Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Vào ngày 17/12, Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung Việt Nam (CRD), Đại học Nông Lâm đã tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát các tổ chức xã hội về thành lập nhóm hợp tác trong lĩnh vực quản lý rừng cộng đồng và bảo tồn đa dạng sinh học. Hoạt động trong khuôn khổ dự án Leading the Change 2 (LtC2), một sáng kiến toàn cầu do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) khởi xướng và triển khai hướng tới giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và củng cố vai trò của người dân trong quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Mục tiêu của khảo sát là xác định được định hướng thành lập Nhóm hợp tác các tổ chức xã hội về quản lý rừng cộng đồng (QLRCĐ) và bảo tồn đa dạng sinh học (BTĐDSH) (sau gọi là Nhóm hợp tác). Cụ thể, mô tả các đặc điểm cơ bản của các tổ chức xã hội có tiềm năng tham gia vào nhóm hợp tác; tìm hiểu mối quan tâm của các tổ chức xã hội về các vấn đề liên quan QLRCĐ và BTĐDSH; xác định sự cần thiết thành lập Nhóm hợp tác và nhu cầu tham gia của các tổ chức xã hội.

Toàn cảnh hội thảo

Trong hội thảo, ông Phan Văn Hùng – Điều phối viên dự án LtC2 đã báo cáo các kết quả đạt được từ cuộc khảo sát. Kết quả đầu tiên là đã xác định được đặc điểm cơ bản của các tổ chức tham gia. Đặc điểm đầu tiên là về thời gian hoạt động, kể từ khi thành lập đến nay, tổ chức có thời gian hoạt động ngắn nhất là 8 năm, tổ chức có thời gian hoạt động dài nhất lên đến 29 năm. Thời gian hoạt động của các tổ chức kể từ khi thành lập đến nay trung bình là 16 năm. Đặc điểm tiếp theo là về nhân sự, có biến động theo thời gian và số lượng nhân sự hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn viện trợ mà các tổ chức tìm kiếm được. Hầu hết các tổ chức đều duy trì nhân sự chuyên trách ở mức tối thiểu, đồng thời huy động nhân sự bán chuyên trách, cộng tác viên khi nhận thêm nguồn viện trợ, có thêm dự án mới. Đặc điểm cuối cùng là về lĩnh vực hoạt động của các tổ chức khá đa dạng, các tổ chức có từ hai đến bốn lĩnh vực hoạt động. Các lĩnh vực bao gồm lâm nghiệp (bao gồm QLRCĐ), bảo tồn đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, phát triển sinh kế, tài chính vi mô, thị trường và chuỗi giá trị. Trong các lĩnh vực hoạt động này, các tổ chức đã thực hiện nhiều loại hình hoạt động khác nhau bao gồm nghiên cứu, vận động và phản biện chính sách, truyền thông giáo dục, hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật, và phát triển liên kết, hợp tác.

Ông Phan Văn Hùng – Điều phối viên dự án LtC2 báo cáo các kết quả đạt được

Kết quả thứ hai là đã xác định được các hoạt động của các tổ chức trong lĩnh vực QLRCĐ và BTĐDSH. Các tổ chức đã thực hiện năm dự án liên quan và đã kết thúc dự án. Hiện tại có năm tổ chức có các dự án đang thực hiện, trong đó CRD và CEGORN có hai dự án và các tổ chức còn lại (FOSDA, GreenViet, Câu lạc bộ lâm nghiệp) có một dự án. Quan trọng hơn là các dự án đã tập trung được vào các hoạt động chính là xây dựng năng lực cho cộng đồng, nghiên cứu, đánh giá tác động, vận động chính sách, khảo sát và điều tra loài.

Kết quả thứ ba là xác định được các tổ chức đã có kinh nghiệm về tham gia các mạng lưới liên quan. Các tổ chức đều tham gia ít nhất một mạng lưới, trong đó ba trên tám tổ chức được khảo sát đã tham gia mạng lưới trên mười năm và có ba tổ chức tham gia mạng lưới với vai trò chủ trì hoặc thành viên nồng cốt. Điều đó cho thấy, một số tổ chức đã có bề dày kinh nghiệm trong tham gia, vận hành mạng lưới nên họ có thể có đóng góp quan trọng khi tham gia thành lập Nhóm hợp tác sau này.

Kết quả thứ tư là xác định được các mối quan tâm của các tổ chức. Đó là về quản lý bảo vệ rừng, vấn đề giao đất giao rừng, phát triển và phục hồi rừng cộng đồng, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển sinh kế, quyền và lợi ích cộng đồng và bình đẳng giới. Kết quả thứ năm là xác định được mối quan tâm của các tổ chức về thành lập Nhóm hợp tác, từ đó cho thấy sự cần thiết khi thành lập Nhóm hợp tác và nhu cầu tham gia của các tổ chức xã hội cũng như đưa ra các đề xuất về hoạt động ban đầu và vận hành mạng lưới.

