tâm cũng đã đưa ra những khuyến nghị có giá trị cho cấp tỉnh và quốc gia, nhất là trong việc lồng ghép giới vào chính sách bảo vệ rừng và lâm nghiệp cộng đồng trong bối cảnh REDD+ và PFES.

Ngoài ra, Trung tâm còn hỗ trợ xây dựng hàng trăm hệ thống Bioga trong chăn nuôi, không những mang lại lợi ích về kinh tế mà còn đóng góp tích cực vào bảo vệ môi trường. Trung tâm còn hỗ trợ cộng đồng thực hiện các sáng kiến về quản lý rác thải nông thôn: phát triển các tổ, nhóm cộng đồng quản lý rác thải, cung cấp các phương tiện như thùng chứa rác tại cộng đồng. Các hoạt động này đã giúp nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh môi trường và góp phần giúp các địa phương hoàn thành được tiêu chí vệ sinh môi trường (tiêu chí 19) trong XDNTM.

Thúc đẩy bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới:

Các hoạt động của Trung tâm luôn hướng đến những nhóm yếu thế, phụ nữ và trẻ em. Từ năm 2016, Trung tâm đã triển khai chương trình “Thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội trong quản trị quyền trẻ em” tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Nhiều hoạt động đã được thực hiện như: tập huấn, truyền thông, thành lập các câu lạc bộ trẻ em, cha mẹ; tổ chức các cuộc tham vấn, đối thoại giữa trẻ em và các cơ quan quản lý nhà nước, … Chương trình này đã tiếp cận đến hàng ngàn trẻ em, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo và các bên liên quan khác và đã tạo được những thay đổi lớn.

Ảnh 4. Tổ chức truyền thông về Quyền trẻ em tại thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế

Trung tâm đã tổ chức 29 lớp cho khoảng 870 lượt giáo viên, phụ huynh và cán bộ ở các phòng, ban liên quan đến trẻ em nhằm đổi mới phương pháp chăm sóc và giáo dục trẻ em; đồng thời, lồng ghép nguyện vọng của trẻ em trong quá trình lập kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Đối với nội dung liên quan đến nâng cao năng lực về bình đẳng, Trung tâm đã tổ chức 02 lớp khoảng 50 lượt giáo viên, cộng đồng đồng tính, song tính và chuyển đổi giới tính tại Huế và những người ủng hộ. Đây là những kiến thức quan trọng giúp cho cộng đồng nâng cao năng lực và tham gia tích cực vào việc phòng chống phân biệt đối xử và bạo lực đối với trẻ em và thanh thiếu niên đồng tính, song tính và chuyển đối giới tính trong trường và tại cộng đồng. Thông qua các hoạt động nâng cao năng lực nêu trên, trẻ em hiểu biết được quyền của mình và có cơ hội tham gia vào các hoạt động có liên quan đến trẻ em. Bố mẹ và thầy cô giáo hiểu được các quy định pháp luật cũng như công ước quốc tế về quyền trẻ em, tiếp cận và áp dụng các phương pháp kỷ luật tích cực trong nhà trường và gia đình. Cơ quan quản lý nhà nước đã lắng nghe các ý kiến, nguyện vọng của các em và đã có những hành động để thúc đẩy thực hành quyền trẻ em ở các địa phương.

Bình đẳng giới, mối quan tâm lớn của xã hội luôn được lồng ghép trong các hoạt động của Trung tâm trong tất cả các lĩnh vực. Các hoạt động nhằm thúc đẩy bình đẳng giới đã được Trung tâm thực hiện chủ yếu là: tập huấn và truyền thông nhằm nâng cao kiến thức và nhận thức về giới và bình đẳng giới, thúc đẩy và tạo điều kiện cho phụ nữ được tham gia vào các hoạt động phát triển tại địa phương và hưởng lợi bình đẳng từ các hoạt động này, thúc đẩy quyền tiếp cận tài nguyên của phụ nữ, tạo việc làm cho phụ nữ để nâng cao thu nhập. Các hoạt động này đã từng bước thay đổi định kiến xã hội đối với phụ nữ, nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ trong gia đình và cộng đồng, quan trọng hơn nữa là tạo thu nhập và nâng cao đời sống tinh thần của phụ nữ.

Tóm lại: Có thể nói rằng, trong 25 năm qua Trung tâm phát triển nông thôn miền Trung đã có những đóng góp rất tích cực cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, xoá đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh miền Trung. Những đóng góp này được chính quyền và người dân ghi nhận và đánh giá rất cao. Với những đóng góp này, Trung tâm đã đón nhận các phần thưởng cao quý từ các cơ quan Trung ương đến địa phương: 01 Huy chương lao động hạng ba, 01 Bằng Khen của thủ tướng chính phủ, 01 Cờ thi đua xuất sắc của Bộ GDĐT, 03 Bằng khen của Bộ GDĐT, 01 Bằng khen của LĐLĐVN và 06 Bằng khen của các tỉnh. Thành tựu đạt được trong hơn 25 năm qua sẽ là động lực to lớn để Trung tâm tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ của mình và đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển kinh tế xã hội ở các tỉnh miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.

TS. Trương Quang Hoàng & TS. Hồ Lê Phi Khanh

Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung,

Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế