Năm 2024 đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong hành trình phát triển của Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung Việt Nam (CRD), Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế. Với sứ mệnh thúc đẩy sự phát triển bền vững tại khu vực miền Trung, CRD đã hoàn thành nhiều chương trình và dự án với những kết quả ấn tượng. Trong hai ngày 6 và 7 tháng 1 năm 2025, tại cuộc họp tổng kết hoạt động năm 2024, TS. Trương Quang Hoàng – Giám đốc CRD cùng các cán bộ trung tâm đã trình bày báo cáo tổng quan, nhấn mạnh những thành tựu đạt được, các bài học kinh nghiệm và chiến lược hướng tới năm 2025.
Cán bộ họp tại trụ sở tổ chức
Báo cáo tổng kết năm 2024 của CRD tập trung vào ba lĩnh vực trọng tâm: sinh kế bền vững, quản trị tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học, cùng quản lý biến đổi khí hậu và thích ứng rủi ro thiên tai. Đây là những lĩnh vực cốt lõi mà CRD đã không ngừng nỗ lực thúc đẩy, mang lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng nông thôn miền Trung Việt Nam.
Lĩnh vực sinh kế bền vững là một trong những điểm sáng nổi bật của CRD trong năm qua. Với mục tiêu nâng cao đời sống của cộng đồng dân tộc thiểu số và các nhóm dễ bị tổn thương, CRD đã triển khai hàng loạt mô hình nông nghiệp thông minh kết hợp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Các chương trình trồng cây dược liệu bản địa, phát triển sản xuất thử nghiệm các sản phẩm địa phương như gừng gió, chè dây và cây âr lang đã được thực hiện thành công. Đặc biệt, mô hình vườn ươm cộng đồng tại các xã Hồng Kim, A Bung và A Roàng trong tương lai sẽ cung cấp nguồn cây giống chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phục hồi rừng và phát triển kinh tế địa phương.
Ngoài ra, CRD còn triển khai các chương trình nuôi giun quế tại các hộ gia đình, tận dụng phế phẩm nông nghiệp để sản xuất phân hữu cơ. Mô hình này không chỉ giúp cải tạo đất mà còn nâng cao thu nhập cho người dân. Sự tham gia tích cực của phụ nữ trong các hoạt động này đã góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, khẳng định vai trò quan trọng của họ trong phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa địa phương.
Lĩnh vực quản trị tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học tiếp tục là một ưu tiên lớn trong năm 2024. CRD đã tổ chức nhiều buổi tuần tra bảo vệ rừng, giúp giảm thiểu tình trạng khai thác rừng trái phép. Hơn 3.000 cây bản địa đã được trồng dưới tán rừng, góp phần cải thiện chất lượng rừng và nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của tài nguyên thiên nhiên. Các tài liệu tuyên truyền và chương trình giáo dục do CRD phát triển đã tiếp cận hàng ngàn người dân giúp họ hiểu rõ hơn về vai trò của đa dạng sinh học trong cuộc sống.
Về quản lý biến đổi khí hậu và thích ứng tủi ro thiên tai, CRD đã triển khai nhiều sáng kiến mang tính đột phá nhằm giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao khả năng thích ứng của cộng đồng. Các mô hình cải tiến chuồng trại, xây dựng hầm biogas và áp dụng kỹ thuật ủ phân hữu cơ đã được thực hiện tại nhiều địa phương. Những sáng kiến này giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân thông qua việc giảm chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Các chủ đề quyền trẻ em, quản trị địa phương, văn hóa bản địa và bình đẳng giới đã được lồng ghép trong các hoạt động ở mỗi lĩnh vực. Cụ thể, có ba vườn ươm cộng đồng tại huyện A Lưới được vận hành bởi Nhóm phụ nữ địa phương, điều đó cho thấy phụ nữ là chủ thể trong các mô hình cải tiến kỹ thuật thích ứng với biến đổi khí hậu. Trung tâm cũng đã xây dựng năng lực về quản trị cho các tổ chức cộng đồng (Nhóm vườn ươm cộng đồng).
Bên cạnh các lĩnh vực chuyên môn, CRD còn chú trọng đến các hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Năm 2024, trung tâm đã hoàn thành 8 nghiên cứu/khảo sát cụ thể, 02 khảo sát ban đầu về bảo tồn cây dược liệu và nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu; 01 khảo sát đánh giá mô hình sinh kế tiềm năng; 01 khảo sát về cây gừng gió; 01 khảo sát xác minh cà phê và một khảo sát về phân bón cà phê; 01 khảo sát nghiên cứu về rừng do UBND xã quản lý và 02 khảo sát nghiên cứu về chuỗi giá trị bò. Ngoài ra, trung tâm đã xuất bản 03 bài báo trên tạp chí trong nước, có 03 bài dự kiến đăng tạp chí nước ngoài và 01 bài đăng tạp chí trong nước. Xuất bản 03 sách tham khảo và chuẩn bị xuất bản 02 sách trong năm 2025.
Hợp tác quốc tế là một trong những thế mạnh của CRD. Năm qua, trung tâm đã mở rộng hợp tác với nhiều tổ chức lớn như Enveritas, UNDP và WVV, triển khai các dự án mang tầm ảnh hưởng sâu rộng. Các dự án tiêu biểu như “Nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu tại miền Trung Việt Nam” và “Thúc đẩy bảo tồn cây thuốc nam bản địa” đã mang lại những giá trị thiết thực, từ việc cải thiện sinh kế đến giảm phát thải khí nhà kính.
Công tác quản lý và vận hành tổ chức của CRD trong năm 2024 cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trung tâm đã đảm bảo tăng lương và các chế độ khác theo quy định Nhà nước, các nghiên cứu khoa học được xuất bản vượt trội so với các năm trước đây. Hoàn thành dứt điểm việc ghi thu ghi chi kho bạc cho tất cả các dự án Trung tâm, với tổng giá trị tám tỷ đồng. Các dự án đã tạo dựng một số mô hình thực tiễn để học tập, phát triển và nhân rộng và Trung tâm đã có những thích ứng với bối cảnh cơ hội tài trợ theo Nghị định 80 ngày càng thu hẹp. Trung tâm đã xây dựng chiến lược phát triển gian đoạn 2025 – 2030, quy chế hoạt động Trung tâm đã được Đại học Nông Lâm thông qua. Hoàn thành ghi thu ghi chi cho tất cả các dự án được phê duyệt trước đó và hiện tại. Tuyển dụng thêm hai nhân sự lâu dài bao gồm một cán bộ hỗ trợ chương trình và một cán bộ truyền thông.
Phát biểu tại cuộc họp, TS. Trương Quang Hoàng nhấn mạnh rằng những thành tựu đạt được trong năm 2024 là kết quả của sự nỗ lực từ toàn thể đội ngũ CRD, cùng với sự hỗ trợ và đồng hành của các đối tác trong và ngoài nước. Ông cũng nhấn mạnh rằng năm 2025 sẽ là năm tiếp tục đổi mới và sáng tạo, với trọng tâm là mở rộng các chương trình trọng điểm và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học.
Khép lại năm 2024, CRD tự tin bước vào một năm mới với những chiến lược rõ ràng và tinh thần quyết tâm cao độ. Những kết quả đạt được không chỉ khẳng định vai trò tiên phong của trung tâm trong phát triển nông thôn bền vững mà còn tạo nền tảng vững chắc để CRD tiếp tục hành trình dài hơi, mang lại những giá trị thiết thực và bền vững cho cộng đồng nông thôn miền Trung Việt Nam.