Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Đà Nẵng, thành phố đầu tàu kinh tế miền Trung GDP đạt tốc độ tăng trưởng 11% (chỉ tiêu 13- 13,5%), các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội ngoại trừ lĩnh vực nông lâm thuỷ sản giảm mạnh còn hầu hết đều ở mức tăng trưởng khá. Trong đó giá trị sản xuất công nghiệp- xây dựng tăng mạnh nhất 16,6%; kim ngạch XK hàng hoá dịch vụ đạt 905 triệu USD, tăng 19,5%; tổng vốn đầu tư phát triển hơn 13.219 tỉ đồng, tăng 18,9%; thu ngân sách gần 6.000 tỉ đồng đạt 119,5%… Có được kết quả đó là do ngoài các chương trình thúc đẩy DN, Đà Nẵng còn huy động vốn từ nhiều nguồn để thành lập “Quỹ phát triển thành phố” hỗ trợ cho doanh nghiệp XK vay vốn lãi suất thấp hoặc không lãi cho những lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư…

Ấn tượng nhất là Thừa Thiên- Huế, 2 năm liền 2007, 2008 luôn là địa phương nằm trong tốp dẫn đầu thu hút đầu tư của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Năm 2008, có 74 dự án trong và ngoài nước được cấp chứng nhận đầu tư với tổng nguồn vốn 1.556 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn cho 4 dự án 603,6 triệu USD. Thu hút 13 dự án FDI, với tổng nguồn vốn 1.097 triệu USD, xếp thứ 10/64 tỉnh thành cả nước về thu hút vốn FDI lớn nhất toàn quốc. Tốc độ tăng trưởng GDP giữ ở mức 10,05%, giá trị SX công nghiệp năm 2008 ước đạt 4.755 tỉ đồng, duy trì ở mức tăng trưởng 17,7%, kim ngạch XK đạt 110 triệu USD, tổng vốn đầu tư xã hội 5.784 tỉ đồng; thu ngân sách 1.860,6 tỉ đồng, tăng 19,2%. Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô vẫn là địa chỉ thu hút đầu tư dẫn đầu miền Trung cả về qui mô dự án lẫn nguồn vốn. Năm 2008, khu kinh tế này đã cấp giấy chứng nhận đầu tư 9 dự án và điều chỉnh vốn cho 1 dự án với tổng nguồn vốn 1.371 triệu USD, nâng tổng số dự án ở khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô lên 31 dự án với tổng nguồn vốn trên 1.917 triệu USD. Thu nhập bình quân đầu người từ 560USD năm 2007, năm 2008 đã tăng lên 705,8USD/700USD kế hoạch. Đó chính là kết quả của hàng loạt giải pháp tích cực của tỉnh trong các chương trình dự án trọng điểm, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển; xem trọng việc công khai hoá, minh bạch hoá các cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, gỡ khó cho DN…

Khánh Hoà, tỉnh nhiều năm trở lại đây “nổi đình nổi đám” của miền Trung với 3 địa chỉ “vàng” là Vịnh Văn Phong, Vịnh Nha Trang và bán đảo Cam Ranh đã và đang thu hút hàng loạt dự án công nghiệp, du lịch lớn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, năm 2008 này vẫn là địa phương có tốc độ tăng trưởng cao. Năm 2007 GDP tăng 11% thì năm 2008 này tăng 11,3%, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.200USD, kim ngạch XK tăng 11,3%, thu ngân sách tăng 26%.

Bình Định, “cửa ngõ” của Tây nguyên ra biển lớn năm 2008 dù có nhiều khó khăn khi thế mạnh của địa phương là SX chế biến lâm thuỷ sản, khoáng sản… bị chững lại, tốc độ tăng trưởng GDP dù không đạt chỉ tiêu nhưng vẫn duy trì ở mức 10,94%, giá trị SX công nghiệp- xây dựng tăng cao nhất gần 17%, kim ngạch XK vượt trên 350 triệu USD, thu ngân sách đạt trên 2.000 tỉ đồng…

Quảng Nam, năm 2008 là địa phương chịu bão lũ nhiều nhất miền Trung nhưng tốc độ tăng trưởng GDP lại tăng cao nhất trên 12,7%.

