Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

      Một trong những chiến lược của Liên minh Châu Âu (EU) đưa ra trong chương trình FLEGT là hỗ trợ các hoạt động nhằm cải thiện sinh kế cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng và giảm tình trạng khai thác gỗ trái phép, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý rừng tại các địa phương. Tuy nhiên, hiện trạng quản trị rừng ở Việt Nam đặc biệt ở khu vực miền Trung còn rất hạn chế, người dân địa phương còn thiếu kỹ thuật, chiến lược để xây dựng và phát triển kinh tế từ tài nguyên rừng và đất rừng.

     Nhằm cải thiện và nâng cao năng lực cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, Dự án FLEGT khu vực miền Trung phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài nguyên (CORENARM) và Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành xây dựng thí điểm 01 “Mô hình Quản trị rừng bền vững – SFM dựa vào cộng đồng tại xã Hồng Bắc, huyện A Lưới – Tỉnh Thừa Thiên Huế.

     Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương xã Hồng Bắc và Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới, vào ngày 08/01/201, Dự án FLEGT – Khu vực miền Trung đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý tài nguyên (CORENARM) triển khai Hội thảo Lập kế hoạch “Xây dựng Mô hình Quản trị rừng bền vững dựa vào cộng đồng” nhằm hỗ trợ cộng đồng xây dựng kế hoạch quản lý bảo vệ rừng, quy chế hoạt động và kế hoạch phát triển sinh kế dựa vào tài nguyên rừng với sự tham gia của hơn 15 thành viên chủ chốt của 2 nhóm cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng tại thôn Tân Hối, xã Hồng Bắc.

     Nhóm cộng đồng quản trị rừng thôn Tân Hối, xã Hồng Bắc với 100% là người dân tộc Pacô, thu nhập chủ yếu của người dân phụ thuộc vào rừng và sản xuất nông nghiệp. Năm 2011, UBND huyện A Lưới, UBND xã Hồng Bắc và Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới đã tiến hành giao cho cộng đồng thôn Tân Hối quản lý và bảo vệ diện tích hơn 157ha rừng, nhưng đa số diện tích rừng được giao ở trạng thái rừng nghèo. Với nỗ lực của cộng đồng thôn kết hợp với chính quyền xã và Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới nhóm đã thành lập ban quản lý với 29 hộ tham gia và chia ra 2 nhóm làm công tác tuần tra bảo vệ rừng. Theo đánh giá sơ bộ của Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới, cộng đồng thôn Tân Hối đã làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, các thành viên trong nhóm đã ý thức được những lợi ích từ rừng mang lại cho người dân trong thôn. Để thực hiện hoạt động quản lý bảo vệ rừng có hiệu quả tại địa phương, cần có sự hỗ trợ về kỹ thuật và hướng dẫn chỉ đạo, phương pháp thực hiện của các cơ quan ban ngành chức năng có liên quan để giúp người dân làm tốt công tác tuần tra bảo vệ rừng và phát triển sinh kế.

     Mục tiêu của hoạt động xây dựng mô hình nhằm: (1) Cung cấp các thông tin về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng nhằm giải quyết các trường hợp xâm lấn, khai thác rừng thuộc phạm vị quản lý của cộng đồng;(2) Cung cấp thông tin, cơ sở để hướng dẫn người dân lập, thiết kế và thực hiện kế hoạch quản lý bảo vệ rừng, xây dựng quy chế quản lý bảo vệ rừng, thiết lập và xây dựng quỹ bảo vệ rừng cộng đồng và (3) Cung cấp kỹ năng và kiến thức cho quản lý bảo vệ, xây dựng, làm giàu rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý. Hỗ trợ người dân trong việc phát triển kinh tế dựa vào rừng thông qua hoạt động sinh kế như (trồng trọt, chăn nuôi, nông lâm kết hợp).

 DSC01121

TS. Trần Nam Thắng – Phó Giám đốc Trung tâm CORENARM
Giới thiệu về mục đích, ý nghĩa của hoạt động xây dựng mô hình

     Phát biểu tại buổi làm việc với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương, TS. Trần Nam Thắng – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý tài nguyên (CORENARM) đã giới thiệu về mục đích, ý nghĩa của hoạt động xây dựng mô hình giai đoạn 2014-2017 thông qua các nội dung: Thống nhất cách tổ chức thực hiện và phối hợp với các cơ quan liên quan; Chọn lựa mô hình dựa trên các tiêu chí; Tiến hành khảo sát thực địa tại địa phương; Điều tra hiện trạng kinh tế xã hội để xác định nhu cầu hỗ trợ; Xây dựng qui chế và kế hoạch hoạt động của mô hình; Xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng; Các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực; Xây dựng mô hình sinh kế cộng đồng; Tính bền vững của mô hình (PES, REDD+, Du lịch sinh thái, …) và chia sẻ bài học kinh nghiệm về quản trị rừng cộng đồng hiệu quả,….và kế hoạch duy trì các hoạt động sinh kế sau khi kết thúc dự án.

     Thông qua hoạt động triển khai xây dựng kế hoạch quản lý bền vững, Ông Trần Đình Thiện – Phó Hạt trưởng Hạt kiểm Lâm huyện A Lưới đã giới thiệu mục đích, nội dung, phương pháp và hỗ trợ người dân lập kế hoạch quản lý bảo vệ rừng hàng năm và 5 năm cho cộng đồng, đồng thời thống nhất lại ranh giới rừng được giao thông qua bản đồ giao rừng, phân chia lô khoảnh và mục đích sử dụng của từng diện tích.

DSC011611

Ông Trần Đình Thiện – Phó Hạt trưởng Hạt kiểm Lâm huyện A Lưới
Giới thiệu mục đích, nội dung, phương pháp và hỗ trợ người dân
lập kế hoạch quản lý bảo vệ rừng hàng năm và 5 năm

     Bên cạnh mục đích nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng bền vững, Dự án FLEGT – Khu vực miền Trung còn hỗ trợ cộng đồng, người dân phát triển sinh kế thông qua xây dựng nguồn quỹ bảo vệ phát triển rừng. Để quản lý quỹ một cách hiệu quả, bền vững và hỗ trợ tối đa phát triển sinh kế cho cộng đồng, Ông Nguyễn Văn Hoàng – Trung tâm CORENARM đã giới thiệu phương pháp xây dựng quy chế quản lý và sử dụng quỹ và các quy ước liên quan khác trong cộng đồng cũng như cách thức sử dụng nguồn quỹ hợp lý.

DSC01184

Ông Nguyễn Văn Hoàng – Trung tâm CORENARM
Giới thiệu phương pháp xây dựng quy chế quản lý và sử dụng quỹ

     Kết thúc ngày làm việc, hai nhóm cộng đồng đã xây dựng được kế hoạch quản lý bảo vệ rừng hàng năm, 05 năm và quy chế quản lý sử dụng nguồn quỹ bảo vệ phát triển rừng. Bản kế hoạch và quy chế sẽ được lãnh đạo cấp xã và huyện phê duyệt và thông qua cho cộng đồng trước khi triển khai các hoạt động tiếp theo của mô hình trong thời gian tới.

Dự án FLEGT

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x