Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Hiện trên vùng rú cát Quảng Lợi có gần 40 trang trại tổng hợp, trong đó 20 trang trại hoạt động có hiệu quả, cho thu nhập cao. Điển hình là trang trại Ái Hiệp với 9 ha, trong đó 3 ha mặt nước nuôi cá và sử dụng nguồn nước tưới tiêu, 1,5 ha phát triển chăn nuôi, 1 ha sử dụng vào mục đích trồng trọt, phần diện tích còn lại trồng rừng. Với mô hình phát triển kinh tế trang trại khép kín, mỗi năm trang trại Ái Hiệp thu nhập gần 2 tỷ đồng. Trang trại xây dựng khá khang trang, gồm hệ thống đường nội bộ, nhà xưởng, nhà kho, hệ thống điện lưới 3 pha, hệ thống tưới nước tự động, 6 khu chuồng trại nuôi lợn, gà theo hướng công nghiệp, 6 hồ cá và vườn cây cảnh theo hướng sinh thái.

 

image00155Cây thanh long ruột đỏ trên đất cát


Đến trang trại Ái Hiệp, gây ấn tượng với chúng tôi là khu vườn thanh long ruột đỏ. Anh Hiệp cho biết: Thanh long ruột đỏ là một sản phẩm mới lạ, ngon, bổ dưỡng, có đặc tính hoàn toàn khác so với loại thanh long ruột trắng. Đặc điểm của loại thanh long này là quả không to nhưng nặng cân, ruột đỏ tươi, đặc biệt rất ngọt, nhiều vitamin, khoáng chất. Muốn trồng được thanh long ruột đỏ trên đất cát, người trồng phải thật sự siêng năng. Đất vùng này chỉ tơi xốp ở phần đất dưới sâu chừng 3cm đến 5cm, còn phần đất mặt rất khô, thường xuyên thiếu nước. Trước khi trồng, phải đổ một lớp đất mặt khá dày và tưới nước thường xuyên đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt. Với 600 gốcthanh long ruột đỏ, mỗi năm gia đình anh thu nhập từ 150 triệu đồng đến 180 triệu đồng.

Để xây dựng và vận hành được trang trại quy mô lớn như vậy, từ khâu kỹ thuật, phòng, chống dịch bệnh đến thị trường tiêu thụ đều được anh Hiệp tính toán chặt chẽ. Anh thuê 30 công nhân làm việc với mức lương trung bình 3 triệu đến 4,5 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, 6 công nhân làm việc thường xuyên. Hằng tuần, trang trại đều được phun thuốc tiêu độc, khử trùng, vệ sinh sạch sẽ. Chất thải được thu gom và xử lý trước khi đưa ra môi trường. Toàn bộ vật nuôi đều được tiêm phòng định kỳ. Anh còn xây dựng quan hệ mật thiết với các chủ buôn gia cầm để cung cấp thịt, với các chủ trang trại để cung cấp con giống. Trang trại của anh không bị ế hàng.
Chúng tôi đến thăm trang trại của ông Trương Trọng Đức. Trước đây, gia đình ông sống ở miền Nam, nhưng 4 năm trở lại đây ông cùng gia đình quyết định về định cư tại Quảng Lợi, rồi xin xã cấp đất rú cát xây dựng trang trại. Cũng như trang trại Ái Hiệp, trang trại ông Đức phát triển kinh tế trang trại theo hướng tổng hợp, được xã cấp 5 ha đất, ông đầu tư 2 ha trồng rừng, 2 ha nuôi trồng thủy sản, diện tích còn lại phục vụ chăn nuôi và trồng trọt.
Đến trang trại ông Đức, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi trên vùng đất cát cằn cỗi nhưng ông lại phát triển các loại cây hoa màu rất hiệu quả. Với 2 sào đất trồng mướp và hoa màu khác, mỗi năm ông trồng 3 vụ, mỗi vụ thu nhập trên 19 triệu đồng. Ông còn đầu tư trồng các loại cây ăn quả như đu đủ, mãng cầu, chuối… cho hiệu quả kinh tế cao.
Theo ông Đức: “Làm giàu trên vùng rú cát này không khó, ngoài vốn thì chỉ cần siêng năng, chịu khó là làm được hết”. Trang trại ông đang nuôi trên 1.500 con gà theo hướng an toàn sinh học, 2 hồ cá thả các loại cá rô phi, cá chép… Mỗi năm, gia đình ông thu nhập từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng. Không riêng gì trang trại của anh Hiệp hay ông Đức, trên vùng cát Quảng Lợi có 20 trang trại có thu nhập từ 100 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/năm.
Ông Hoàng Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, cho biết: “Phát triển kinh tế trên vùng rú cát là hướng đi rất có triển vọng. Những năm tới, xã tiếp tục vận động thêm bà con trong và ngoài xã lên vùng này để khai hoang phát triển kinh tế. Tuy nhiên, phát triển kinh tế trang trại hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là chưa có sự liên kết giữa các chủ trang trại với lái buôn; việc áp dụng khoa học – kỹ thuật còn hạn chế, cộng với ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh. Điều này dẫn đến tình trạng không ít trang trại mở ra được một thời gian rồi rơi vào tình trạng phát triển cầm chừng, không hiệu quả vì không có vốn, không có đầu ra.
Phát triển kinh tế trang trại theo hướng sản xuất hàng hoá đang là hướng đi đúng đối với vùng rú cát Quảng Lợi. Nó góp phần khai thác tốt tiềm năng thế mạnh về đất đai, lao động, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Nhờ phát triển kinh tế trang trại, hàng chục hộ dân ở Quảng Lợi thoát nghèo, nhiều hộ trở nên khá giả. Song, để kinh tế trang trại ở Quảng Lợi tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, các cấp các ngành cần tư vấn, tìm hướng đi phù hợp cho các chủ trang trại về ứng dụng công nghệ sinh học, tạo điều kiện cho các chủ trang trại vay vốn số lượng lớn với lãi suất ưu đãi. Riêng cá nhân người xây dựng trang trại, cần tạo nên sự gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ để đảm bảo đầu ra trong sản xuất.

Theo baothuathienhue.vn

 

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x