Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Nắng tháng mười vàng óng, làm lung linh thêm những “hạt ngọc trời” và lấp lánh niềm vui của bà con đồng bào Cơ Tu xã Hương Nguyên.

Ngày 12.10, Chuyên gia tư vấn của Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD), Đại học Nông Lâm, Đại học Huế đã đến thăm cánh đồng lúa Ra Dư đang độ trổ bông trên đất keo tràm của hộ gia đình chị Hồ Thị Bê (Thôn Y Rí, xã Hương Nguyên, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Thạc sỹ Phan Văn Hùng (CRD) hướng dẫn chăm sóc Ra Dư


Qua đó, Thạc sỹ Phan Văn Hùng (CRD) đã hướng dẫn gia đình chị Bê chăm sóc và cách phòng tránh chim đến phá khi lúa ra bông và chín.
Đứng giữa đồng Ra Dư khỏe mạnh cao ngang mặt người, ngát xanh sau hơn ba tháng hè hạn hán, chị Bê vui mừng chia sẻ: “Nhờ có dự án Tăng cường năng lực về bảo tồn tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, gắn với phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số sống gần khu Bảo tồn thiên nhiên Sao La, tỉnh Thừa Thiên Huế gia đình chị lần đầu tiên trồng thành công lúa đặc sản của A Lưới trên đất keo tràm với diện tích là 1,5 ha”. Theo chị Bê với giá bán lúa Ra Dư trên thị trường hiện nay, nếu trước đây chỉ trồng keo tràm mang thu nhập 50 triệu/ha trong ba năm thì khi trồng xen lúa trên đất keo tràm gia đình chị sẽ cải thiện thu nhật từ 12 -15 triệu đồng/1,5 ha/vụ.

Chị Hồ Thị Bê trên mô hình trồng lúa Ra Dư trên đất rừng keo tràm


Được biết, mô hình lúa Ra Dư không chỉ phát triển giống lúa bản địa với câu chuyện văn hóa về loại gạo chỉ dành cho chàng Rể trong truyền thuyết mà còn nâng cao thu nhập, giúp bà con có phương pháp sản xuất mới không đốt nương làm rẫy, tăng cường đa dạng cây trồng cho rừng keo tràm.

“Hạt ngọc trời” Ra Dư vươn lên cùng cây keo ra bông


Hoạt động có sự tài trợ của Chương trình các dự án nhỏ (SGP), Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP tài trợ) với sự thực hiện của huyện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện A Lưới.