Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Vào tháng 9 năm 2023, Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD), Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế đã tổ chức cuộc họp tham vấn ý kiến lãnh đạo địa phương để lựa chọn mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh cho cộng đồng dân tộc thiểu số tại 02 xã A Roàng và Hồng Thượng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cuộc họp báo cáo kết quả khảo sát và tham vấn chính quyền và ban ngành địa phương huyện A Lưới về các mô hình hình CSA.

Trước đó, Trung tâm đã thực hiện khảo sát và tham vấn các cộng đồng dân tộc thiểu số tại 2 xã A Roàng và Hồng Thượng về việc lựa chọn các can thiệp phù hợp đối với những mô hình sản xuất nông nghiệp đã có để tăng cường khả năng thích ứng, giảm phát thải, đồng thời tăng năng suất của các mô hình này.

Nối tiếp hoạt động tham vấn cộng đồng, Trung tâm tiếp tục tổ chức cuộc hợp tham vấn ý kiến của chính quyền địa phương cấp huyện, xã và các ban ngành có liên quan để xác định và lựa chọn xây dựng thí điểm các mô hình CSA. Tham dự cuộc họp có đại diện: lãnh đạo UBND huyện và 2 xã dự án; địa diện Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn; Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp; Hội nông dân, và Hội liên hiệp phụ nữ huyện A Lưới.

Tại cuộc họp tham vấn, nhóm tư vấn của Trung tâm đã báo cáo kết quả khảo sát cộng đồng, đồng thời thảo luận về các vấn đề trong quá trình thực hiện mô hình CSA như kỹ thuật ủ thức ăn cho bò, xử lý chất thải trong chăn nuôi, tập huấn nâng cao năng lực cho người dân, và các biện pháp đảm bảo tính bền vững của dự án.

Kết thúc cuộc họp, các bên đã thống nhất lựa chọn 3 loại mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu để triển khai, bao gồm: 1) mô hình chăn nuôi bò bán thâm canh thích ứng với biến đổi khí hậu; 2) mô hình chăn nuôi lợn thích ứng với biến đổi khí hậu; và 3) mô hình canh tác lúa nước thích ứng với biến đổi khí hậu.