Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Tiêu đề: Tuyển chọn tư vấn thực hiện Nghiên cứu xây dựng chỉ số và cơ sở dữ liệu cho giám sát đánh giá tác động VPA – FLEGT đến người dân tộc thiểu số

Tổ chức điều phối: Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung Việt Nam (CRD)

Thời gian thực hiện: Ngày 18 tháng 9 đến 31 tháng 10 năm 2021

1. Giới thiệu

Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT)  giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu được ký kết vào ngày 19/10/2018 và có hiệu lực từ ngày 01/6/2019. Hiệp định được ban hành kèm theo Quyết định số 1642/QĐ-TTg ngày 14/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Phụ lục IX, những tác động về kinh tế, xã hội và môi trường của quá trình thực thi Hiệp định phải được giám sát và đánh giá, và, dựa trên cơ sở đó, đề xuất những biện pháp phù hợp để giảm thiểu các tác động tiêu cực nếu có lên cộng đồng người dân tộc thiểu số (DTTS) và các cộng đồng ở nông thôn, các hộ gia đình và ngành công nghiệp gỗ theo cam kết ở Điều 16 của Hiệp định. Theo đó, Khung giám sát và đánh giá tác động VPA/FLEGT đã được xây dựng và phê duyệt tại Quyết định số 2/2021 của Ủy ban thực thi chung (JIC).

Khung giám sát và đánh giá tác động VPA/FLEGT đã xác định các lĩnh vực tác động về xã hội, môi trường, kinh tế, thực thi luật/quản trị và về hợp tác quốc tế đồng thời đưa ra các chỉ số cho mỗi lĩnh vực. Tuy nhiên, các chỉ số tác động của VPA FLEGT đến người dân tộc thiểu còn chung chung và chưa đầy đủ, đồng thời nhiều chỉ số chưa có cơ sở dữ liệu ban đầu. Do đó, một nhiệm vụ đã được đặt ra là phát triển chỉ số và xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu để thực hiện giám sát đánh giá tác động của VPA FLEGT.

Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung (CRD) được tài trợ bởi Tổ chức Hợp tác Quốc tế CHLB Đức (GIZ) để thực hiện Nghiên cứu xây dựng chỉ số và cơ sở dữ liệu cho giám sát và giá tác động VPA/FLEGT đến đối tượng người dân tộc thiểu số. Mục tiêu của nghiên cứu là:

– Tổng quan tài liệu về chỉ số giám sát tác động của VPA/FLEGT đến cộng đồng dân tộc thiểu số;

– Xác định 10 huyện điển hình trên toàn quốc để xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu cho giám sát tác động của VPA/FLEGT đến cộng đồng dân tộc thiểu số trong thời gian tới;

– Khảo sát đánh giá và xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu cho giám sát tác động của VPA/FLEGT đến cộng đồng dân tộc thiểu số

Tiến trình thực hiện của hoạt động trên gồm có (1) Tổng quan tài liệu để xây dựng bộ chỉ số, phương pháp xác định địa điểm khảo sát, công cụ thu thập thông tin; (2) Tham vấn đóng góp ý kiến cho bộ chỉ số, phương pháp, và công cụ thu thập thông tin; (3) Thực hiện khảo sát thí điểm để thu thập thông tin theo các chỉ tiêu, phương pháp, và cộng cụ đã được xây dựng; (4) Hoàn thiện bộ chỉ số, phương pháp và công cụ khảo sát; và (5) Viết báo cáo khảo sát thí điểm.         

CRD cần tuyển chọn 02 tư vấn có kinh nghiệm để thực hiện tốt nghiên cứu này.

2. Nhiệm vụ của tư vấN

– Tổng quan tài liệu để phát triển chỉ số và phương pháp cho giám sát và đánh giá tác động của VPA FLEGT đến người dân tộc thiểu số.

– Phát triển các công cụ khảo sát bao gồm bảng hỏi phỏng vấn hộ, hướng dẫn thảo luận nhóm và biểu mẫu thu thập số liệu thứ cấp

– Tổ chức lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia về chỉ số giám sát đánh giá tác động VPA FLEGT đến người dân tộc thiểu số , phương pháp và công cụ khảo sát

– Hoàn thiện chỉ số giám sát đánh giá, phương pháp và công cụ khảo sát

– Thực hiện hoạt động khảo sát thí điểm tại một địa phương cụ thể (chủ yếu là phỏng vấn sâu cá bên liên quan)

– Xử lý số liệu và viết báo cáo khảo sát thí điểm theo các chỉ số giám sát đánh giá tác động VPA FLEGT đến người dân tộc thiểu số.

3. Sản phẩm yêu cầu

– Bộ chỉ số giám sát đánh giá tác động VPA FLEGT đến người dân tộc thiểu số theo các lĩnh vực đã được xác định trong Khung GSĐG tác động VPA FLEGT đã được Uỷ ban thực hiện chung (JIC) thông qua.

– Phương pháp chọn điểm nghiên cứu và 10 huyện đại diện được đề xuất để thực hiện khảo sát

– Công cụ khảo sát bao gồm: Bảng hỏi phỏng vấn hộ; Chủ đề thảo luận nhóm; biểu mẫu thu thập số liệu thứ cấp

– Tổng hợp kết quả phỏng vấn sâu 8- 10 đại diện các bên liên quan

– Cơ sở dữ liệu và báo cáo khảo sát thí điểm tại một địa phương cụ thể

Cách nộp hồ sơ:

Các cá nhân, nhóm quan tâm vui lòng gửi:

  • Lý lịch khoa học (CVs) của tư vấn
  • Đề xuất kỹ thuật và tài chính

đến Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD), trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế trước 17h ngày 10/09/2021, theo địa chỉ email: office@crdvietnam.org