Từ các kết quả của cuộc khảo sát, ông Phan Văn Hùng – Điều phối viên dự án LtC2 đã kết luận rằng, về lĩnh vực QLRCĐ và BTĐDSH vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết để nâng cao hiệu quả trong các hoạt động của từng lĩnh vực. Các tổ chức xã hội đã và đang tham gia tích cực để giải quyết các vấn đề này và cần đóng góp nhiều hơn để có cơ hội để phát huy vai trò và thế mạnh của họ. Việc thành lập Nhóm hợp tác được xác định là cần thiết để giải quyết các vấn đề đang được quan tâm trong QLRCĐ và BTĐDSH. Các tổ chức xã hội đều rất mong muốn được tham gia vào Nhóm hợp tác để tìm kiếm thêm cơ hội thực hiện nhiệm vụ và phát huy vai trò của tổ chức. Quan trọng hơn cả là một Nhóm hợp tác chỉ hoạt động tốt khi có các hoạt động thiết thực và phù hợp với mối quan tâm của các tổ chức tham gia, đồng thời có hệ thống và cơ chế vận hành hiệu quả.

Ngoài kết luận đã nêu trên, các đại biểu tham dự hội thảo cũng thống nhất đưa ra một số khuyến nghị để thành lập Nhóm hợp tác, trước tiên cần có sự hỗ trợ tài chính của dư án LtC 2, tuy nhiên cần xem đây là hỗ trợ ban đầu và phải xác định được kế hoạch tài chính dài hạn để đảm bảo sự bền vững cho nhóm. Sự hỗ trợ của WWF là rất quan trọng để giúp nhóm tiếp cận với các nguồn tài chính lâu dài. Dự án cần chọn và phân công cho một tổ chức đối tác nào đó để chủ trì và khởi xướng việc thành lập Nhóm hợp tác.

Xác định các hoạt động cơ bản để thành lập nhóm hợp tác bao gồm: tổ chức các cuộc họp để thảo luận về các nội dung cụ thể; thiết lập bộ máy quản lý; xây dưng quy chế hoạt động; xây dựng chiến lược phát triển; xây dưng chiến lược và kế hoạch tìm kiếm tài trợ; và phát triển kế hoạch hoạt động. Trước mắt, WWF cần tạo cơ hội để Nhóm hợp tác có thể tham gia càng nhiều càng tốt vào các hoạt động đang và sẽ triển khai của WWF có liên quan đến QLRCĐ và BTĐDSH.

Ông Trần Anh Thọ – Đại diện Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) chia sẻ: “Chúng ta đều biết rằng mỗi đơn vị đều có những thế mạnh riêng, vì vậy việc hợp tác là rất quan trọng. Tôi cho rằng cần phải có những đánh giá thực tế và cụ thể về các điểm mạnh của từng tổ chức để từ đó phát huy tối đa tiềm năng sẵn có. Đồng thời, cần xây dựng chiến lược rõ ràng để đảm bảo các hoạt động diễn ra hiệu quả, bắt đầu từ những kế hoạch ngắn hạn và dần dần hướng tới sự phát triển bền vững trong dài hạn.”

“Chúng ta đều biết rằng mỗi đơn vị đều có những thế mạnh riêng, vì vậy việc hợp tác là rất quan trọng” Ông Trần Anh Thọ chia sẻ

Ông Hồ Lê Phi Khanh – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung Việt Nam (CRD) chia sẻ “Cần phải tập trung vào việc kết nối dựa trên những mối quan tâm chung, bởi đây chính là nền tảng giúp các đơn vị hợp tác chặt chẽ hơn. Hợp tác không chỉ dừng lại ở những hoạt động riêng rẽ, mà cần được phát triển theo hướng thể chế hóa để đảm bảo tính bền vững. Trong mỗi nhóm, việc thành lập một ban điều hành là cần thiết để định hướng và quản lý hiệu quả. Đồng thời, các hoạt động của chúng ta nên gắn liền với chương trình và định hướng từ Trung ương, nhằm mở ra thêm nhiều cơ hội phát triển cho tổ chức và đóng góp vào các mục tiêu chung một cách hiệu quả.”

“Hợp tác không chỉ dừng lại ở những hoạt động riêng rẽ, mà cần được phát triển theo hướng thể chế hóa để đảm bảo tính bền vững” là một điểm cần phải cân nhắc khi thành lập nhóm là điều mà ông Hồ Lê Phi Khanh chia sẻ

Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp, từ cuộc khảo sát cho thấy các tổ chức xã hội (CSO) tại Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, bảo vệ quyền lợi cộng đồng và giải quyết các thách thức xã hội. Trong bối cảnh nền kinh tế và xã hội Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ, các tổ chức xã hội không chỉ đóng vai trò cầu nối giữa cộng đồng và chính phủ mà còn là nhân tố quan trọng trong việc thực thi các chính sách xã hội. Tuy nhiên, hành trình phát triển của các tổ chức này còn nhiều thử thách, đòi hỏi sự nỗ lực từ chính họ cũng như sự hỗ trợ từ các bên liên quan.

Tất cả các đại biểu chụp hình lưu niệm

Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ: Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung Việt Nam (CRD)

  • Địa chỉ: 102 Phùng Hưng, Thành Phố Huế, Thừa Thiên Huế
  • Điện thoại: (0234) 3529 749
  • Email: Office@crdvietnam.org
  • Website: Crdvietnam.org