Điểm lại hoạt động năm 2019 là một năm nhiều dấu ấn của dự án “Tăng cường vai trò của cộng đồng và các tổ chức xã hội trong công tác bảo tồn tại Trung Trường Sơn” (gọi tắt là dự án Sida) triển khai tại tỉnh Thừa Thiên Huế, khu vực vùng đệm Vườn Quốc Gia Bạch Mã.
Dự án được điều phối bởi Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam với các sự đồng thực hiện của Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD), Đại học Nông Lâm, Đại học Huế và Hội chủ rừng Phát triển bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế (FOSDA-TTH) do Tổ chức Hợp tác phát triển Quốc tế Thụy Điển (Sida) tài trợ.
Kết quả nổi bật mà CRD đã đóng góp vào việc tăng cường vai trò của cộng đồng và các tổ chức xã hội về công tác bảo tồn tại tỉnh Thừa Thiên Huế trong năm qua, đó là: tổ chức 9 khóa tập huấn chăm sóc mây; 11 khóa tập huấn kỹ thuật tuần tra bảo vệ rừng, cộng tác giám sát; 05 đợt tuần tra rừng với những phát hiện kịp thời các vụ việc vi phạm; 2 đợt duy trì chăm sóc mây; tổ chức 2 khóa tập huấn sơ cứu thương và 1 khóa tập huấn sử dụng điện thoại thông minh để hỗ trợ công tác tuần tra rừng tại xã Thượng Lộ (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Thạc sỹ Phan Văn Hùng (CRD) chia sẻ: Đóng góp nổi bật mà CRD và dự án đã làm và được ghi nhận trong năm 2019 chính là thực hiện nghiên cứu về “Đánh giá thực trạng xây dựng và thực hiện quy ước quản lý rừng cộng đồng tỉnh Thừa Thiên Huế”.
Nghiên cứu đã đạt được các mục tiêu như: tìm hiểu thực trạng quản lý rừng cộng đồng, đánh giá kết quả xây dựng và thực hiện các quy ước quản lý rừng cộng đồng; xác định bất cập, khoảng trống của quy ước ảnh hưởng đến kết quả quản lý rừng cộng đồng. Theo đó, nhóm đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các cơ quan quản lý và chuyên gia trong lĩnh vực này. Đây được xem là cơ sở quan trọng để FOSDA-TTH vận động chính sách để Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành quyết định số 62/2019/QĐ-UBND vào ngày 07/10/2019 về Quy chế Quản lý rừng cộng đồng tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó, Quy chế có 9 chương với 24 điều quy định chặt chẽ về các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng được nhà nước giao cho các nhóm hộ gia đình và cộng đồng dân cư quản lý, sử dụng trên địa bàn tỉnh nhằm gắn kết các quy định của Pháp luật Nhà nước về Lâm nghiệp với quy ước bảo vệ rừng của cộng đồng dân cư thôn, bản. Qua đây, xác định rõ trách nhiệm của cộng đồng, các cấp chính quyền địa phương có thẩm quyền và các cơ quan liên quan trong việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát phối hợp với cộng đồng làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Ngày 26/12/2019, hội thảo tổng kết dự án Sida và lập kế hoạch năm 2020 tổ chức tại thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc), các đại biểu đã có thảo luận về kết quả đạt được đồng thời chỉ ra khó khăn của dự án và có những đề xuất. Ông Nguyễn Đình Phước, quản lý dự án Sida tại Việt Nam cho biết: Dựa theo mục tiêu ưu tiên của dự án, năm 2020, cùng với các đối tác đồng thực hiện, CRD sẽ triển khai xây dựng và nhân rộng các phương án quản lý rừng bền vững cho các cộng đồng quản lý rừng tại xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông theo quyết định số 62/2019/QĐ-UBND của tỉnh Thừa Thiên Huế; đồng thời tiến hành hỗ trợ các cộng đồng, nhóm hộ quản lý rừng trồng 30 ha lâm sản ngoài gỗ (cây mây nước, gừng gió) với mục đích cải thiện sinh kế cho người dân. Ngoài ra, CRD sẽ tiếp tục thúc đẩy cộng đồng tuần tra bảo vệ rừng và áp dụng những phần mềm trên điện thoại thông minh đã tập huấn trước đó để đảm bảo việc tuần tra của cộng đồng được giám sát và thực hiện một cách hiệu quả hơn.
Hội thảo tổng kết dự án năm 2019 và lập kế hoạch năm 2020 tại thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc)
Bảo Hòa