Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Ngày 10/4 Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD), Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế phối hợp với Trường Trung học Cơ sở (THCS) Thủy Phù tổ chức buổi đối thoại với chủ đề “Tiếng nói của em trong môi trường giáo dục”.

Toàn cảnh buổi đối thoại

Hoạt động trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực các tổ chức xã hội về Quản trị quyền trẻ em” do Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế tài trợ.

Đây là lần thứ hai CRD phối hợp cùng trường THCS Thuỷ Phù tổ chức thành công đối thoại học đường. Buổi đối thoại đã thu hút sự tham gia của 120 người gồm: học sinh, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Hương Thủy, địa phương, các đoàn thể, ban giám hiệu, giáo viên và đại diện phụ huynh.

Tại buổi đối thoại, 100 học sinh đã đại diện học sinh toàn trường gửi gắm những thông điệp quan trọng về những lo lắng, quan tâm của trẻ thông qua các tiểu phẩm tình huống, tranh và clip. Đồng thời, các em đã đặt ra hơn 20 câu hỏi trực tiếp với lãnh đạo nhà trường và các nhà quản lý để bày tỏ ý kiến, nguyện vọng.

Tiểu phẩm tình huống được học sinh gửi gắm thông điệp

Học sinh trình bày ý kiến của mình tại buổi đối thoại

Các câu hỏi tại cuộc đối thoại này chủ yếu tập trung vào 4 nhóm chủ đề: (1) phòng chống bạo lực học đường; (2) trẻ em với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; (3) an toàn trẻ em trên môi trường mạng và (4) thúc đẩy quyền tham gia của trẻ trong quy mô của nhà trường.

Học sinh tự tin đặt câu hỏi

Ông Nguyễn Hoàng Giang, hiệu trưởng trường THCS Thủy Phù cho biết: Sau cuộc đối thoại năm 2020, nhà trường lắng nghe ý kiến của học sinh và tiến hành tăng cường quạt ở các phòng học, đảm bảo đèn chiếu sáng, thay thế nền của phòng học để không gian học tập sáng, sạch hơn. Nhà trường đã xây dựng mô hình “khăn quàng đỏ” trực trước và sau giờ học và gần đây địa phương đã có barie tự động để đảm bảo an toàn cho trẻ khi qua đường sắt đến trường. Buổi đối thoại hôm nay trường cũng nhận được nhiều ý kiến thiết thực, cần thiết. Các câu hỏi đã thể hiện tư duy, đóng góp của các em sẵn sàng để xây dựng môi trường học đường thân thiện, gần gũi. Trong nguồn lực, tài lực, vật lực có thể, nhà trường sẽ tìm mọi cách để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các em.

Ông Ngô Hoàng Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Thủy Phù giải đáp thắc mắc của học sinh

Em Lê Quý Đôn chia sẻ sau buổi đối thoại: “Đây là lần thứ hai em tham gia đối thoại và thấy hoạt động đã có nhiều cải thiện, học sinh bớt rụt rè và bày tỏ ý kiến thoải mái … từ đó nhà trường cải thiện được vài vấn đề mà chúng em thực sự quan tâm”.

Buổi đối thoại được thực hiện với phương châm lắng nghe, thấu hiểu, “nói đi đôi với làm”. Trong không khí đối thoại cởi mở đó, các nhà quản lý, nhà trường và các bên liên quan lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học sinh về các vấn đề trẻ quan tâm. Qua đó, các bên tìm cách phối hợp chặt chẽ hơn khi lập kế hoạch và hành động trong thời gian tới nhằm đáp ứng mong muốn chính đáng mà các em kỳ vọng.

Dự án Tăng cường năng lực cho các tổ chức xã hội về quản trị quyền trẻ em trao quà cho học sinh tham gia đối thoại