Lời nói đầu
Trong thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chương trình, chính sách nhằm phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Với vùng nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới hay Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững là một trong những chương trình trọng điểm của Đảng và Nhà nước hiện nay. Mục tiêu chung của các chương trình là cải thiện đời sống vật chất, tinh thần và nâng cao dân trí cho người dân, đặc biệt là nhóm người nghèo, dễ bị tổn thương. Mặc dù các chương trình này đã góp phần đáng kể trong việc thay đổi diện mạo cũng như đời sống người dân ở các vùng nông thôn, nhưng những thành tựu đạt được chưa thực sự tương xứng với mục tiêu đã đề ra và chưa tạo được sự phát triển bền vững. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới vấn đề này, tuy nhiên việc chưa phát huy dân chủ, chưa huy động được sự tham gia và sức mạnh của toàn dân trong việc lập kế hoạch, thực hiện và giám sát các hoạt động đã làm giảm hiệu quả cũng như sự bền vững của các chương trình. Thực tế cho thấy, tổ chức tốt các hoạt động đối thoại cộng đồng nhằm phát huy dân chủ, tăng cường công khai, minh bạch và tính trách nhiệm giải trình là một trong những yếu tố quan trọng để người dân được biết, được bàn, trên cơ sở đó họ sẽ tham gia một cách tích cực và chủ động trong quá trình thực hiện cũng như để duy trì các thành quả của chương trình. Với mong muốn góp phần tổ chức tốt các hoạt động đối thoại cộng đồng, Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung phối hợp với Hội đồng nhân dân huyện Nam Đông và huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế biên soạn cuốn tài liệu “Quy trình hướng dẫn tổ chức đối thoại cộng đồng”.
Tài liệu cung cấp các khái niệm cơ bản và các bước cụ thể để tổ chức một cuộc đối thoại cộng đồng. Bên cạnh đó, tài liệu cũng cung cấp một số kỹ năng liên quan, giúp các cán bộ cơ sở tổ chức được các buổi đối thoại chất lượng và hiệu quả.
Đối tượng sử dụng tài liệu này là cán bộ, công chức, viên chức thực hiện các chương trình và chính sách phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn các cá nhân và tập thể đã tham gia góp ý và chỉnh sửa để hoàn thiện cuốn tài liệu này, gồm: Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung Việt Nam; Hội đồng nhân dân huyện Nam Đông; Hội đồng nhân dân huyện Phong Điền; và Ban quản lý và người dân 02 xã Thượng Nhật (huyện Nam Đông) và xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền), những người đã và đang tham gian thực hiện dự án “Nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Thừa Thiên Huế”. Chúng tôi cũng chân thành cảm ơn Đại sứ quán Ai-Len đã tài trợ cho dự án cũng như cho hoạt động này.
Xem/tải tài liệu tại đây: CRD_Tailieuhuongdan_Quytrinhtochucdoithoaicongdong