Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Trong khuôn khổ hoạt động của dự án “Nông nghiệp liên kết hướng đến thu nhập bền vững cho đồng bào thiểu số” do Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Đức tài trợ, Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung và Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam phối hợp tổ chức chuyến tham quan học tập cho 24 thành viên là cán bộ của Ban quản lý dự án huyện, Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp, đại diện Tổ hợp tác, Hợp tác xã và hộ chăn nuôi heo đen tại Kontum và Quảng Nam.

Ảnh 1. Đoàn tham quan học tập mô hình chăn nuôi heo đen tại Hợp tác xã Tâm Đức Phú Quảng Nam

Mục đích của hoạt động tham quan này nhằm nâng cao kiến thức và thực hành về quản lý sản xuất chăn nuôi heo đen, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ heo đen thông qua chia sẻ kinh nghiệm thực tế sản xuất của các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh thịt heo đen. Đồng thời, những thành viên trong đoàn tham quan còn được chia sẻ về cách thức quản lý hiệu quả hoạt động của tổ, nhóm, và Hợp tác xã sản xuất heo đen. Đây là cơ sở để các thành viên của đoàn tham quan áp dụng vào thực tiễn sản xuất của các nhóm chăn nuôi, Tổ hợp tác, và Hợp tác xã tại Huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Đoàn đã tham quan và học tập tại mô hình chăn nuôi heo đen tại xã Đắk Pxi, huyện Đắk Hà và hai cơ sở chế biến thịt heo đen hun khói Bazana và thịt hun khói Huệ Tâm trên địa bàn huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Thành viên của đoàn đã được chia sẻ các kiến thức về thiết kế chuồng trại, chế độ thức ăn, thú y và phòng ngừa dịch bệnh. Tại các cơ sở chế biến thịt heo đen hun khói, thành viên tham gia đoàn đã được tiếp cận các phương pháp chế biến sản phẩm từ thịt heo đen, cũng như cách thức tiếp cận thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm thịt heo đen của các cơ sở này. Nhiều câu hỏi của thành viên trong đoàn tham gia liên quan đến cách thức tổ chức sản xuất chăn nuôi heo đen, quản lý chất lượng sản phẩm thịt heo sau khi giết mổ, cũng như những vấn đề lưu ý trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm đã được các chủ cơ sở trao đổi và giải đáp. Thông qua đó, thành viên đoàn hiểu rõ hơn và sẽ áp dụng tốt hơn những kiến thức này trong thực tiễn sản xuất heo đen tại địa phương. Cũng trong chuyến tham quan học tập này thành viên của đoàn còn được tìm hiểu thêm các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Ban Quản lý khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen. Đây là địa điểm thú vị giúp cho các thành viên mở rộng thêm các phương pháp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Ảnh 2. Đoàn tham quan học tập tại Kontum

Sau 2 ngày tham quan học tập tại tỉnh Kon Tum, đoàn đã đến thăm Hợp tác xã Tâm Đức Phú và Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Quang, là những cơ sở điển hình cho việc quản lý có hiệu quả hoạt động của hợp tác xã tại Quảng Nam. Tại đây, đại diện các Hợp tác xã đã đại diện của các hợp tác xã, hầu hết các thành viên của đoàn tham quan đều đặt vấn đề liên quan đến các chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã hiện nay, những thách thức trong quản lý hợp tác xã và những chiến lược cũng như giải pháp phát triển hợp tác xã trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Hợp tác xã Tâm Đức Phú là một Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Hợp tác xã này đang tập trung phát triển và cung cấp giống heo đen. Đây là cơ hội để học viên được bổ sung thêm các kiến thức về quản lý phát triển chăn nuôi heo đen của Hợp tác xã.

Ảnh 3. Ông Phan Như Phi (Áo đen) chia sẻ về cách thức vận hành Hợp tác xã và phương pháp nuôi heo đen cho đoàn tham quan

Sau chuyến tham quan học tập, hầu hết các thành viên tham gia đoàn đều có những kinh nghiệm thực tiễn nhất định về cách thức tổ chức sản xuất chăn nuôi heo đen, chế biến sản phẩm và tiếp cận thị trường tăng giá trị sản phẩm. Đánh giá về chuyến tham quan này, ông Tôn Thất Nhật, Giám đốc Trung tâm KTNN huyện Nam Giang cho biết:“Việc học tập từ kinh nghiệm và thực tiễn sản xuất của các cơ sở chăn nuôi và chế biến thịt heo đen trong chuyến tham quan này đã củng cố những kiến thức nhất cho cả cán bộ địa phương và những hộ chăn nuôi heo đen. Cụ thể chúng tôi – những thành viên của đoàn tham quan đã hiểu rõ hơn về phương pháp chăn nuôi heo đen theo định hướng an toàn sinh học, chế biến và tiếp cận các sản phẩm từ thịt heo đen với thị trường. Chúng tôi tin tưởng rằng, những kiến thức có được từ chuyến tham quan này sẽ được áp dụng để nâng cao hiệu quả chăn nuôi heo và chế biến, tiêu thụ sản phẩm thịt heo đen tại địa phương”. Tương tự, Ông Bnướch Phan thành viên của HTX Cà Dy cho biết thêm: “Việc tăng giá trị sản phẩm thịt heo đen thông qua đa dạng hình thức chế biến sản phẩm là cần thiết. Thông qua chuyến tham quan này, thành viên của đoàn, cụ thể là các THT, HTX đã nắm bắt được những phương pháp chế biến, những lưu ý cần thiết trong việc chế biến sản phẩm. Đây là điều kiện để áp dụng vào hoạt động chế biến sản phẩm thịt heo đen đang triển khai tại các xã dự án hiện nay.”

Đánh giá về kết quả từ hoạt động tham quan học tập, đại diện hộ chăn nuôi heo đen, bà A Lăng Mát, chia sẻ: “Nhờ có dự án mà bản thân có cơ hội được học tập thêm các kinh nghiệm thực tiễn từ các mô hình thành công. Các kinh nghiệm này rất bổ ích cho người chăn nuôi như tôi và có thể áp dụng được. Tôi sẽ về truyền đạt lại những kinh nghiệm đã học được thông qua chuyến Tham quan này cho nhóm để mọi người cùng áp dụng và phát triển. Hy vọng dự án sẽ có thêm nhiều chuyến tham quan thú vị như thế này để người dân có thêm cơ hội học tập tại thực tiễn”

 

Thực hiện: Nhật Sơn

Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung, Đại học Nông Lâm, Đại học Huế