Quảng Trị, năm 2008 là năm ngành kinh doanh gỗ thất bát, theo ước tính các DN nhập khẩu gỗ từ Lào về năm 2008 lỗ ít nhất trên 300 tỉ đồng do giá cả biến động không tiêu thụ được. GDP cũng đạt mức tăng trưởng 10,3% đạt kế hoạch đề ra (từ 10- 11%), tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 3.300 tỉ đồng, thu ngân sách đạt 671,3 tỉ đồng, kim ngạch XK đạt 35 triệu USD… Nhiều sản phẩm mới đã ghi tên mình vào thị trường XK như tinh bột sắn, nước tăng lực, áo Jaket, phân bón…

Quảng Bình, năm 2008 tốc độ tăng trưởng GDP đạt 12%, kim ngạch XK từ 52,8 triệu USD năm 2007 tăng lên 60 triệu USD năm 2008 này, thu ngân sách đạt 850 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người lần đầu tiên vượt qua mốc 500USD (năm 2008 này đạt 575USD/đầu người)…

Từ những thành công của năm 2008, khi bằng nhiều giải pháp tích cực vượt qua “cơn bão giá” ổn định kinh tế- xã hội và phát triển, bước qua năm 2009, các tỉnh miền Trung tiếp tục đề ra nhiều chỉ tiêu, biện pháp phù hợp với tiềm năng và lợi thế địa phương. Trong đó tốc độ tăng trưởng GDP hầu hết các tỉnh thành miền Trung không đẩy lên cao 14- 15% như dự kiến ban đầu mà đều phấn đấu giữ ở mức từ 10- 12%.

Điều quan trọng nhất, bên cạnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội, năm 2009 này các địa phương miền Trung đặt ưu tiên hàng đầu, tập trung chỉ đạo là vấn đề “ an sinh xã hội ”. Đó là việc làm, đời sống, môi trường, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, giáo dục cho mọi người, chính sách xã hội đối với các đối tượng có công, hộ nghèo, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa; gần dân hơn, giải quyết tốt các khiếu nại tố cáo… Như Đà Nẵng, ngoài một số chỉ tiêu kinh tế như kim ngạch XK tăng 20- 21%, thu ngân sách đạt 7.230 tỉ đồng, huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 15.200 tỉ đồng còn đưa ra hàng loạt chương trình như xử lý môi trường, bồi thường giải toả, bố trí tái định cư hợp lí, giải quyết việc làm, các đại biểu Quốc hội, HĐND không chỉ nghe ý kiến của cử tri tập trung mà phải về các “điểm nóng”, thậm chí ngoài kế hoạch bầu trực tiếp chủ tịch các xã phường như Quốc hội thông qua,
Đà Nẵng còn có đề án dự kiến đề xuất Chính phủ cho phép làm thí điểm đưa ra nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND thành phố… Thừa Thiến- Huế, đưa mức thu nhập bình quân đầu người lên 900USD năm 2009 này, thu ngân sách nhà nước trên 2.145 tỉ đồng, kim ngạch XK trên 140 triệu USD. Đặc biệt, trong 8 chương trình dự án trọng điểm của năm 2009, thì Thừa Thiên- Huế đã đưa chương trình an sinh xã hội và phát triển nông nghiệp nông thôn lên vị trí ưu tiên số 1…

Bên cạnh việc phòng chống, các tỉnh miền Trung còn đi đôi với việc tăng cường quản lý tài nguyên rừng, tài nguyên nước, khoáng sản, quản lí tốt các nguồn thu; cải cách hành chính, triệt để tiết kiệm luôn xem tiêu cực tham nhũng là nguy cơ cao huy động cả hệ thống chính trị tích cực phát hiện, xử lý… Với những bước đi và giải pháp tích cực như vậy, đồng thời đúc rút kinh nghiệm trong chỉ đạo kiềm giá, chống lạm phát năm 2008 người ta tin rằng các tỉnh khu vực miền Trung sẽ vượt qua những khó khăn để tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng, ổn định, phát triển kinh tế- xã hội của kế hoạch năm 2009.

Theo DD KTMT

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x