Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung (CRD) được tài trợ bởi Quỹ sáng kiến khí hậu Quốc tế (IKI) thông qua Tổ chức Hợp tác Quốc tế CHLB Đức (GIZ) để thực hiện dự án “ Nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (CSA) cho đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Trung Việt Nam” tại xã A Roàng và xã Hồng Thượng huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Mục tiêu chung của dự án là đa dạng sinh kế thông qua các thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở miền Trung Việt Nam. Các kết quả mong đợi bao gồm:

– Kết quả 1: Đồng bào DTTS nhận thức về tác động của biến đổi khí hậu và các thực hành CSA phù hợp.

– Kết quả 2: Các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu được thí điểm và nhân rộng để tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

– Kết quả 3: Chuỗi giá trị sản phẩm của các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu được kết nối với thị trường.

– Kết quả 4: Mối quan tâm của cộng đồng đối với bảo vệ môi trường, thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu tăng lên.

Để đáp ứng nhu cầu thực hiện hoạt động trên, Trung tâm cần tuyển dụng nhóm tư vấn có kinh nghiệm và năng lực để thực hiện hoạt động tập huấn đào tạo giảng viên nguồn về nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (CSA) tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

+ Thời gian thực hiện: 30/10 – 30/11/2023

+ Thời hạn nộp hồ sơ: 23/10/2023 – 30/10/2023

+ Địa điểm thực hiện: Xã A Roàng và xã Hồng Thượng, Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế

1. Mục tiêu của hoạt động

Trang bị kiến thức và kỹ năng cho cán bộ phụ trách nông nghiệp huyện, xã, cán bộ hội nông dân, hội phụ nữ tại huyện, xã, các trưởng thôn và những hộ sản xuất nông nghiệp tiêu biểu tại địa phương về biến đổi khí hậu, thiết kế, xây dựng và thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu.

Sau khi kết thúc khóa tập huấn sẽ có:

– Ít nhất 90% học viên tham gia tập huấn hiểu rõ về mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu, cách thức thiết kế xây dựng và giám sát mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu.

– Ít nhất 75% học viên tham gia tập huấn có khả năng tổ chức các lớp tập huấn về xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu cho các hộ gia đình và các nhóm sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã A Roàng và xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

– Ít nhất 75% học viên tham gia tập huấn có khả năng chia sẻ về các nội dung liên quan đến mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu tại các hội thảo, họp, diễn đàn liên quan đến sản xuất nông nghiệp tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Nhiệm vụ của tư vấn

Để thực hiện có hiệu quả và đạt được các mục tiêu nên trên, nhóm tư vấn được đề xuất thực hiện các công việc sau:

Xây dựng chương trình tập huấn: Dự án sẽ tổ chức 2 khóa tập huấn tại 2 xã A Roàng và Hồng Thượng. Mỗi khóa tập huấn 3 ngày trong đó 2,5 ngày về kiến thức và 0,5 ngày thực hành về kỹ năng và phương pháp giảng dạy. Căn cứ theo đó, nhóm tư vấn xây dựng chương trình tập huấn và gửi đến dự án ít nhất 3 ngày trước khi tiến hành tập huấn để góp ý và phê duyệt. Chương trình tập huấn ghi rõ nội dung tập huấn theo từng buổi, phương pháp thực hiện của mỗi nội dung đó. Đồng thời cũng cung cấp loại và số lượng văn phòng phẩm cần thiết cho việc tiến hành tập huấn.

– Xây dựng tài liệu tập huấn: Sau khi chương trình tập huấn được phê duyệt, nhóm tư vấn tiến hành xây dựng tài liệu tập huấn. Nhóm tư vấn cần xây dựng tài liệu tập huấn ToT liên quan đến nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu và gửi đến dự án ít nhất 5 ngày trước khi triển khai tập huấn. Yêu cầu về tài liệu như sau:

Nội dung tài liệu: Dự án đã xác định được 3 loại mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu khả thi và tiềm năng tại 2 xã A Roàng và xã Hồng Thượng bao gồm: mô hình canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu (3 giảm, 3 tăng), mô hình chăn nuôi bò bán thâm canh (trồng cỏ kết hợp với các kỹ thuật ủ thức ăn cho bò), mô hình chăn nuôi lợn từ nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương và quản lý có hiệu quả phân chuồng. Do đó nội dung tập huấn hướng đến việc cung cấp kiến thức và kỹ năng thiết kế, thực hành, và giám sát các mô hình nêu trên.

Cấu trúc tài liệu: tài liệu cần phải được cấu trúc theo đúng tài liệu tập huấn ToT bao gồm 4 phần. Phần 1 trọng tâm vào những kiến thức cơ bản về nông nghiệp thông minh thích ứng biến đối khí hậu (khái niệm, nguyên tắc, vai trò, các ví dụ mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu tại một số địa phương miền núi, chú ý đến đặc thù của miền Trung Việt Nam, phần 2, 3 trọng tâm vào hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, mô hình chăn nuôi bò bán thâm canh và mô hình chăn nuôi lợn. Phần 4 tập trung vào các kỹ năng, phương pháp giảng dạy và hướng dẫn thực hành giảng dạy.

