Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Đây là một trong những hoạt động trong khuôn khổ dự án “Thích ứng biến đổi khí hậu lấy trẻ em làm trọng tâm” tại huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.

Mục đích chính của mô hình là áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác hợp lý (xác định thời vụ hợp lý, sử dụng giống tốt, kỹ thuật chăm sóc hợp lý) để giúp lúa sinh trưởng tốt vào giai đoạn cây con nhằm tránh rét, sương muối vào giai đoạn trổ bông từ đó góp phần làm tăng năng suất lúa trong vụ Đông Xuân. Dự án đã hỗ trợ vật tư nông nghiệp, tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. Trong suốt 4 tháng thực hiện, qua, các kiến thức về chọn giống, xác định thời vụ, làm đất, chăm sóc, nước tưới, phát hiện và phòng trừ dịch bệnh hiệu quả đã được dự án hỗ trợ liên tục.

Mặc dù trong quá trình thực hiện mô hình đã gặp rất nhiều khó khăn về thời tiết như rét kéo dài, sương muối, người dân chưa quen với việc áp dụng kỹ thuật vào trồng lúa. Các biện pháp trồng lúa thích ứng với biến đổi khí hậu còn quá xa vời với người dân nơi đây. Tuy nhiên, do công tác tổ chức, quản lý và thực hiện tốt nên đã huy động được sự tham gia chủ động của người dân và họ đã hiểu và làm đúng các yêu cầu của dự án để giảm thiểu rủi ro do các tác động của các điều kiện thời tiết bất lợi.

Sau hơn 4 tháng thực hiện, người dân đã biết cách phân loại giống, sử dụng giống, kỹ thuật ủ giống, làm đất, bón phân đúng lúc đúng cách, sử dụng nước tưới hiệu quả, công tác chống chuột cũng đã được chuyển giao thành công. Anh Phạm Văn Đót, trưởng nhóm mô hình đã tâm sự“Mô hình đã giúp chúng tôi hiểu rõ hiệu quả của việc áp dụng kỹ thuật vào trồng lúa. Áp dụng các kỹ thuật đã mang mại hiệu quả thực sự ngoài mong đợi của chúng tôi. Năng suất lúa ước tính đạt 2,5-3 tạ/sào” anh nói tiếp “Áp dụng giống mới (KD18) đã cho năng suất cao hơn khoảng 50-60% so với giống cũ, cây lúa khỏe, không đổ ngã và sức chống chịu sâu bệnh tốt. Việc sử dụng nước tưới đúng cách đã chống được hiện tượng khô hạn và tăng hiệu quả từ bón phân. Áp dụng giấy Nilon đã ngăn chặn được sự phá hoạt của chuột so với trước đây”. Theo anh Phạm Văn Kem, trưởng thôn Con Rã thì mô hình đã chỉ ra những cái hay cái mới so với các mô hình trước đây. Các mô hình trước đây chỉ quan tâm đến năng suất mà ít chú ý tới kỹ thuật phòng tránh với các điều kiện thời tiết bất lợi. Anh Kem cũng tâm sự rằng “Người dân thấy làm theo mô hình thì lúa ít cỏ, ít bệnh hơn, không còn lo chuột phá hại và được nhiều lúa hơn, …”

Trong suốt quá trình phối hợp và cùng chỉ đạo thực hiện mô hình với các nhân viên dự án, lãnh đạo địa phương đã rút ra được những bài học quí trong công tác chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện hoạt động sản xuất. Theo chị Lê Thị Trâm, phó chủ tịch UBND xã Ba Bích thì sự hỗ trợ nhiệt tình và trách nhiệm của cán bộ dự án không chỉ giúp cho nhóm hộ mô hình trồng lúa tốt mà còn giúp cho cán bộ nông nghiệp của xã nâng cao trình độ và phương pháp chuyển giao kỹ thuật để chỉ đạo việc trồng lúa tại địa phương trong bối cảnh thời tiết, khí hậu thay đổi bất lợi. Chị Trâm cũng đề xuất dự án nên tiếp tục hỗ trợ trong vụ Hè thu để nhiều người dân ở những thôn khác được hưởng lợi.

Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay kết quả thu được từ mô hình là rất tốt. Người dân và chính quyền địa phương rất vui khi dự án đã có phương pháp tiếp cận phù hợp và mang lại hiệu quả cao cho sản xuất lúa tại địa phương. Thay mặt nhóm hộ hưởng lợi anh Phạm Văn Đót xúc động gửi lời cảm ơn đến những giúp đỡ của tổ chức Plan, Trung tâm PTNT miền Trung và các cấp chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để nhóm có được vụ mùa bội thu như hôm nay. Anh Đót cam kết sẽ cùng nhóm tiếp tục chia sẻ những kiến thức, những kinh nghiệm trong suốt quá trình tham gia xây dựng mô hình cho những người dân khác trong cộng đồng và mong muốn dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho nhóm cũng như người dân chưa được hưởng lợi khác trong những vụ tiếp theo.

Không chỉ riêng tại xã Ba Bích mà các mô hình tại ba xã Ba Dinh, Ba Tô và Ba Xa cũng thu được nhiều kết quả tốt, người dân cũng có những nhận định và cảm nghĩ tương tự như tại xã Ba Bích. Với những thành công bước đầu này, hy vọng người dân và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục duy trì, chia sẻ và nhân rộng những kinh nghiệm và thành quả của dự án ra các hộ khác trong thôn, trong xã. Nhóm các hộ trực tiếp thực hiện mô hình trong vụ Đông Xuân này sẽ là những hạt nhân quan trọng để những người khác đến tham quan và học tập từ đó, hoạt động trồng lúa của địa phương ngày càng có hiệu quả hơn và thích ứng tốt với bối cảnh biến đổi khí hậu./.

 

Một số hình ảnh về thu hoạch mô hình lúa:

image005

Hình 1: Cánh đồng lúa mô hình tại xã Ba Bích, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi

image001

Hình 2: Lúa thu hoạch có sự hỗ trợ của máy gặt cầm tay (thủ công)

image002

Hình 3: Lúa được nông dân dồn lại trước khi tuốt hạt mang về nhà

image006

Hình 4: Tuốt lúa bằng máy tự chế (thủ công)

image007

Hình 5: Người dân cùng cán bộ dự án trong niềm vui ngày mùa

     Đỗ Cao Anh – Phan Công Tam (cán bộ kỹ thuật của CRD tại Ba Tơ – Quảng Ngãi)

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x