Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Ngày 21-22/11, Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung (CRD), Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế phối hợp với Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) và Nhóm hỗ trợ VPA-FLEGT Quảng Trị tổ chức khoá tập huấn “Giới thiệu các yêu cầu pháp lý về gỗ hợp pháp” tại Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

  

Tham dự khóa tập huấn có gần 20 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước bao gồm: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Kiểm lâm; Đại diện các tổ chức xã hội địa phương được thành lập thông qua Nhóm hỗ trợ VPA-FLEGT Quảng Trị; Đại diện các doanh nghiệp chế biến gỗ và hộ gia đình trổng rừng tại địa phương.

Tại khóa tập huấn, Bà Tô Kim Liên – Giám đốc Trung tâm CED là giảng viên khóa tập huấn đã cập nhật thông tin về Hiệp định VPA-FLEGT và Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam (VNTLAS); Chuỗi cung ứng và dòng chảy gỗ, sản phẩm gỗ và; Các yêu cầu pháp lý về lao động, môi trường và phòng cháy chữa cháy đối với gỗ hợp pháp. Đây là những nội dung được dự án xác định thông qua hoạt động đánh giá hiện trạng tuân thủ hồ sơ gỗ hợp pháp mà các doanh nghiệp ở địa phương vẫn còn gặp nhiều vướng mắc trong việc đáp ứng các yêu cầu về gỗ hợp pháp.

Thông qua các nội dung khóa tập huấn, các tham dự viên được chia thành 3 nhóm nhỏ để thảo luận về các chủ đề, bao gồm: (i) Đánh giá nhanh về sự sẵn sàng của doanh nghiệp; (ii) Vẽ sơ đồ chuỗi cung ứng gỗ và (iii) Doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm giải trình. Kết quả này giúp các tham dự viên tiếp cận để thực hiện xác định mức độ đáp ứng các yêu cầu của Định nghĩa gỗ hợp pháp (LD) và lập kế hoạch để hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp và hộ gia đình trong ngành gỗ ở địa phương thời gian tới.

Trong ngày hai, các tham dự viên được trực tiếp đi tham quan để tìm hiểu về quy trình sản xuất và chế biến gỗ, công tác quản lý và lưu trữ hồ sơ về nguồn gốc gỗ, bảo vệ môi trường, lao động và an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm và phòng cháy chữa cháy,… của một doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Kết thúc chuyến đi thực địa, các tham dự viên đã thống nhất kế hoạch để thực hiện hoạt động khảo sát và hỗ trợ kỹ thuật giúp các hộ gia đình, doanh nghiệp… tham gia vào chuỗi cung ứng gỗ tuân thủ hiệu quả hơn các yêu cầu về gỗ hợp pháp theo Hiệp định VPA-FLEGT. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ tuân thủ những yêu cầu về gỗ hợp pháp để tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp trong nước và quốc tế” do Chương trình EU-FAO FLEGT tài trợ thông qua Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO).

Phan Văn Nam