Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao 31.626,8 ha rừng tự nhiên cho trên 80 cộng đồng và 225 nhóm hộ quản lý. Hầu hết diện tích này là rừng nghèo kiệt, và cộng đồng đang tìm kiếm các cơ hội để phục hồi và làm giàu rừng. Một trong các khó khăn của cộng đồng để hiện thực hóa mong muốn này đó là tiếp cận cây giống bản địa. Trước thực tế này, CRD đã hỗ trợ phát triển các vườn ươm cộng đồng, với mục đích giúp cho cộng đồng dân tộc thiểu số sản xuất cây giống để phục hồi và làm giàu rừng, đồng thời tạo việc làm, thu nhập cho dân từ hoạt động sản xuất, kinh doanh cây giống sau này.
Năm 2020, CRD bắt đầu hỗ trợ cộng đồng tại xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông xây dựng vườn ươm. CRD đã cùng với các cộng đồng và nhóm hộ được nhà nước giao rừng để quản lý bảo vệ (sau đây gọi là cộng đồng/nhóm QLBVR) xây dựng các tiêu chí (bao gồm: diện tích, vị trí, chất lượng đất đai, tính cam kết và đóng góp của hộ thành viên tham gia) chọn cộng đồng/nhóm QLBVR để xây dựng vườn ươm. Sau đó, một cuộc họp các bên liên quan bao gồm đại diện các cộng đồng/nhóm QLBVR, đại diện lãnh đạo xã, các tổ chức đoàn thể xã và ban điều hành các thôn đã được tổ chức để lựa chọn dựa trên tiêu chí này, và một nhóm QLBVR với 08 hộ gia đình thành viên đã được chọn để xây dựng vườn ươm.
Sau khi chọn được nhóm QLBVR, CRD đã hỗ trợ xây dựng Quy chế quản lý vận hành vườn ươm thông qua tổ chức hàng loạt các cuộc họp, thảo luận với nhóm QLBVR. Quy chế được nhóm QLBVR xây dựng và ban hành với các nội dung cơ bản về tổ chức quản lý, vận hành; trách nhiệm, quyền lợi; hoạt động sản xuất kinh doanh; quản lý tài chính và cơ chế chia sẻ lợi ích. Quy chế này đã được UBND xã Thượng Lộ phê duyệt theo quyết định số 99/QĐ-UBND ngày 06/12/2021 để đảm bảo tính pháp lý.
Tiếp theo đó, CRD đã hỗ trợ thực hiện chuỗi các hoạt động xây dựng năng lực cho nhóm QLBVR. Tổ chức 05 khóa tập huấn về các chủ đề: Kỹ thuật thiết kế và xây dựng vườn ươm; kỹ thuật gieo ươm các giống cây gỗ, phi gỗ bản địa và các loại cây thuốc nam; kỹ năng xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh. Tổ chức 01 chuyến tham quan học tập cho các thành viên của nhóm tại các cơ sở vườn ươm tốt. Ngoài ra, cán bộ CRD thường xuyên giám sát và hướng dẫn kỹ thuật trực tiếp tại vườn để giúp người dân làm theo đúng các kỹ thuật đã được giới thiệu.
CRD đã hỗ trợ một phần kinh phí (30%) thông qua một dự án cùng với đóng góp của nhóm QLBVR để mua sắm các phương tiện thiết yếu cho vườn ươm. Vườn ươm cộng đồng của nhóm QLBVR có diện tích 1.200 m2, được thiết kế 10 luống gieo ươm (kích thước luống gieo 10 x 1,2 m), lắp đặt hệ thống tưới phun sương, tường rào bằng lưới B40, và lưới chống nắng trên luống gieo ươm. Vườn ươm có khả năng sản xuất 10.000-15.000 cây giống/năm.
Sau 03 năm vận hành vườn ươm, nhóm QLBVR đã tổ chức sản xuất được 04 vụ với số lượng cây giống xuất vườn là: 7.000 cây giống gỗ bản địa gồm Lim xanh và Ươi, 5.000 cây giống gừng Gió và 450 cây giống dược liệu bản địa. Cây giống sản xuất ra được cung cấp cho các cộng đồng/nhóm QLBVR của xã để trồng dưới tán rừng tự nhiên thông qua một số chương trình/dự án. Ngoài ra, nhóm QLBVR đã tiếp thị đến các đơn vị có nhu cầu trồng rừng và đã xuất bán 4.500 cây giống lim xanh và 4.400 cây giống gừng gió cho trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Nam Đông và thu được trên 20 triệu Đồng, bước đầu tạo thêm nguồn thu nhập cho các hộ thành viên của nhóm QLBVR.
Vườn ươm của nhóm QLBVR đã tạo thành một điểm tham quan học tập và chia sẻ kinh nghiệm cho các cộng đồng QLBVR tại địa phương cũng như ở các địa phương khác. Từ khi vườn ươm được xây dựng đến nay, nhóm QLBVR đã đón tiếp và chia sẻ kinh nghiệm cho 08 đoàn tham quan đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc và khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Qua đây, những thành công của mô hình có thể được nhân rộng không chỉ trong phạm vi một xã mà còn mở rộng ra các tỉnh khác.
Từ những thành công của mô hình vườn ươm tại xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, CRD đã hỗ trợ nhân rộng mô hình này tại 03 xã Hồng Kim, Quảng Nhâm và Hồng Vân của huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế trong khuôn khổ Dự án “Phát triển sinh kế gắn với bảo tồn ĐDSH cây dược liệu bản địa cho cộng đồng dân tộc thiểu số tại miền Trung Việt Nam”. CRD đã áp dụng quy trình tương tự để hỗ trợ xây dựng vườn ươm tại các xã của huyện A Lưới. Tuy nhiên, một điểm đặc biệt đó là các vườn ươm này đều do nhóm nữ chủ trì, họ là các thành viên của các cộng đồng QLBVR tại xã. Diện tích của mỗi vườn ươm giao động từ 500m2 đến 1000m2 với công suất tương ứng từ 5000 đến 10000 cây/năm. Hiện tại, các vườn ươm đang tập trung sản xuất cây giống dược liệu bản địa để trồng bổ sung dưới tán rừng cộng đồng