Bão chồng lên bão, lũ chồng lên lũ… cơn đại hồng thủy lịch sử vừa đến miền Trung khiến hàng ngàn làng mạc ở đây biến thành “ốc đảo” vì giao thông đi lại bị chia cắt, nhiều chỗ đến hôm nay vẫn chìm trong nước. Vùng nước đã rút thứ để lại cho người dân là nơi chít khăn tang, nơi nhà trống, đồng trắng, chuồng không… bao mồ hôi đã đội lũ ra đi theo dòng nước bạc hung dữ.
Bao cảnh mất, còn vì lũ
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, bão chưa qua lũ đã đến. Một tuần mưa lớn vào giữa tháng 10 gây ra lũ quét, lũ xoáy, sạt lở từ thượng nguồn đổ về hạ du khiến các con phố “chung một dòng sông”, hàng trăm làng xóm bị nước vây, cô lập hoàn toàn. Sông Hương, sông Bồ nước lũ có đoạn cao hơn 3m, vượt mốc lũ lịch sử năm 1999 cách đây 20 năm.
Cả nước hướng về khúc ruột miền Trung nơi đang có những câu chuyện thương tâm vì thiên tai. Ngày 12/10, một người chồng ở xã Phong An (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) thuê đò đưa vợ đi sinh bị lật úp, sản phụ 35 tuổi đang kỳ chuyển dạ bị nước lũ cuốn trôi. Người chồng mất vợ và đứa con sắp chào đời quằn quại giữa cơn mưa trắng xóa chắp tay vái Trời, gọi “vợ ơi” ám ảnh. Ở tỉnh Quảng Nam, hai mẹ con bị điện giật tử vong, hai bé em 13, 14 tuổi lội nước trượt chân thiệt mạng…
Cuộc sống người dân đảo lộn, nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh nhiều ngày không điện, không tin tức báo đài, không nước sạch, cạn kiệt lương thực thực phẩm. Ở các rốn lũ như huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), Minh Hóa (Quảng Bình), Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang (Thừa Thiên Huế); Hải Lăng (Quảng Trị), Tây Giang, Đại Lộc, Tam Kỳ (Quảng Nam),… người dân gồng lên để bảo vệ tài sản đã chắt chiu, bảo vệ lúa thóc, gia súc, gia cầm, hoa màu, thủy sản nuôi… nhưng “lực bất tòng tâm” để “Hà Bá cướp đi”. Những chiếc giường, gác mái thành chuồng heo, gà “dã chiến”… chỉ là vớt vát được chút nào hay chút ấy. Nơi nước lút mái không cần thống kê cũng hiểu được tài sản đã ngâm mình cho nước.
Một sinh viên viết dòng trạng thái lên facebook đầy xót xa: “Mạ nói, học phí năm ni đã trôi theo đàn heo”… Có nhiều gia đình sau cơn bão số 05 bị tốc mái vẫn chưa kịp có tiền để lợp lại tôn, nay thêm cảnh “màn trời, chiếu lũ”.
Mất mát bao nhiêu mong dựng lại bấy nhiêu
Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 23 giờ ngày 13/10, miền Trung có 48 người chết và mất tích do mưa lũ, 212 xã, phường với 135. 329 hộ bị ngập, 585 ngôi nhà bị hư hỏng, đổ sập, 135.731 nhà bị ngập; 870 ha lúa, 5314 ha hoa màu bị ngập, vùi lấp trong lũ và bùn non, 3588 ha thủy sản bị thiệt hại, 332.350 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Đợt mưa lũ được dự báo kéo dài đến hết tháng 10, thiệt hại dường như vẫn chưa dừng.
Trong khi miền Trung vừa vượt qua gian khó ứng phó với Covid 19, nay bão lũ triền miên, thiên tai và dịch họa thách thức người dân nơi đây không chỉ cơm gạo, thực phẩm trong mấy ngày lũ mà còn về lâu dài khi mùa mưa bão chỉ mới bắt đầu.
Hơn bao giờ hết, ngay bây giờ người dân đặc biệt là nông dân, dân nghèo miền Trung đang cần đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, sự an toàn trong lũ; cần được quan tâm, có kế hoạch phục hồi kinh tế, san sẻ về nỗi lo sinh kế sau lũ rút.
Dưới đây là một số hình ảnh cơn lũ lịch sử miền Trung:
Ảnh Người dân ở hạ lưu sông Bồ, Thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế) rơi vào cảnh khó khăn khi đàn gia cầm, gia súc bị chết hoặc bị cuốn trôi, theo phóng viên Hữu Khá, báo Tuổi Trẻ. Phóng viên Hữu Khá cho biết, tại triền sông Bồ, hàng ngàn hộ dân nuôi cá bè rơi vào cảnh điêu đứng khi nước phù sa từ thượng nguồn đổ về khiến cá chết la liệt. Nhiều cánh đồng khoai, sắn của bà con chưa kịp thu hoạch cũng chìm trong lũ, trắng tay
Người dân điêu đứng vì cá lồng chết tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế), theo báo Pháp Luật Việt Nam
Vớt vát gia súc đưa lên nơi cao nhất của ngôi nhà – tại thành phố Huế, theo Văn Ngọc, báo Tiền Phong.
Làng ngập chỉ còn thấy mái ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, theo Tiến Thành báo Dân Trí.
Người đàn ông đã bật khóc khi nhận được mì tôm kịp thời sau mấy ngày lũ bị cô lập trong chính căn nhà của mình, theo các phóng viên Văn Thắng, Thụy Quyên và Thu Hương báo Sài Gòn Giải Phóng.
Hình ảnh đau lòng người chồng mất vợ và người con sắp chào đời khi đi đưa vợ đi vượt cạn trong đoạn đường lũ, theo báo Vietnamnet
Người dân bất chấp nguy hiểm mong cứu vớt gia súc, theo tạp chí Kiến thức tổng hợp từ mạng xã hội
Trại gà 13.000 con chết 10.000 con tại Triệu Ái, Triệu Phong (Quảng Trị) – Ảnh tạp chí Kiến Thức tổng hợp từ mạng xã hội
Người dân chỉ còn biết khóc vì tài sản bị lũ quét sạch
Bảo Hòa tổng hợp