Ngày 23/8, Các chuyên gia tư vấn của Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD), Đại học Nông Lâm Huế đã kiểm tra và hướng dẫn nhóm 1 và nhóm 3 quản lý bảo vệ rừng của thôn Mù Nú Tà Rá chăm sóc thiên niên kiện ở khu vực rừng cộng đồng xã Hương Nguyên huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế.
Chăm sóc thiên niên kiện dưới tán rừng tự nhiên
Đây là đợt kiểm tra, chăm sóc thiên niên kiện thứ hai trong năm kể từ đợt chăm sóc vào tháng 3 và tháng 4 trước đó. Cho đến nay, dù thời tiết khô hạn kéo dài nhưng mô hình thiên niên kiện dưới tán rừng vẫn duy trì được màu xanh, phát triển tốt.
Dịp này, các tư vấn CRD hướng dẫn bà con phương pháp chăm sóc sau khi trồng như: phát dây leo, cây bụi rậm. Sau khi phát quang, bà con dùng A – ving (dụng cụ làm đất của đồng bào Cơ tu) xới xáo, khơi rãnh để đất tơi xốp, tránh ngập úng thiên niên kiện khi mùa mưa đang đến gần.
Phát quang cây leo, cành khô cho thiên niên kiện
Thạc sỹ Phan Văn Hùng, chuyên gia CRD cho biết: Hiện nay, nhóm chuyên gia biên soạn tài liệu của CRD đã hoàn thiện, in ấn cuốn Kỹ thuật trồng thiên niên kiện dưới tán rừng tự nhiên. Sắp tới, các thành viên trong nhóm hộ và cộng đồng quản lý bảo vệ rừng xã Hương Nguyên sẽ có cuốn tài liệu cầm tay này để nắm rõ quy trình trồng và chăm sóc thiên niên kiện. Hy vọng, trong thời gian đến mô hình được nhân rộng hơn nữa để góp phần tăng tính đa dạng sinh học của rừng đồng thời cải thiện thu nhập cho cộng đồng.
Đây là một trong ba mô hình sinh kế được phát triển bởi CRD thông qua dự án Tăng cường năng lực bảo tồn tài nguyên rừng, đa dạng sinh học gắn với phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số sống gần Khu bảo tồn thiên nhiên Sao La. Dự án do Huyện Đoàn A Lưới thực hiện và được tài trợ bởi Chương trình các dự án nhỏ, Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương Trình phát triển Liên Hợp quốc.
Bảo Hòa