- Version
- Download 20
- File Size 0.00 KB
- File Count 1
- Create Date 16/05/2024
- Last Updated 15/08/2024
BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN 2023
GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN MIỀN TRUNG
Đầu tiên, tôi xin gửi tới các nhà tài trợ, các đối tác và quý độc giả lời chào trân trọng!
Có thể nói bức tranh thế giới năm 2023 là một bức tranh đa khủng hoảng, được phác họa nên bởi những hình ảnh của chiến tranh, các tàn dư của Covid 19, mất an ninh lương thực, suy thoái kinh tếvà lạm phát, và biến đổi khí hậu ở mức báo động trên toàn cầu khiến rất nhiều nước phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề, trong đó trầm trọng nhất là các nước đang phát triển. Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn để ứng phó với những cuộc khủng hoảng này, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến ngày càng phức tạp, trái quy luật của các loại hình thiên tai đang gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Trong bối cảnh nhiều thách thức đó, năm 2023, Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung (CRD) đã hợp tác chặt chẽ với các tổ chức xã hội trong và ngoài nước cũng như các đối tác địa phương để tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ cộng đồng đương đầu với những thách thức nói trên. Trung tâm đã triển khai hiệu quả 10 dự án tại 9 tỉnh/thành phố, tập trung vào 03 lĩnh vực chính, bao gồm: (1) Phát triển sinh kế bền vững; (2) Quản trị tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học; và (3) Ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai. Các dự án đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần cải thiện đời sống cho các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm người nghèo, người dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em.
Năm 2023, các dự án của CRD đã đạt được một số kết quả nổi bật. Các mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu như chăn nuôi heo, bò, nuôi giun quế, trồng lúa hay trồng lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng tự nhiên đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và giảm phát thải khí nhà kính. Năng lực của cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng dân tộc thiểu số, về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngày càng được cải thiện; từ đó các diện tích rừng giao cho cộng đồng quản lý được bảo vệ tốt hơn. Các loài cây lâm nghiệp bản địa và lâm sản ngoài gỗ được bảo tồn và phát triển, góp phần làm giàu rừng. Nhận thức của cộng đồng về giảm phát thải và giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu được nâng cao thông qua các lớp tập huấn và các buổi truyền thông. Các thực hành tốt về phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là trên cơ sở bản dạng giới và thể hiện giới đối với trẻ em, được thúc đẩy, góp phần tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ trẻ em tại địa phương.
CRD xin chân thành cảm ơn các nhà tài trợ, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức đối tác, các đồng nghiệp, cộng đồng người hưởng lợi và đặc biệt là đội ngũ cán bộ tận tâm của CRD đã tin tưởng và đồng hành cùng CRD để đạt được các kết quả nổi bật nói trên. Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành của tất cả các đối tác để có nhiều đóng góp hơn nữa cho cộng đồng và xã hội trong năm tới.
Giám đốc CRD
Trương Quang Hoàng