Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Một ngày đầu tháng bảy, chúng tôi lên đèo Kim Quy về thôn Chi Đu Nghĩa, xã Hương Nguyên (huyện A Lưới) thăm các mô hình chăn nuôi bò bán thâm canh. Theo chân anh Trần Văn Xây (37 tuổi) khi anh đưa bò ra khỏi chuồng để đi tìm thêm cỏ ngoài đồng. Trên cánh đồng buổi sớm cỏ thơm, người nông dân vừa chăn bò vừa túc tắc kể cho chúng tôi nghe niềm phấn khởi mới sau khi được vay vốn từ quỹ phát triển sinh kế.

Anh Trần Văn Xây bên cạnh con bò của mình

Từ vay năm trăm ngàn đưa con đi cấp cứu không được

Anh Xây cũng như bao nhiêu người nông dân của xã Hương Nguyên, luôn tự hỏi: mình trồng cây gì? nuôi con gì? vốn ở đâu? để phát triển sinh kế, để nuôi con cái ăn học. Anh Xây vóc dáng đậm, không cao, da rám nắng trông rắn rỏi nhưng  ánh mắt hồn hậu biết cười đã cay xè mắt khi nhớ lại những ngày tháng vất vả chồng chất của mình. “Năm 2013, ngày 29 Tết, lúc đó tôi mới lập gia đình. Con gái đầu lòng của tôi đêm sốt cao, co giật.  Tôi không có tiền phải chạy vạy đi vay mượn bà con, chòm xóm năm trăm ngàn đồng để đưa cháu về bệnh viện huyện cấp cứu nhưng không ai có để cho mượn”.

Từ việc mượn tiền chạy chữa cho con cái lúc ốm đau không được, anh Xây quyết chí phải thay đổi cuộc sống bằng cách bám đất bám vườn, chịu khó học những người khác. Nhưng không có kỹ thuật, nuôi gà thì gà chết vì dịch bệnh, trồng lúa thì lúa chẳng đầy bông.

Đến hi vọng từ quỹ phát triển sinh kế

Việc vay vốn ở Ngân hàng hay phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện đều là những phương án không khả thi bởi vì lãi suất cao, anh không có khả năng trả. Tháng 10 năm 2018, dự án “Tăng cường năng lực bảo tồn tài nguyên rừng, đa dạng sinh học gắn với phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số sống gần khu bảo tồn thiên nhiên Sao La” giải ngân vốn quỹ phát triển sinh kế cộng đồng. Anh Xây cùng sáu hộ dân khác là hộ gia đình còn nhiều khó khăn đã mạnh dạn đăng ký vay vốn với 10 triệu đồng.

Lý giải về việc lựa chọn mô hình chăn nuôi bò, anh Xây cho biết: nhà không có nhiều đất nên canh tác cái gì cũng khó khăn. Tôi đã để ra một sào để trồng cỏ nên thấy chỉ có nuôi bò là phù hợp với gia đình mình lúc này. Với 10 triệu đồng, anh gom góp thêm tiền để dựng chuồng, mua bò. Hai vợ chồng được chuyên gia Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD), Đại học Nông Lâm tư vấn, tập huấn, cầm tay chỉ việc từ khâu chọn bò giống, phòng dịch, trồng cỏ, xây dựng chuồng trại, chăm sóc cho bò sinh trưởng. Sau gần một năm, bò từ 126 kg nay đã mập, đẹp, phát triển tốt và đang chuẩn bị bước vào thời kỳ sinh đẻ.

“Nếu không có dự án do Chương trình các dự án nhỏ, Quỹ Môi trường Toàn Cầu, chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tài trợ với sự thực hiện của huyện Đoàn A Lưới chắc gia đình tôi còn lâu mới đủ khả năng vay vốn vì  bên ngoài lãi suất cao. Trong khi,  lãi của quỹ phát triển sinh kế rẻ hơn”, anh bộc bạch.

Theo anh Nguyễn Văn Kiêm, bí thư đoàn xã, Giám đốc quỹ phát triển sinh kế cộng đồng cho biết: Quỹ tín dụng có tổng số tiền là 280 triệu đồng. Trong đó, việc chọn hộ cho vay vốn được thực hiện chặt chẽ. 28 hộ tiên phong vay vốn mỗi hộ vay 10 triệu đồng và tự đóng góp thêm 30% số tiền. Giá trị mỗi con bò giống giao động từ 12 – 15 triệu đồng. Trong đó có 19 hộ vay vốn phát triển mô hình chăn nuôi bò bán thâm canh.

Vốn vay có lãi suất ưu đãi 0,4%/tháng, trả lãi và gốc theo tháng đã trở thành “đòn bẩy” nâng cao thu nhập cho những người dân có nguy cơ sống phụ thuộc vào rừng.

“Sắp tới, nếu bò đẻ được một con bê, tôi vẫn muốn phát triển đàn bò thêm, trồng thêm cỏ để đảm bảo thức ăn cho bò cả vào mùa đông lạnh”. Anh Xây tâm sự trong niềm vui dung dị của người nông dân khát khao thoát nghèo.

Bảo Hòa