Từ ngày 8 – 9/4, Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD), Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế đã phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nam Giang (KTNN) tổ chức 05 lớp tập huấn về sử dụng vi sinh vật bản địa (IMO) để chăn nuôi lợn theo hướng tự nhiên cho 5 xã, thị trấn thuộc huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.
Các thành phẩm sau khi thực hành của lớp tập huấn tại thị trấn Thạnh Mỹ
Hơn 100 người đã tham gia các lớp học này. Họ là thành viên của các tổ hợp tác sản do dự án thành lập thuộc các xã Cà Dy, Chà Vàl, Tà Bhing, Tà Pơơ và thị trấn Thạnh Mỹ tại huyện Nam Giang.
Khóa học nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng để các Tổ hợp tác có thể sản xuất được các chế phẩm từ vi sinh vật bản địa từ đó chế biến và phát triển chế phẩm IMO để cung ứng cho các hộ chăn nuôi có nhu cầu. Sau khóa học này, các học viên sẽ là những hạt nhân nồng cốt để có thể hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ trong nhóm của mình tự sản xuất và ứng dụng vào chăn nuôi heo của dự án.
Thông qua các khóa tập huấn, các học viên đã được giới thiệu 8 loại chế phẩm và 2 cách phối trộn thức ăn khô và thức ăn ướt đồng thời thực hành với 5 loại chế phẩm và các cách phối trộn thức ăn.
Hoạt động nằm trong khuôn khổ của dự án “Nông nghiệp liên kết hướng đến thu nhập bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số” do Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên Bang Đức (BMZ) và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Đức (WVD) tài trợ thực hiện. Dự án do CRD và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam (WVV) điều phối thực hiện với mục tiêu “Cải thiện sinh kế thông qua phát triển chuỗi giá trị heo đen và tăng cường sự tham gia của cộng đồng dân tộc thiểu số”. Dự án dự kiến được thực hiện từ tháng 11 năm 2019 đến tháng 9 năm 2022./.
Đinh Nhật Sơn
Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung, Đại học Nông Lâm, Đại học Huế