Hình thức tài liệu: Tài liệu phải được trình bày ngắn gọn, dễ hiểu, sử dụng các thuật ngữ phổ biến và gẫn gũi với cộng đồng. Ngoài ra, các nội dung hướng dẫn kỹ thuật cần có hình vẽ hoặc ảnh minh họa. Tài liệu tập huấn cần sử dụng đúng logo theo quy định của nhà tài trợ.

– Xây dựng bài giảng trình chiếu cho tập huấn: Tại các buổi học lý thuyết, tư vấn sẽ sử dụng máy chiếu để trình chiếu các nội dung giảng dạy. Nội dung trình chiếu phải ngắn ngọn, súc tích và sử dụng nhiều hình ảnh trực quan để minh họa cho nội dung tập huấn. Bài giảng trình chiếu cần sử dụng logo đúng theo quy định của nhà tài trợ.

– Tiến hành tập huấn. Tại buổi đầu tiên của khóa tập huấn, tư vấn cần thiết kế phiếu đánh giá đầu vào để kiểm tra mức độ hiểu biết của các học viên tham gia tập huấn về những nội dung liên quan đến biến đổi khí hậu, nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu. Mỗi khóa tập huấn sẽ diễn ra trong 3 ngày, trong đó có 2,5 ngày về kiến thức, kỹ năng và 0.5 ngày thực hành về phương pháp giảng dạy. Khi tập huấn về kiến thức và kỹ năng, cũng cần phải lồng ghép các bài thực hành và nếu có thể nên sắp xếp thực hành tại đồng ruộng. Kết thúc khóa tập huấn, tư vấn cần xây dựng bảng/ phiếu đánh giá kết quả tập huấn nhằm đối sánh với kết quả từ phiếu đánh giá ban đầu. Các thông tin từ phiếu đánh giá sẽ được sử dụng để đưa vào trong báo cáo tập huấn.

– Biên tập tài liêu tập huấn để chuẩn bị cho các học viên  thực hiện các khóa tập huấn lại cho các hộ hưởng lợi: Sau khi kết thúc khóa tập huấn ToT, cán bộ được tham gia tập huấn sẽ tập huấn lại cho các hộ hưởng lợi. Chính vì vậy, tư vấn cần hỗ trợ để biên tập tài liệu tập huấn để cho cán bộ sử dụng trong quá trình tập huấn. Tài liệu được biên tập lại phải đảm bảo đầy đủ nội dung về kiến thức như khóa tập huấn ToT, tuy nhiên cách viết và ngôn ngữ diễn đạt ngắn gọn, sử dụng nhiều hình ảnh minh họa. Đồng thời kèm theo chương trình giảng dạy chi tiết (nêu rõ các mục nội dung, thời lượng giảng dạy và phương pháp giảng dạy cho từng nội dung) dành cho tập huấn viên nguồn; và chương trình của khoá tập huấn lại.

– Viết báo cáo tập huấn: Sau khi kết thúc tập huấn, tư vấn viết báo cáo kết quả đạt được của khóa tập huấn. Nội dung báo cáo bao gồm: (1) Giới thiệu về khóa tập huấn; thành phần tham gia theo nam, nữ; phương pháp thực hiện tập huấn; những nội dung đã tiến hành tập huấn; Đánh giá kết quả tập huấn; những khó khăn và kiến nghị với dự án để có thể áp dụng tốt hơn cho những khóa tập huấn về sau

 3. Sản phẩm giao nộp

– 01 nội dung chương trình tập huấn;

– 01 tài liệu tập huấn (bằng Microsoft Word);

– 01 bài giảng trình chiếu được sử dụng trong quá trình tập huấn (bản Powerpoint);

– 01 tài liệu tập huấn được biên tập lại để sử dụng cho các khóa tập huấn với đối tượng người hưởng lợi (bằng Microsoft Word và bản Powerpoint;

– 01 báo cáo tập huấn;

– Ảnh chụp tư liệu hoá hoạt động.

4. Yêu cầu đối với tư vấn

– Có bằng cấp thạc sỹ liên quan đến ngành nông học, chăn nuôi, và phát triển nông thôn hoặc tương đương.

– Có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, trồng trọt, chăn nuôi

– Có kinh nghiệm làm việc với cộng đồng DTTS.

– Am hiểu về tình hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

– Có kinh nghiệm tiến hành các khóa tập huấn liên quan đến sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu và đào tạo tiểu giáo viên.

5. Phí tư vấn

CRD sẽ thỏa thuận với tư vấn về mức phí sau khi hồ sơ dự tuyển của tư vấn được CRD xét duyệt và lựa chọn. Định mức và tổng kinh phí tư vấn không vượt quá ngân sách được nhà tài trợ phê duyệt.

6. Hồ sơ dự tuyển

  • Thư bày tỏ sự quan tâm
  • Lý lịch khoa học (CV) của tư vấn
  • Đề xuất mức phí tư vấn

Hồ sơ nộp đến Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung trước 18h00 ngày 30/10/2023 theo địa chỉ email: office@crdvietnam.org; Điện thoại: 0234 3529749; Số máy lẻ: (0)

Thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:

Bà: Lê Thị Minh Hải, cán bộ hành chính Trung tâm PTNT miền Trung

Thông tin chi tiết vui lòng xem tại TOR tuyển dụng.