Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Nỗi ám ảnh ấu thơ

Từ nhiều thế kỷ trước, nhắc tới người dân miền núi Ẩn sông Trà tỉnh Quảng Ngãi là người ta nghĩ về sự nhẫn nại, đức cần cù, và sáng tạo không ngừng. Dải đất thiên nhiên khắc nghiệt như “tôi” “rèn” cho bàn tay và khối óc của con người ý chí vượt qua nghịch cảnh, cải biến quê hương thành một vùng đất bình yên. Trong thời “Biến đổi khí hậu”, mặc cho giông bão, lũ lụt, hạn hán khốc liệt diễn ra khắp nơi, thì người dân Quảng Ngãi hơn ai hết vẫn giữ được đức tính nhẫn nại, cần cù vốn có để từ từ tháo gỡ khó khăn.

Sinh ra trên một quê hương như vậy, ông Phạm Văn Ôn, Phó Chủ tịch HĐND xã Ba Dinh (Ba Tơ, Quảng Ngãi) chứng kiến biết bao chuyện đau lòng do biến đổi khí hậu gây ra. Ông đã từng chua xót khi thấy bố mẹ, hàng xóm, người thân của mình khóc cho những ruộng lúa lép hạt mùa gặt, những dòng sông chỉ còn lại cát bay suốt mấy tháng hè…. Hồi ấy, ông chưa nhận thức được những tác động xấu của hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu. Ông Ôn chỉ biết tâm trí đã luôn bị ám ảnh bởi một tuổi thơ mùa no mùa đói cũng bởi tại…trời.

 

DSC_0229

Ông Ôn bị ám ảnh bởi một tuổi thơ mùa no mùa đói cũng bởi tại… trời

 

Năm 2012, lần đầu tiên “Dự án nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) lấy trẻ em làm trọng tâm” do tổ chức Plan Việt Nam hỗ trợ được đưa về cho 4 xã huyện Ba Tơ. Cũng như nhiều con dân của xã Ba Dinh, ông Ôn vui mừng  khi xã nằm trong danh sách được hưởng lợi cùng với các xã Ba Bích, Ba Tô và Ba Xa.

 

DSC_0357

Phấn khởi vì Ba Dinh  nằm trong vùng dự án

Plan nhóm lửa hi vọng và lòng… nhiệt huyết

Ngay sau đó, huyện Ba Tơ triển khai đánh giá, tập huấn, dân vận về mô hình xây chuồng heo, chuồng trâu bò thích ứng với BĐKH. Tiếp theo, ban điều hành dự án biến đổi khí hậu đã được hình thành tập trung cho công tác chỉ đạo, hướng dẫn người dân thực hiện dự án. Sẵn lòng nhiệt huyết, lại đang là Phó chủ tịch HĐND xã ông Ôn được tin tưởng giao cho trọng trách làm trưởng ban dự án BĐKH tại xã Ba Dinh.

Ban đầu ông Ôn còn nhiều bỡ ngỡ, lung túng bởi không biết bắt đầu từ đâu. Nhưng chỉ qua 3 tháng khi được cùng làm việc với các cán bộ quản lý dự án tại địa phương, ông Ôn ngày càng làm tốt vai trò của mình. Ông nhớ lại:  “Cứ mỗi lần xã định họp dân khó nhất vẫn là việc huy động đông đủ để bình chọn ra được hộ nghèo, hộ cận nghèo”. Là lãnh đạo của xã và thay mặt chính quyền xã làm việc với dự án ông Ôn luôn canh cánh trong lòng: “ Làm thế nào để việc bình chọn công bằng, không bỏ sót những gia đình xứng đáng được hưởng lợi? Làm thế nào, để chọn ra được những hộ thực sự có nhu cầu làm chuồng.

 DSC_0352

Ông Ôn luôn canh cánh trong lòng việc chọn hộ dân xứng đáng được hỗ trợ

Từ khi chưa biết phải bắt đầu từ đâu, đến nay dự án đã qua giai đoạn II với các gia đình được nhân rộng mô hình. Gần 30 chuồng trâu và chuồng heo  được nghiệm thu là kết quả mà không mấy ai biết được quá trình dài người trưởng ban BĐKH vừa quản lý, vừa học hỏi. Ông Ôn kiên nhẫn đi và tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân. Dù bận rộn với nhiều công việc, ông Ôn vẫn thường xuyên về tận nhà dân tự mình giải thích cho họ hiểu về lợi ích và ý nghĩa việc đóng góp của gia đình vào công trình được Plan hỗ trợ.

Theo ông Ôn, một số hộ dân còn trông chờ ỷ lại dự án thì mình càng phải đến giải thích cho tới nơi tới chốn đến lúc nào họ hiểu mới thôi. Một số người góp công không đầy đủ, góp cây nhỏ hoặc cây để lâu không đảm bảo … nhưng sau khi nghe mình nói có lý có tình, họ đã vui vẻ tự nguyện sửa đổi.

DSC_0203

Chuống thích ứng BĐKH giúp heo, trâu bò ít bị dịch bệnh hơn

Ông Ôn cũng nhắc lại những năm 2009-2010, dịch lở mồm long móng khiến heo xã Ba Dinh chết như ngả rạ.  Các hộ như gia đình anh Phạm Văn Sinh (thôn Làng Măng), anh Phạm văn Rôm thôn Nước Lang… chỉ là một vài ví dụ được ông Ôn đưa ra so với toàn xã nghèo sau thiệt hại của đợt dịch chưa được thống kê đầy đủ.  Chuồng thích ứng biến đổi khí hậu giúp heo, trâu bò ít gặp bệnh dịch hơn, sinh trưởng tốt nhờ có dự trữ thức ăn. Mùa mưa bão người dân cũng không phải lo đưa trâu bò đi trú vì các cột trụ làm chắc chắn, mái được chằng buộc cẩn thận.

“Bản thân tôi, làm việc là tự nguyện. Tiền lương hàng tháng nhiều khi không đủ đổ  xăng, nhưng thấy dân mình đứng trước những nguy cơ do biến đổi khí hậu, còn nghèo vì biến đổi khí hậu… tôi còn không dám cho phép mình được thảnh thơi”. Nói là nói vậy, nhưng anh vẫn chạy trên chiếc xe máy cà tàng lên dốc qua suối ngày qua ngày đến tận từng bản, từng nhà để kiểm tra và thúc đẩy công việc của dự án.

 

Bảo Hòa

 

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x