Hai lễ hội văn hóa tâm linh đã được khôi phục sau thời gian dài bị mai một. Sau 60 năm đối với lễ hội A Za và sau 44 năm đối với lễ hội tạ ơn Giàng xứ. Các lễ hội đã được khôi phục nguyên bản theo nghi thức truyền thống với sự tham gia tự nguyện của cả cộng đồng, hội đồng già làng các thôn, xã Hương Nguyên (Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) từ việc lập kế hoạch đến tổ chức thực hiện.
Lễ hội Tạ ơn Giàng xứ xã Hương Nguyên
Sống lại nét đẹp văn hóa nhiều năm bị ngủ quên
Những ngày đầu lên xã Hương Nguyên, khi làm khảo sát về văn hóa truyền thống, có những phong tục người nhớ người quên. Đặc biệt, đối với lễ hội Aza và lễ hội Tạ ơn Giàng xứ chỉ có các già làng còn tường tận thời gian, địa điểm, cách thức tổ chức. Thế nhưng, cũng phải ghép các ký ức mới có thể hoàn chỉnh về “bức tranh” lễ hội. Nhiều người thuộc thế hệ trung niên, thanh niên gần như chỉ còn biết đến tên của lễ hội mà không biết trong lễ hội đó mang ý nghĩa gì.
Anh Nguyễn Chiến, thôn Giồng cho biết: Nhiều năm nay lễ hội Aza mừng lúa mới, các lễ tạ ơn thần rừng chưa được tổ chức ở cấp thôn, cấp xã. Bản thân anh là trưởng thôn, nhưng để khôi phục lễ hội thì cần đến các già làng ”.
Sau nhiều tháng chuẩn bị,100% người dân tham gia lễ hội đều tự nguyện với tinh thần tự hào, phấn khởi với nét đẹp văn hóa truyền thống nói chung và văn hóa “Kiêng cử, giữ rừng” nói riêng thể hiện qua các bình luận, lượt chia sẻ trên các trang facebook. Thông qua các lễ hội văn hóa tâm linh, các thông điệp truyền thông về bảo vệ tài nguyên rừng và động vật hoang dã được đưa vào các bài cúng, lời khấn niệm với thần linh được xem như lời hứa của cộng đồng về bảo vệ rừng đã được lồng ghép thành công. Đồng thời các lễ vật cúng tế trong các lễ hội không còn là những sản phẩm săn bắt, thu hái từ rừng mà thay vào đó là những vật nuôi, cây trồng mà người dân tự sản xuất. Hành động này đã tạo ra một bước thay đổi nhận thức và hành vi đáng kể thể hiện qua việc không sử dụng lễ vật cúng từ rừng như trước đây, sự nhận thức của người dân về tầm quan trọng của rừng và sự cam kết của họ để đẩy lùi các hành động xâm hại đến rừng.
Một số khuyến nghị chính sách
Các lễ hội văn hoá truyền thống được tổ chức trong khuôn khổ dự án Tăng cường năng lực bảo tồn tài nguyên rừng, đa dạng sinh học gắn với phát triển sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số sống gần khu bảo tồn thiên nhiên Sao La cho thấy rằng yếu tố văn hoá có vai trò quan trọng trong bảo vệ rừng. Chính quyền địa phương, nhất là Phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới cần tiếp tục hỗ trợ để thúc đẩy khôi phục và bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với rừng núi của đồng bào Cơ Tu. Không áp đặt hay lồng ghép lễ hội vào các hoạt động khác vì người dân muốn có không gian thiêng liêng để diễn xướng tâm linh việc lồng ghép sẽ khiến lễ hội phần nào bị mất đi không gian thiêng liêng riêng và làm sai khác về vai trò chủ thể chính của lễ hội. Có thể liên kết các xã trên địa bàn huyện để tổ chức chuỗi các lễ hội văn hóa truyền thống gắn với du lịch sinh thái cộng đồng đang được phát triển trên địa bàn. Ngoài ra, cần tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về văn hóa truyền thống để giáo dục sâu rộng cho thế hệ trẻ về các giá trị văn hóa truyền thống và vai trò của nó trong bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên rừng và bảo tồn ĐDSH. Các trường học trên địa bàn huyện A Lưới nên lồng ghép các chủ đề văn hóa truyền thống trong các chương trình ngoại khóa cho học sinh.
Lễ hội mừng lúa mới tại thôn Giồng
Già làng Hồ Văn Hương năm nay đã trên 90 tuổi, cụ nói rằng: Già dù tuổi cao, nhưng biết có lễ cho Giàng Xứ, già nói con cháu đưa tới để chứng kiến. Lễ hội nuôi phần hồn người Cơ Tu, như nuôi cái cây để tre già măng mọc, những người thế hệ trước truyền dạy đạo lý cho thế hệ sau… Nhiều người truyền thông về bảo tồn tài nguyên rừng, nhưng nếu hiểu biết về vốn văn hóa đồng bào Cơ Tu thì sẽ hiểu đồng bào Cơ Tu từ ngàn xưa đã yêu rừng, coi trọng rừng lắm!